Vào nội dung chính
NGA

Toà án Nga cáo buộc nhóm đấu tranh Greenpeace tội cướp biển

Hôm qua, 25/09/2013, tòa án thành phố Mourmansk của Nga đã quy kết tội « cướp biển » cho nhóm 30 thành viên tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, bị bắt giữ sau vụ xâm nhập giàn khoan dầu của Nga tại Bắc cực. Hôm nay 26/9, tòa án Mourmansk đã kéo dài thời hạn tạm giam hai tháng đối với một thành viên người Nga trong nhóm bảo vệ môi trường. 

Một thành viên người Thổ Nhĩ Kỳ của Greenpeace - bị bắt trong vụ phản đối giàn khoan dầu của Nga tại Bắc cực, được đưa đến Tòa án quận Leninsky, thành phố Murmansk, ngày 26/09/2013. Ảnh do chính Greenpeace cung cấp.
Một thành viên người Thổ Nhĩ Kỳ của Greenpeace - bị bắt trong vụ phản đối giàn khoan dầu của Nga tại Bắc cực, được đưa đến Tòa án quận Leninsky, thành phố Murmansk, ngày 26/09/2013. Ảnh do chính Greenpeace cung cấp. REUTERS/Igor Podgorny/Greenpeace/Handout via Reuters
Quảng cáo

Đó là nhà nhiếp ảnh người Nga Dinis Siniakov, cùng đi với các thành viên khác trong nhóm để chụp ảnh. Theo Interfax, tòa án Mourmansk lý giải cho quyết định này là vì nhiếp ảnh gia Siniakov làm việc thường xuyên với tổ chức Greenpeace, hay đi ra nước ngoài và vì thế có thể rời khỏi Nga.

Ba mươi nhà hoạt động của Greenpeace, bị quy tội « cướp biển », một tội danh có thể phải chịu mức án tới 15 năm tù. Sáng nay, họ bị đưa ra tòa để nghe phán quyết có bị tạm giam hay không, sau sự kiện xâm nhập vào giàn khoan dầu của tập đoàn Gazprom tại Bắc cực. Các thành viên nói trên của Greenpeace thuộc 18 quốc tịch đã bị lực lượng biên phòng Nga bắt giữ cùng con tàu phá băng Arctic Sunrise cắm cờ Hà Lan của họ.

Sáng nay, Ủy ban điều tra của Nga đã ra thông cáo cho biết sẽ đề nghị tiếp tục tạm giam cả nhóm Greenpeace bị bắt. Cuối cùng tòa án chỉ kéo dài thời hạn tạm giam đối với một thành viên. Không có thông tin gì nói về số phận của những thành viên còn lại của Greenpeace sẽ ra sao.

Chiếc tàu phá băng Arctic Sunrise của Greenpeace tuần trước đã lên tận Bắc cực để phản đối một dự án khai thác dầu hỏa của tập đoàn dầu khí Nga Gazprom, bị tố cáo là có thể gây ra thủy triều đen, trong một vùng rộng lớn có đến ba khu bảo tồn thiên nhiên được chính pháp luật của Nga bảo vệ.

Khi tiếp cận giàn khoan, hôm 19/09, họ bị lực lượng biên phòng dùng vũ lực bắt giữ đưa vào đất liền. Hôm qua, tòa án Nga đã cáo buộc những nhà đấu tranh bảo vệ môi trường này tội cướp biển.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.