Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Vatican khẳng định giá trị của Thần học Giải phóng

Tuần tới, từ 22-27/07/2013, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ tham dự Đại hội giới trẻ Công giáo thế giới tại Rio de Janeiro. Theo nhiều nhà phân tích, chuyến đi của Đức Giáo hoàng tới quốc gia Công giáo lớn nhất thế giới này trong chuyến xuất ngoại đầu tiên, khẳng định thái độ tích cực hơn của Vatican đối với phong trào Thần học Giải phóng, vốn bị Tòa thánh coi là đối thủ trong suốt gần 30 năm dưới nhiệm kỳ của Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Tượng cát của Đức Giáo hoàng Phanxicô trên bãi biển Copacabana, tại Rio de Janeiro, ngày 16/07/2013.
Tượng cát của Đức Giáo hoàng Phanxicô trên bãi biển Copacabana, tại Rio de Janeiro, ngày 16/07/2013. REUTERS/Sergio Moraes
Quảng cáo

Thần học giải phóng, ra đời cách đây hơn 40 năm tại Châu Mỹ Latinh, là một phong trào tôn giáo có mục tiêu đổi mới thông điệp xã hội của đạo Công giáo tại một châu lục, mà các bất bình đẳng xã hội được coi là nặng nề nhất hành tinh.

Trong nhiệm kỳ của Đức Giáo hoàng Phaolô IV (1963-1978), nền Thần học Giải phóng từng được Vatican rất quan tâm. Tòa thánh cũng đã từng bổ nhiệm nhiều linh mục theo trào lưu này vào các vị trí lãnh đạo tại khu vực Nam Mỹ. Tuy nhiên, dưới thời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Vatican đã thay đổi hoàn toàn thái độ đối với phong trào Thần học Giải phóng và cáo buộc đây là trào lưu theo chủ nghĩa Marx, bởi cho rằng nền Thần học này có quan điểm quá gần gũi với tầng lớp những người nghèo khổ nhất.

Theo Đức Giáo hoàng Joan Phaolô II, quan điểm của Thần học Giải phóng rót thêm dầu vào lửa trong « cuộc đấu tranh giai cấp » giữa người nghèo với người giàu, và khiến những tín đồ thuộc tầng lớp khá giả xa rời Giáo hội. Cũng trong thời gian này, nhiều linh mục theo Thần học Giải phóng đã bị Tòa thánh trừng phạt.

Từng cử chỉ một của Đức Giáo hoàng Phanxicô và từng sự kiện trong chuyến đi của người đứng đầu Tòa thánh tới Brazil, sau 4 tháng nhậm chức Giáo hoàng, sẽ rất được chú ý. Theo nhiều chuyên gia, chuyến đi này có thể đánh dấu chấm hết cho thái độ tẩy chay của Vatican đối với phong trào Thần học Giải phóng.

Trả lời AFP, ông Jeffrey Klaiber, giáo sư sử học Hoa Kỳ tại đại học Công giáo ở Peru, nhận xét : « Chúng ta đã có thể nói đến sự tái hòa giải (của Giáo hội Công giáo) với nền Thần học Giải phóng ». Về điều này, nhà sử học Mỹ giải thích thêm : « Việc thay đổi thái độ này đến từ chỗ Đức Giáo hoàng là người Achentina và ông cũng là người gần gũi ở một mức độ nhất định với phương thức hành động của nền Thần học Giải phóng ».

Cựu linh mục Brazil Leonardo Boff, người từng bị Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II buộc phải im lặng vì lập trường theo Thần học Giải phóng, nhấn mạnh trên trang blog của ông rằng : « Hoạt động mục vụ của Đức Giáo hoàng Phanxicô hiện nay là đi theo đường hướng » của phong trào này. Nhà thần học nói rõ : « Giáo hoàng (đương nhiệm) đã coi là của mình những nguyên lý mà Thần học Giải phóng khẳng định ngay từ thuở ban đầu : Giáo hội là tôn giáo của người nghèo, chúng ta phải là những người nghèo, Tòa thánh phải sống khắc khổ hơn ».

Trên thực tế, việc hòa giải với Thần học Giải phóng đã phần nào được bắt đầu dưới thời Đức Giáo hoàng tiền nhiệm Bênêđictô XVI, khi nhà thần học và giám mục Đức Gerhard Muller được bổ nhiệm làm Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin. Kể từ đó, có thể coi như Thần học Giải phóng thôi không còn là một hạt sạn trong giày đối với Vatican. Việc ông Gerhard Muller được giữ lại ở cương vị này trong nhiệm kỳ của Đức Giáo hoàng kế vị Phanxicô khẳng định xu thế này.

Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin Gerhard Muller và linh mục theo Thần học Giải phóng người Peru Gustavo Gutierrez, người vừa trả lời AFP, đã biết nhau từ năm 1988. Năm 2004, hai người cùng nhau thảo ra một tác phẩm đánh giá về những đóng góp của nền Thần học Giải phóng cho hành động của Giáo học Công giáo, cuốn sách mang tựa đề « Ở bên cạnh những người nghèo, Thần học Giải phóng ». Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin Gerhard Muller cũng vừa có tuyên bố khẳng định phong trào này là « một trong các trào lưu có ý nghĩa nhất của thần học Công giáo thế kỷ XX ».

Tính chất phức tạp trong quan hệ giữa Vatican với Thần học Giải phóng được thể hiện trong thông điệp đầu tiên của Giáo hoàng Phanxicô mang tên « Ánh sáng của đức tin », mà Tổng trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin Gerhard Muller phụ trách soạn thảo, nhận định : « Đạo Công giáo có điều để nói trong vấn đề quyền tự do của con người, sự giải phóng con người, nhưng không giống như quan niệm của chủ nghĩa Mác ». Theo một số nhà phân tích, thì Giáo hoàng đương nhiệm có cái nhìn tích cực hơn nhiều về Thần học Giải phóng so với người tiền nhiệm. Trong khi đó, nhà báo Mỹ John Allen, làm việc cho CNN và tuần báo Công giáo National Catholic Reporter, thì giải thích với AFP rằng, chính bản thân Đức Giáo hoàng Bênêđictô 16 chắc chắn đã tham gia vào việc « củng cố nền Thần học Giải phóng ».

Tại, Brazil, mảnh đất lành của nền Thần học Giải phóng, nơi phong trào xã hội chống tham nhũng và thực trạng tồi tệ của các dịch vụ công vừa bùng nổ vào tháng trước, giới trẻ Brazil hy vọng nhận được sự ủng hộ của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong chuyến công du của ông, và không loại trừ ý định sử dụng dịp này để làm sống dậy phong trào đấu tranh của họ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.