Vào nội dung chính
NGA - SYRIA - QUÂN SỰ

Nga không loại trừ khả năng đồng ý can thiệp vào Syria

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng AP và một đài truyền hình Nga ngày hôm nay, 04/09/2013, Tổng thống Nga Vladimir Putin không loại trừ khả năng chấp nhận một cuộc can thiệp quân sự vào Syria, nếu như có những bằng chứng rõ ràng là chính quyền Damas sử dụng vũ khí hóa học. Mặt khác, nguyên thủ Nga cho rằng, mọi hành động sử dụng vũ lực là bất hợp pháp, nếu không có sự cho phép của Liên Hiệp Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc trả lời phỏng vấn AP tại ngoại ô Matxcơva, ngày 03/09/2013
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc trả lời phỏng vấn AP tại ngoại ô Matxcơva, ngày 03/09/2013 REUTERS
Quảng cáo

Một ngày trước khi khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Saint Petersbourg, Nga, Tổng thống Putin, đồng minh chủ chốt của Tổng thống Syria Bachar al Assad, dường như muốn tỏ thái độ xây dựng, qua việc bày tỏ mong muốn hội đàm với đồng nhiệm Mỹ Barack Obama bên lề Thượng đỉnh và ông nhấn mạnh là không thiếu các chủ đề để thảo luận giữa lãnh đạo hai nước.

Trước đó, Tổng thống Mỹ đã hủy bỏ cuộc gặp với nguyên thủ Nga, vốn được dự tính vào lúc trước khi có Thượng đỉnh G20. Giờ đây, khi tới Saint Petersbourg, ông Obama đã có sự ủng hộ mạnh mẽ của các lãnh đạo Thượng và Hạ viện Hoa Kỳ trong việc trừng trị Syria.

Khi được hỏi là liệu Nga có bật đèn xanh cho việc can thiệp vào Syria hay không, nếu có bằng chứng về việc quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học, Tổng thống Putin trả lời : « Tôi không loại trừ việc này ».

Thế nhưng, lãnh đạo Nga lại thể hiện rõ các bất đồng với Hoa Kỳ và các đồng minh Châu Âu của Washington, khi những nước này quy trách nhiệm cho chính quyền Bachar al Assad trong vụ tấn công được cho là có sử dụng khí độc, ngày 21/08 vừa qua, ở ngoại ô Damas. Theo Washington, trong vụ này, khoảng 1400 người đã thiệt mạng.

Ông Putin cho biết: « Chúng tôi không hề có một dữ kiện nào cho thấy các lực lượng của chính phủ Syria đã vội vã sử dụng những chất này – người ta không rõ đó là vũ khí hóa học hay đơn giản là các hóa chất nguy hiểm ».

Theo chủ nhân điện Kremlin, tấn công Syria mà không có sự chấp thuận của Liên Hiệp Quốc là một hành động bất hợp pháp : « Chiểu theo các luật lệ quốc tế hiện hành, chỉ có Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có quyền cho phép sử dụng vũ lực chống lại một Nhà nước có chủ quyền. Mọi cách tiếp cận khác và mọi phương tiện để biện minh cho việc sử dụng vũ lực chống lại một Nhà nước có chủ quyền và độc lập là không thể chấp nhận được ».

Mỹ và Pháp, hai nước đi đầu trong chủ trương can thiệp quân sự vào Syria cho biết sẵn sàng hành động mà không cần đến một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, vì theo Washington và Paris, văn bản này sẽ bị Matxcơva phủ quyết.

Một quan chức phương Tây, xin giấu tên, nói với hãng Reuters là có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Nga dường như tin rằng quân đội Syria đã sử dụng vũ khí hóa học, thế nhưng Kremlin không muốn thổ lộ điều này.

Vẫn theo nguồn tin trên, một khi các cuộc tấn công quân sự được tiến hành, các nước phương Tây hy vọng là Nga sẽ tỏ thái độ hợp tác hơn trong việc giải quyết cuộc xung đột tại Syria.

Với vẻ mặt tự tin và bình thản, ông Putin cho rằng các nước phương Tây cần phải chứng minh tội danh của Bachar al Assad. Matxcơva công khai tỏ ý nghi ngờ là chính lực lượng nổi dậy Syria đã sử dụng vũ khí hóa học để làm dấy lên một cuộc can thiệp quân sự của nước ngoài chống lại chế độ Damas.

Về những cuộc băng video cho thấy hình ảnh các trẻ nhỏ bị giết hại trong các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, Tổng thống Nga nói đây là một sự dàn dựng của « những tên kẻ cướp có liên hệ với Al Qaida ».

Liên quan đến việc giao cho Syria tên lửa S-300, ông Putin cho biết: « Chúng tôi đã cung cấp các bộ phận tách rời, nhưng việc chuyển giao chưa hoàn tất. Từ nay, chúng tôi đình chỉ việc này. Tuy nhiên, nếu chúng tôi nhận thấy có những khởi xướng vi phạm các luật lệ quốc tế hiện hành, chúng tôi sẽ trù tính phản ứng trước, kể cả việc cung cấp các vũ khí nhậy cảm ».

Các phương Tây lo ngại là hệ thống tên lửa này đe dọa các máy bay ném bom của mình trong trường hợp dùng không quân oanh kích Syria.

Theo hãng thông tấn Interfax, trích dẫn một nguồn tin quân sự, chính quyền Nga đã điều một tuần dương hạm phóng hỏa tiễn tới phía đông Địa Trung Hải để chỉ huy các hoạt động tác chiến của hạm đội Nga trong khu vực.

Tổng thống Nga cũng đánh giá đồng nhiệm Mỹ Barack Obama là người có đầu óc thực tế và bác bỏ suy nghĩ cho rằng quan hệ cá nhân ông với Tổng thống Mỹ có khó khăn.

Nguyên thủ Mỹ đã hủy bỏ cuộc gặp với lãnh đạo Nga vốn được dự tính vào lúc trước khi khai mạc Thượng đỉnh G20, sau khi Matxcơva cấp quy chế tỵ nạn chính trị cho Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Hoa Kỳ - NSA, người đã có nhiều tiết lộ về các chương trình theo dõi, nghe lén của tình báo Mỹ.

Tổng thống Putin nói: « Ngay cả khi chúng tôi chỉ gặp nhau bên lề Thượng đỉnh, tôi chắc chắn rằng điều này là cần thiết. Trong mọi trường hợp, có nhiều vấn đề để chúng tôi làm việc với nhau và phải giải quyết ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.