Vào nội dung chính
NGA - MÔI TRƯỜNG

Nga truy tố năm thành viên Greenpeace về tội cướp biển

Tư pháp Nga vào hôm nay, 02/10/2013 đã quyết định truy tố năm thành viên tổ chức bảo vệ sinh thái Greenpeace về tội hải tặc. Các bị cáo nằm trong số ba mươi người hoạt động cho Greenpeace bị bắt một hoạt động chống lại một giàn khoan dầu của Nga ở Bắc Cực. Tội danh hải tặc có thể dẫn đến bản án từ 10 đến 15 năm tù.

Tuần duyên Nga bắt giữ các nhà tranh đấu Greenpeace, đang leo lên một dàn khai thác Gazprom, 18/09/2013.
Tuần duyên Nga bắt giữ các nhà tranh đấu Greenpeace, đang leo lên một dàn khai thác Gazprom, 18/09/2013. REUTERS/Denis Sinyakov/Greenpeace
Quảng cáo

Năm nhà hoạt động bảo về môi trường bị truy tố bao gồm một nhà làm phim người Anh, Kieron Bryan, một người Nga quốc tịch Mỹ và Thụy Điển Dmitri Litvinov, một công dân Nga Roman Dolgov và hai phụ nữ, Ana Paula Maciel Alminhana người Brazil và Sini Saarela người Phần Lan. Họ bị buộc tội tập hợp thành băng đảng có tổ chức để hoạt động cướp biển. 

Tổ chức bảo vệ sinh thái Greenpeace đã lập tức bác bỏ quyết định của tư pháp Nga, cho đấy là một hành động phi lý, nhằm mục tiêu hù dọa và bịt miệng. Trong một bản thông cáo, bà Irina Issakova, Luật sư của Greenpeace cho rằng : “Các cáo buộc cướp biển hoàn toàn vô căn cứ và không dựa trên bất kỳ bằng chứng nào".

Còn ông Kumi Naidoo, Giám đốc điều hành của Greenpeace International, đã lên án những cáo buộc trên, xem đấy là « một sự vi phạm các nguyên tắc phản đối hòa bình ». Trong một thông báo, ông Naidoo khẳng định : « Bất kỳ tuyên bố nào quy kết những nhà đấu tranh kể trên là hải tặc đều vừa vô lý, vừa khả ố ».

Đối với Greenpeace, quyết định truy tố của tư pháp Nga vào hôm nay là « đe dọa nghiêm trọng » đối với các hoạt động « hòa bình » của hiệp hội kể từ sau vụ tình báo Pháp đánh chìm chiếc tàu Rainbow Warrior của Greenpeace vào năm 1985 tại cảng Auckland (New Zealand). Vụ này làm một người thiệt mạng : Fernando Pereira, 35 tuổi, một thành viên thủy thủ đoàn kiêm nhiếp ảnh gia bị mắc kẹt khi con tàu bị chìm.

Đối với ông Naidoo : « Ba thập kỷ sau, các thành viên trên con tàu Artic Sunrise đã vùng lên phản đối ngành công nghiệp dầu mỏ, và bây giờ họ phải đối mặt nguy cơ một bản án tù dài ngày trong một nhà giam Nga ». Ông kêu gọi công luận thế giới yêu cầu Nga phải trả tự do cho các nhà đấu tranh.

Ở cấp chính phủ, chỉ có Hà Lan là đã công khai bày tỏ lập trường, kêu gọi Nga trả tự do cho những người bị bắt. Thái độ này cũng dễ hiểu : Tàu Artic Sunrise của Greenpeace dính líu đến vụ phản đối tại Bắc cực, treo cờ hiệu Hà Lan.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.