Vào nội dung chính
Ý

Khủng hoảng chính trị tại Ý tác hại lên thị trường tài chính châu Âu

Đúng như lo ngại của giới chuyên gia, khủng hoảng chính trị diễn ra tại Ý sau quyết định của cựu Thủ tướng Berlusconi muốn lật đổ chính phủ liên minh, vào hôm nay, 30/09/2013, đã tác động mạnh đến các thị trường tài chính và chứng khoán, không chỉ riêng tại nước Ý, mà cả tại các láng giềng Châu Âu.

Thủ tướng Ý Enrico Letta tại Nghị viện Ý ngày 29/09/2013.
Thủ tướng Ý Enrico Letta tại Nghị viện Ý ngày 29/09/2013. REUTERS/Remo Casilli
Quảng cáo

Tại Ý, thị trường chứng khoán Milano đã tuột giảm mạnh, bị mất hơn 2,3% vào lúc mở cửa, mất dậm nhất là cổ phiếu ngân hàng tuột dốc đến 5%.

Trong khi đó lãi suất các khoản vay 10 năm của Ý cũng tăng lên vào sáng nay trên thị trường công trái khu vực vùng đồng euro : Tăng lên mức 4,657% vào lúc mở cửa, trong khi mà lãi suất này chỉ là 4,416% lúc đóng cửa hôm thứ Sáu tuần qua.

Thị trường các nước láng giềng cũng bị ảnh hưởng của khủng hoảng chính trị Ý cộng thêm với tình hình ngân sách ở Mỹ : Vào đầu hôm nay, so với lúc đóng cửa hôm thứ Sáu vừa qua, thị trường chứng khoán Paris mất 1,11%, Luân Đôn mất gần 1%. Những ngày tới được đánh giá khá ảm đạm.

Trước tình trạng khủng hoảng nẩy sinh từ hôm thứ Bảy, Thủ tướng Ý Enrico Letta quyết định đặt vấn đề tín nhiệm với Quốc hội vào thứ Tư 02/10. Thông tín viên RFI, Anne Lenir tường thuật từ Roma :

“Trong một thông cáo ngắn gọn, đưa ra sau cuộc tiếp xúc với thủ tướng Enrico Letta, tổng thống Ý Giorgio Napolitano cho biết hai người đã thảo luận về những giải pháp có thể giúp tránh được khả năng bầu cử trước thời hạn.

Về phần mình, Thủ tướng Letta đã phát biểu trực tiếp từ phủ Thủ tướng. Trên đài truyền hình Nhà nước Rai, ông tỏ ra rất cương quyết khi nói : “Thứ Tư tới đây sẽ có một cuộc thảo luận ở Quốc hội và mỗi người sẽ gánh lấy trách nhiệm của mình.

Vấn đề tín nhiệm sẽ được đặt ra ở Thượng viện và Hạ viện. Tôi không muốn ở lại chức Thủ tướng để điều hành công việc bằng mọi giá : Hoặc là tôi được tín nhiệm, nhưng không phải chỉ trong vài ba ngày để rồi mọi việc lại trở lại như lúc trước, hoặc là tôi không được tín nhiệm và tôi sẽ tự rút ra kết luận”.

Phát biểu trên có nghĩa là nếu ông Letta không được một đa số vững chắc ủng hộ thì ông sẽ từ chức.”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.