Vào nội dung chính
HOA KỲ - SYRIA

Mỹ nêu khả năng can thiệp quân sự tại Syria

Ngày 22/07/2013, một công văn của tổng tham mưu trưởng Martin Dempsey, nói đến các khả năng can thiệp quân sự vào Syria, được công bố. Trong công văn gửi đến Quốc hội Mỹ, ông Martin Dempsey nhấn mạnh việc gửi quân đến Syria là một quyết định chính trị, mà « quốc gia ủy thác cho các lãnh đạo dân cử ».

Tướng Martin Dempsey, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ.
Tướng Martin Dempsey, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ. REUTERS/Larry Downing/Files
Quảng cáo

Công văn được tướng Dempsey, viên tướng có hàm cấp cao nhất quân đội Mỹ - gửi đến chủ tịch ủy ban Quốc phòng của Thượng viện Carl Levin, trình bày năm kịch bản can thiệp của Hoa Kỳ tại Syria, đi từ việc cung cấp tin tức tình báo và huấn luyện sử dụng vũ khí cho đến khả năng triển khai quân đội tấn công và làm chủ các địa điểm, nơi cất giữ các vũ khí hóa học của chế độ Bachar al-Assad.

Trong số các kịch bản được tướng Dempsey nêu ra, có việc sử dụng không quân để tấn công vào hệ thống phòng không, hải quân và không quân của quân đội Assad. Ông nhấn mạnh biện pháp đòi hỏi hàng trăm phi cơ và tàu thuyền tham gia như vậy sẽ tốn kém hàng tỷ đô la. Một kịch bản khác là tạo ra một vùng cấm bay để ngăn cản quân đội Damas ném bom quân nổi dậy. Một kịch bản khác nữa là lập các vùng đệm để bảo vệ các khu vực biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Jordani. Giải pháp này, theo tướng Dempsey, tốn kém hơn một tỷ đô la/tháng, vì phải có lực lượng bảo vệ các vùng đệm.

Trong bức công văn, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ nhấn mạnh đến các hệ lụy của quyết định can thiệp vào xung đột tại Syria : « Một khi chúng ta hành động, thì chúng ta phải sẵn sàng chuẩn bị cho bước tiếp theo, với một can thiệp quan trọng hơn khó tránh khỏi ».

Từ đầu cuộc xung đột tại Syria cho đến nay, Washington vẫn dừng ở vai trò hậu thuẫn phi quân sự cho phe nổi dậy, đặc biệt với việc cung cấp các trợ giúp nhân đạo. Vào tháng 6/2013, chính quyền Obama hứa hẹn sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho quân nổi dậy, sau khi chính thức cáo buộc chế độ Assad sử dụng vũ khí hóa học.

Cho đến nay, tổng thống Obama và các nhà lập pháp, kể cả nghị sĩ McCain, vẫn né tránh việc đưa quân Mỹ vào Syria. Về phần mình, tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ cho rằng, trong cuộc xung đột tại Syria, cần phải có một hành động can thiệp mang tính khu vực, nhằm cô lập các vùng xung đột, ngăn chặn việc phổ biến vũ khí và xung đột bùng phát, và hỗ trợ cho một lực lượng đối lập ôn hòa phát triển.

Hoa Kỳ hoan nghênh Liên Âu đưa Hezbollah vào danh sách các nhóm khủng bổ

Ngày 22/07/2013 ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hoan nghênh « thông điệp mạnh mẽ » của Liên Hiệp Châu Âu, khi quyết định đưa cánh quân sự của tổ chức Hezbollah của Liban vào danh sách các tổ chức khủng bố. Hezbollah là tổ chức đứng đằng sau cuộc khủng bố đẫm máu tại một sân bay ở Bulgaria, khiến bảy người chết.

Đối lập Syria, nhân dịp này, kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu xét xử các lãnh đạo của Hezbollah đứng về phe chế độ Damas, tham gia cuộc chiến chống quân nổi dậy tại Syria. Tháng 6/2013 vừa qua, với sự hỗ trợ của Hezbollah, quân đội của Assad đã chiếm được thành phố chiến lược Qousseir, gần biên giới với Liban, do phe nổi dậy nắm giữ từ một năm trước.

Quan điểm của Liên Âu là cứng rắn với cánh vũ trang của Hezbollah, nhưng sẵn sàng đối thoại với các lãnh đạo chính trị của tổ chức này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.