Vào nội dung chính
ANH QUỐC

Câu lưu bạn đời nhà báo, Luân Đôn bị chỉ trích dữ dội

Chính quyền Anh Quốc vào hôm nay, 19/08/2013 đã gồng mình chịu đựng những lời chỉ trích sau vụ câu lưu người bạn đời của nhà báo đã tiết lộ các tài liệu mật mà cựu kỹ thuật viên tình báo Mỹ Edward Snowden nắm trong tay. Ông David Miranda, người Brazil, bạn đời của nhà báo Glenn Greenwald viết cho nhật báo Anh The Guardian, đã bị câu lưu để thẩm vấn trong 9 tiếng đồng hồ tại phi trường quốc tế Luân Đôn.

Glenn Greenwald với người bạn đời David Miranda tại sân bay quốc tế Rio de Janeiro ngày 19/08/2013.
Glenn Greenwald với người bạn đời David Miranda tại sân bay quốc tế Rio de Janeiro ngày 19/08/2013. REUTERS/Ricardo Moraes
Quảng cáo

Miranda đã bị tạm giữ vào hôm qua ngay tại sân bay quốc tế Heathrow khi ông từ Berlin quá cảnh Luân Đôn trên đường về Brazil, nơi nhà báo Glenn Greenwald đang cư ngụ. Ông bị bắt căn cứ theo Điều 7 của Đạo luật chống khủng bố ban hành từ năm 2000.

Theo báo The Guardian, cảnh sát Anh đã tịch thu thiết bị điện tử của chàng thanh niên mới 28 tuổi này, bao gồm máy tính, điện thoại di động, ổ đĩa flash USB, đĩa DVD và các trò chơi video khác.

Trong bài báo do chính ông viết, nhà báo Glenn Greenwald đã tố cáo chính quyền Anh là « không có bất kỳ nghi ngờ nào » về khả năng Miranda can dự vào hoạt động khủng bố, mà chỉ truy hỏi người này về các hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), nơi Edward Snowden làm việc trước đây.

Đối với nhà báo Greenwald, Luân Đôn đã « hoàn toàn lạm dụng luật chống khủng bố vì những động cơ không liên quan gì đến khủng bố ». Vụ câu lưu, theo ký giả của The Guardian, rõ ràng là « nhằm hù dọa những người làm việc công việc nhà báo trên vấn đề Cơ quan NSA (của Mỹ) và cơ quan tương tự GCHQ tại Anh Quốc ».

Bộ Nội vụ Anh đã từ chối mọi bình luận vào hôm nay, nhưng chính quyền Luân Đôn đang càng lúc càng bị buộc phải giải thích.

Ông Keith Vaz, chủ tịch Ủy ban Nội vụ của Nghị viện Anh đánh giá là vụ câu lưu ông Miranda rất « bất thường », và đòi cảnh sát Anh phải « giải thích ».

Chính quyền Brazil cũng cực lực phản đối vụ tạm giữ, cho là « không thể nào biện minh » cho việc bắt giữ một người hoàn toàn không bị nghi ngờ, nhân danh luật lệ chống khủng bố.

Tổ chức Ân xá Quốc tế coi vụ câu lưu này là môt hành vi “bất hợp pháp và không thể biện minh được”, đồng nghĩa với một “sách lược trả đũa”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.