Vào nội dung chính
MỸ - SYRIA - NGA

Vũ khí hóa học Syria : Obama ủng hộ đề nghị của Nga nhưng thận trọng

Tổng thống Mỹ Barack Obama không bác bỏ đề xuất của Nga đặt hệ thống vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế. Nhưng ông giữ thái độ thận trọng. Phát biểu trên các đài truyền hình Mỹ ngày hôm qua, 09/09/2013, ông Obama cho đây là một bước tiến, một sự phát triển tiềm tàng tích cực. Quốc hội lưỡng viện bắt đầu thảo luận về việc có nên tấn công Syria hay không, trong khi đó, Thượng viện hoãn bỏ phiếu, vốn dự kiến vào ngày 11/09.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Marie Capomaccio tường trình :

« Vào lúc này, lập trường của Barack Obama vẫn chưa hoàn toàn dứt khoát : Ông cho rằng đề xuất của Nga là đáng quan tâm và có thể coi đây là một bước tiến, cho dù không nên giảm áp lực đối với Damas. Tổng thống Mỹ giải thích : "Chúng tôi nghĩ rằng đề nghị này là nghiêm túc, nhưng tôi cũng phải lưu ý các vị là cho đến nay, chúng tôi không nhận thấy một cử chỉ nào như vậy cả. Có thể đây là một bước tiến, một bước đột phá, nhưng chúng tôi cần theo dõi sát điều này bởi vì chúng tôi không muốn thấy đây là một thủ đoạn kéo dài thời gian, tránh né áp lực của chúng ta đối với Syria vào lúc này. Chúng ta cần duy trì áp lực và chính vì điều này mà tôi sẽ nói chuyện với quốc dân vào ngày mai, để giải thích vì sao tôi nghĩ rằng tất cả những điều này lại quan trọng đến như vậy".

Theo Tổng thống Mỹ, chính mối đe dọa can thiệp quân sự của Mỹ đã buộc Matxcơva phải đưa ra sáng kiến này, nhưng ông e ngại đó là thủ đoạn trì hoãn, một phương tiện để Damas có thêm thời gian. Barack Obama duy trì kế hoạch nói chuyện với quốc dân vào tối nay. Thông điệp sẽ được người dân Mỹ chú ý theo dõi, nhất là các dân biểu Hoa Kỳ, bởi vì từ hôm qua, họ đã sẵn sàng thảo luận nhằm cho phép Tổng thống Obama tấn công Syria hay không.

Một số dân biểu Mỹ hy vọng có thể tránh phải có lập trường ủng hộ hay chống cuộc tấn công Syria. Do vậy, nhiều người cho rằng đề xuất của Nga được đưa ra đúng lúc. Đề xuất này sẽ cho phép những dân biểu còn lưỡng lự không cần phải tỏ rõ lập trường của mình. Thế nhưng, không rõ là liệu Barack Obama có chờ đợi bằng chứng về thiện chí của Syria hay không, trước khi đưa ra các quyết định, bởi vì trên thực địa, mọi việc có thể rất phức tạp.

Trong mọi trường hợp tại Washington, chiến dịch vận động hành lang vẫn tiếp tục. Phó Tổng thống Joe Biden có một cuộc họp với các dân biểu có gốc cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha, sau đó, trong ngày hôm nay, ông có một cuộc gặp khác với nhóm ủng hộ Israel. Bà Susan Rice, cố vấn của Tổng thống có nhiệm vụ thuyết phục các dân biểu có gốc cộng đồng Châu Phi. Cuối cùng, vào trưa nay, ông Barack Obama họp kín với các Thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ, đảng chiếm đa số tại Thượng viện, trước khi nói chuyện với quốc dân vào tối nay.

Đề xuất của Nga bao gồm ba điểm :

Chấp nhận đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế, sau đó phá hủy kho vũ khí này và cuối cùng, Matxcơva kêu gọi Damas tham gia Tổ chức cấm vũ khí hóa học, bởi vì Syria là một trong số rất ít nước trên thế giới chưa tham gia định chế này.

Sáng kiến của Nga do Ngoại trưởng Serguei Lavrov đưa ra vào chiều tối ngày hôm qua, 09/09/2013, trong một cuộc họp báo không được dự kiến trước. Theo nhật báo Kommersant, dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga, thì ý tưởng này đã được đưa ra và áp đặt trong cuộc gặp tại Matxcơva - được đánh giá là có kết quả - giữa Ngoại trưởng Lavrov và đồng nhiệm Syria, và đặc biệt là sau phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Luân Đôn. Ngoại trưởng Mỹ đã khẳng định rằng chế độ Damas có thể tránh được một cuộc can thiệp quân sự từ bên ngoài vào qua việc đặt hệ thống vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế. Không cần chờ đợi xem phải chăng đây là một tuyên bố hay chỉ là cách lập luận hùng biện của ông Kerry, Ngoại trưởng Nga nắm bắt ngay lấy cơ hội này.

Xem hồ sơ Syria

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.