Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Obama và Syria : Giờ của sự thật đã điểm

Vào lúc Hạ viện Mỹ bắt đầu thảo luận về khả năng trừng phạt Syria và hai ngày trước cuộc biểu quyết tại Thượng Viện, chính quyền Obama dồn mọi nỗ lực để thuyết phục dư luận trong nước và cộng đồng quốc tế về những bằng chứng cụ thể là chế độ Assad đã dùng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân. Thuyết phục quốc tế trừng phạt Syria đã là khó, nhưng thuyết phục được dư luận trong nước đối với ông Obama có lẽ còn phức tạp hơn.

Phe chống can thiệp quân sự vào Syria tập hợp tại Union Square, ở Manhattan - REUTERS /A. Latif
Phe chống can thiệp quân sự vào Syria tập hợp tại Union Square, ở Manhattan - REUTERS /A. Latif
Quảng cáo

Trên mặt trận quốc tế, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, John Kerry vừa kết thúc một cuộc chạy đua marathon tại châu Âu để tìm hậu thuẫn. Trước mắt, toàn bộ 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu đã đồng ý về một giải pháp « mạnh và rõ ràng » đối với Syria.

Còn theo lời Ngoại trưởng Pháp, Laurent Fabius, thì đã có 7 trong số 8 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới đồng ý « trừng phạt quân sự » chính quyền Assad. Bản thân Trung Quốc cũng đã tỏ thái độ thực tiễn hơn trên hồ sơ này.

Nhưng chính quyền Obama liệu có thuyệt phục được dư luận Mỹ hay không ? Đó lại là chuyện khác.

Uy tín của Hoa Kỳ, cũng như của chính Tổng thống Barack Obama tùy thuộc vào kết quả biểu quyết của Quốc hội lưỡng viện. Thượng viện sẽ biểu quyết vào ngày Thứ Tư 11/09/2013. Còn Hạ viện thì bắt đầu thảo luận về giải pháp quân sự ngày hôm nay (09/09/2013) nhưng chưa chính thức thông báo khi nào biểu quyết.

Theo tiết lộ của nhật báo Washington Post, trong tương quan lực lượng hiện nay, có tới 223 đại biểu Quốc hội ở Hạ viện có khuynh hướng chống đối giải pháp quân sự. Trong khi đó chỉ cần 217 trên tộng cộng 435 dân biểu đi theo hướng này là cũng đủ để chính quyền Obama phải tính tới một kế hoạch B trên hồ sơ Syria.

Do vậy trong hơn 48 giờ qua, Nhà Trắng đã lao vào một cuộc chạy đua nước rút để vận động các dân biểu. Tối hôm qua (08/09/2013) ông Obama đã tiếp một số các thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa ngay tại dinh thự của Phó Tổng thống Joe Biden. Cùng ngày hôm qua, chánh văn phòng của phủ Tổng thống là ông Denis McDonough đã xuất hiện trên 5 đài truyền hình khác nhau để giải thích về giải pháp « tấn công có giới hạn » trừng phạt Damas.

Hôm nay (09/09/2013), đích thân Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama sẽ trả lời phỏng vấn của 6 đài truyền hình. Chương trình sẽ được phát đi ngay vào buổi tối, gần như cùng lúc, đài truyền hình CBS của Mỹ phát đi toàn bộ bài phỏng vấn mà Tổng thống Syria, Bachar Al Assad đã dành cho phóng viên Charlie Rose. Trong đó lãnh đạo Syria bác bỏ cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học trong đợt tấn công ngày 21/08/2003.

Ngày mai (10/09/2013) khi Thượng viện Hoa Kỳ bắt đầu thảo luận về Syria. Đấy cũng là lúc ông Barack Obama từ văn phòng Tổng thống sẽ có một bài diễn văn gửi đến toàn dân.

Cả trong hàng ngũ các dân biểu của đảng Cộng Hòa lẫn Dân chủ, có rất nhiều người lo ngại can thiệp quân sự của Mỹ tại Syria sẽ mở ra một mặt trận mới ở Trung Đông. Nữ dân biểu bang California, bà Loretta Sanchez trả lời trên đài truyền hình NBC nêu lên câu hỏi, can thiệp vào Syria sẽ có lợi gì cho nền an ninh của Hoa Kỳ.

Ngược lại theo bà, ngay khi Mỹ bắn tên lửa đầu tiên là coi như « cuộc chiến Syria đã mở màn ». Nữ đại biểu Quốc hội thuộc đảng Dân chủ Sanchez nghi ngờ về cam kết của Tổng thống Obama, theo đó nếu có can thiệp vào Syria thì đó chỉ là một sự can thiệp trong ngắn ngày. Nữ dân biểu bang California nhắc lại rằng, những cuộc chiến tranh kéo dài đều đã từng bắt đầu như vậy.

Một tiếng nói khác trong hàng ngũ của đảng Dân chủ không tin là Tổng thống Obama sẽ được Quốc hội hậu thuẫn trên hồ sơ Syria. Hiện còn rất nhiều dân biểu của cả hai phía Cộng hòa và Dân chủ còn đang lưỡng lự. Kết quả biểu quyết ở Quốc hội lưỡng viện rất khó dự đoán.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.