Vào nội dung chính
KHỦNG HOẢNG SYRIA

Bất đồng tại G20, tăng cường lực lượng tại chỗ

Lãnh đạo G20 họp tại Saint Petersbourg đạt được đồng thuận duy nhất: lên án việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Buổi dạ tiệc kéo dài đến hơn 1 giờ sáng ngày 06/09/2013 làm nổi bật lằn ranh chia rẽ giữa hai phe ủng hộ và chống giải pháp quân sự trong nhóm 20 nước giàu nhất thế giới, được thể hiện qua thái độ tươi cười ngoài mặt, nhưng đối nghịch bên trong của tổng thống Nga và Mỹ.

Tàu sân bay Hoa Kỳ USS Nimitz triển khai từ 01/09/2013 tại Biển Đỏ.
Tàu sân bay Hoa Kỳ USS Nimitz triển khai từ 01/09/2013 tại Biển Đỏ. REUTERS/Hugh Gentry
Quảng cáo

Theo hai đặc phái viên của RFI Anastasia Becchio và Dominique Baillard tại hội nghị G20, thì không một ai mang ảo tưởng rằng buổi ăn tối và làm việc kéo dài ba giờ đồng hồ vào đêm qua sẽ thu hẹp được khoảng cách bất đồng.

Các quan khách của tổng thống Nga rời điện Peterhof lúc một giờ sáng với lập trường không thay đổi. Thủ tướng Ý Enrico Letta, với chủ trương chống can thiệp, công khai nhìn nhận « mối chia rẽ » này.

Phát ngôn viên điện Kremli, Dmitri Peskov xác định tương tự : Giữa phe chủ trương trừng phạt Damas và phe chống lại « cán cân lực lượng gần như cân bằng nhau ».

Theo AFP, tổng thống Nga tổ chức buổi dạ tiệc với mục đích để mỗi quan khách trình bày quan điểm của mình về hồ sơ Syria, nhưng không đi đến tranh luận ai sai, ai đúng.

Về phía Pháp, với lập trường cùng hợp lực với Mỹ can thiệp vào Syria, tỏ thái độ lạc quan tương đối, nhấn mạnh là G20 đã « đồng thuận lên án việc sử dụng vũ khí hóa học », tuy không gọi đích danh thủ phạm.

Một nguồn tin thân cận với điện Elysée thẩm định trong buổi ăn tối các nước Tây Âu bày tỏ tinh thần « đoàn kết » với Mỹ - Pháp. Một câu hỏi then chốt được nêu lên : « Ai là thủ phạm ? ». Tổng thống Nga không trả lời minh bạch mà chỉ nói mập mờ « hoặc bên này hoặc bên kia nhưng chắc cả hai bên ».

Từ nhiều ngày qua, tình trạng căng thẳng căng thẳng giữa Nga và Mỹ không ngừng gia tăng, với những đe dọa leo thang quân sự và lên giọng ngoại giao.

Hôm qua, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc bà Samantha Power đã tấn công thẳng thừng vào nước Nga, tố cáo Matxcơva bắt Hội Đồng Bảo An làm « con tin », ngăn chận mọi nghị quyết trừng phạt Syria.

Cũng trong ngày hôm qua, ba chiến hạm của Nga đã vượt eo biển Bosphore của Thổ Nhĩ Kỳ vào biển Địa Trung hải để tiến về vùng duyên hải của Syria, nơi Matxcơva có căn cứ hải quân duy nhất tại Trung Đông. Nga thông báo đưa thêm một chiến hạm thứ tư, loại tàu đổ bộ vào Địa Trung Hải trong những ngày tới.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của Nato đã bố trí thêm lực lượng bộ binh và chiến xa dọc theo biên giới với Syria. Hãng thống tấn Anatolie cho biết thêm là các đơn vị trấn đóng tại những khu vực trọng yếu sát biên giới Syria từ năm 2011 cũng đã được tăng cường. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, trước khi lên đường đi dự hội nghị G20, đã tuyên bố là Ankara sẵn sàng yểm trợ một liên minh quân sự chống chế độ Damas.

Tại Saint Petersbourg, Thủ tướng Erdogan đã thảo luận vấn đề này với Tổng thống Pháp François Hollande.

Chiều nay hai nguyên thủ Mỹ - Pháp sẽ gặp nhau bên lề hội nghị G20. Lãnh đạo hai quốc gia chủ trương biện pháp mạnh sẽ hội ý để thuyết phục cộng đồng quốc tế về tính chính đáng của một giải pháp quân sự.

Căng thẳng gia tăng theo nhịp độ tiến gần đến ngày 09/09 ngày quốc hội Mỹ nhóm họp để thảo luận và biểu quyết dự án luật cho phép hành pháp tấn công Syria hay không.

Tại Syria, tình hình chiến sự cũng sôi động theo. Quân đội Syria tự do đã đánh chiếm một trong những ngõ vào Maaloula, địa danh lịch sử của cộng đồng thiên chúa giáo cách thủ đô Damas 55 km, phá hủy hai đồn binh của quân đội chính phủ, nhưng sau đó rút đi. Liên minh đối lập cho biết muốn biểu lộ tinh thần « tôn trọng và bảo vệ người dân không phân biệt tôn giáo ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.