Vào nội dung chính
HOA KỲ

Hoa Kỳ phê chuẩn Hiệp ước về buôn bán vũ khí quy ước

Hôm nay, 25/09/2013, Hoa Kỳ sẽ chính thức ký hiệp ước về buôn bán vũ khí quy ước. Hiệp ước, được Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 4/2013, có mục tiêu làm minh bạch lĩnh vực mua bán vũ khí để tránh vũ khí rơi vào tay các tổ chức tội phạm hay khủng bố, hoặc được sử dụng vào mục tiêu chống nhân loại, diệt chủng hay xâm phạm nhân quyền. Tuy nhiên, NRA - tổ chức cổ vũ việc cá nhân sở hữu vũ khí ở Hoa Kỳ - không thiện cảm với hiệp ước này, vì lo ngại Hiệp ước xâm phạm điều 2 Hiến pháp Mỹ.

REUTERS/Ulises Rodriguez
Quảng cáo

Thông tín viên Anne-Marie Capomaccio tường trình từ Washington,

« Chữ ký của Hoa Kỳ - nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới - cho phép Hiệp ước này có hiệu lực thực tế trên quy mô toàn cầu. Hàng năm, Washington đưa ra thị trường một lượng vũ khí chiếm tới 30% tổng giá trị. Nếu không có sự tham gia của Mỹ, thông tin về một phần ba thị trường này vẫn còn là bí mật. Mục tiêu của Hiệp ước là làm minh bạch thông tin, nếu các đối tác chính trong lĩnh vực buôn bán vũ khí quy ước tiếp tục phê chuẩn Hiệp ước sau đó, thì tất cả các nước này cũng sẽ được cung cấp thông tin về nhau.

Hiệp ước về buôn bán vũ khí quy ước không phải là phép màu, nhưng trước hết đó là một cam kết hướng đến minh bạch. Mục tiêu của Hiệp ước là để tránh vũ khí được bán cho các băng đảng tội phạm các tổ chức, các chính quyền bị nghi sử dụng các phương tiện này để chống lại thường dân.

Quốc gia xuất khẩu hay nhập khẩu vũ khí quy ước cam kết nộp cho Liên Hiệp Quốc một danh sách chi tiết và cập nhật về các vũ khí bán và mua. Hiệp ước này liên quan đến tất cả các loại vũ khí quy ước như : chiến xa, phi cơ chiến đấu, tên lửa, vũ khí nhẹ, đạn dược… Sau đó Liên Hiệp Quốc sẽ kiểm định các số liệu này.

Hiệp ước này sẽ cho phép thiết lập một công cụ kiểm soát toàn cầu trong lĩnh vực mua bán vũ khí. Đây là một cuộc cách mạng trong một lĩnh vực mà cách thức vận hành cho đến nay vốn là bí mật ».

Tháng 4/2013, Hiệp ước về buôn bán vũ khí quy ước đã được 154 quốc gia ký, ba quốc gia phản đối và 23 vắng mặt. Iran, Syria và Bắc Triều Tiên là ba quốc gia phản đối. Nga và Trung Quốc nằm trong số các nước vắng mặt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.