Vào nội dung chính
KHỦNG HOẢNG SYRIA

Dư vị cay đắng của nghị quyết Liên Hiệp Quốc về Syria

Năm tuần sau vụ thảm sát bằng vũ khí hóa học tại ngoại ô Damas, 15 thành viên Hội đồng Bảo an vừa nhất trí thông qua một nghị quyết tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria. Sau hơn hai năm rưỡi xung đột bùng phát tại đất nước này, nghị quyết này là một đột phá ngoại giao quan trọng. Tuy nhiên, việc thông qua nghị quyết 2118 không hề có nghĩa là cuộc chiến tranh tại Syria khiến hơn 100.000 người thiệt mạng sẽ chấm dứt. Nhà báo Anne Bernas của RFI phân tích.

Vũ khí hóa học Syria : Chuyên gia LHQ tại Damas, 30/09/2013.
Vũ khí hóa học Syria : Chuyên gia LHQ tại Damas, 30/09/2013. REUTERS/Khaled al-Hariri
Quảng cáo

Việc nghị quyết 2118 được thông qua, tiếp theo thỏa thuận Nga-Mỹ tại Genève giữa tháng 9, sau các đàm phán hết sức căng thẳng, là một thành công không thể phủ nhận. Trên thực tế, đây là một nghị quyết đầu tiên về Syria được Hội đồng Bảo an thông qua kể từ đầu cuộc khủng hoảng, tháng 3/2011. Trước đó, Nga và Trung Quốc đã mang lại cho Damas những ủng hộ không gì lay chuyển được, với ba lần bỏ phiếu phủ quyết.

Nghị quyết 2118 buộc chính quyền Bachar al-Assad phải phá hủy hoàn toàn các vũ khí trước tháng 5/2014. Nhưng đây là một sứ mạng gần như không thể trong bối cảnh Syria đang nội chiến và vũ khí hóa học của Syria – với khối lượng hàng nghìn tấn - là một trong các hệ thống quan trọng nhất của vùng Cận đông.

Thắng lợi đối với Matxcơva, Teheran… và Damas

Văn bản nghị quyết của Hội đồng Bảo an không nhắc đến chương VII Hiến chương Liên Hiệp Quốc, cho phép một quốc gia thành viên tự động sử dụng vũ lực, trong trường hợp Damas không tuân thủ nghị quyết. Theo quy định, trước khi áp dụng việc dùng vũ lực, cần phải có một cuộc bỏ phiếu lần thứ hai tại Hội đồng Bảo an. Nga luôn luôn có thể dùng quyền phủ quyết trong trường hợp này. Theo nghĩa này, nghị quyết 2118 là một thành công đối với Matxcơva – và trong một mức độ ít hơn là cho Teheran và Bắc Kinh.

Nghị quyết này khiến lùi xa hơn triển vọng có các biện pháp trừng phạt bằng can thiệp quân sự, mà Pháp quyết liệt chủ trương, khiến Bachar al-Assad và các đồng minh rất lo ngại. Với nghị quyết này, chính quyền Damas có thể tiếp tục các hành động bạo lực tùy theo ý muốn, mà không bị trừng phạt (không kể các thủ phạm vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại ngoại ô Damas).

Ngày 28/09, ngay sau khi nghị quyết được thông qua, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW) đã đệ đơn lên Tòa án hình sự quốc tế và đề nghị có các trừng phạt trên phạm vi hẹp. Đây cũng là điều mà Paris chủ trương. Thông điệp của Human Rights Watch có đoạn : « nỗ lực tiêu hủy hệ thống vũ khí hóa học của Syria là điều cơ bản, nhưng việc này không giải quyết được vấn đề vũ khí quy ước, là nguyên nhân gây ra đa số các trường hợp tử vong trong cuộc xung đột này ».

Trong khi đó, Damas, nhờ chấp nhận để cho quốc tế phá hủy vũ khí hóa học của mình, mà đột nhiên lấy lại được một vị thế đẹp.

Thất bại đối với người dân Syria

Hy vọng vào hòa bình giờ đây đang ở trong tay của « những người bạn » của Assad. Matxcơva, có trách nhiệm – ít nhất là trên giấy tờ - tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, trong đó có việc buộc Damas tuân thủ nghị quyết 2118. Tuy nhiên, việc tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn chưa bao giờ được đưa vào chương trình thương lượng. Hơn nữa, thông tin mới đây về việc đa số nhóm nổi dậy Syria liên minh với các thành phần Hồi giáo cuồng tín nhất là một điều khiến Bachar al-Assad phấn khởi. Trong bối cảnh như vậy, làm thế nào mà Mỹ và Pháp có thể dám cung cấp vũ khí cho thành phần ôn hòa nhất trong lực lượng nổi dậy ?

Cần phải thừa nhận rằng nghị quyết 2118 là một thất bại đối với đại đa số người Syria, không còn chấp nhận ách cai trị của chế độ Assad. Thảm kịch lớn nhất của nhân loại đầu thế kỷ 21 còn lâu mới kết thúc. Nghị quyết 2118 không có bất cứ một từ nào nói về hoạt động nhân đạo cứu trợ các nạn nhân, về sự trợ giúp đối với hàng triệu người phải bỏ nhà bỏ cửa đi tỵ nạn tại Syria hay ra nước ngoài.

Hiện tại còn có một cơ hội. Đó là một hội nghị hòa bình về Syria, gọi tắt là Genève 2, dự kiến sẽ được tổ chức vào giữa tháng 11 tới, nhằm đạt được một thỏa thuận giữa chính quyền và phe nổi dậy về một chuyển tiếp chính trị. Ông Ahmad Jarba - Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Syria, tổ chức đối lập chính – khẳng định rằng tổ chức của ông muốn tham gia vào kế hoạch này. Ông hy vọng « đây là một chuyển tiếp hướng tới dân chủ, và điều này không thể là một đối thoại không có hồi kết với chính quyền ». Một niềm mong ước thật nhiệt thành, trong bối cảnh đối lập có nhiều bất đồng trong nội bộ và hoàn cảnh trên thực địa thì kinh hoàng.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.