Vào nội dung chính

Chính phủ Ý vẫn tiếp tục tồn tại nhờ Silvio Berlusconi trở mặt

Hôm qua Silvio Berlusconi bất ngờ quyết định tiếp tục bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ Enrico Letta dù chỉ cách đó vài tiếng đồng hồ ông ta vẫn tuyên bố khăng khăng bỏ phiếu chống chính phủ. Động thái này đã tránh cho chính phủ Ý khỏi nguy cơ đổ vỡ, đồng thời cho thấy vị thế trong chính trường của Berlusconi đã yếu.

Thủ tướng Enrico Letta (giữa) vui mừng sau thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện Ý ngày 2/10/2013.
Thủ tướng Enrico Letta (giữa) vui mừng sau thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện Ý ngày 2/10/2013. REUTERS/Remo Casilli
Quảng cáo

Sau hơn một tuần lễ bị chính Silvio Berlusconi liên tục hăm dọa sẽ làm cho chính phủ “đại đoàn kết” đỏ, chính phủ mà ngay chính đảng Nhân dân Tự do của Berlusconi cũng đã đồng ý bỏ phiếu tín nhiệm 5 tháng trước đây. Đây cũng là chính phủ mà có đến 5 vị bộ trưởng là người của đảng Nhân dân Tự do.Bỗng dưng sáng ngày hôm qua 02/10/2013, cũng chính Silvio Berlusconi đã bất ngờ tuyên bố là đảng của ông ta sẽ bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ của Enrico Letta.

Như thế là trước mắt nước Ý đã tạm thời tránh được khủng hoảng chính phủ mà mấy hôm trước. Không phải chỉ có nước Ý, mà toàn thể các chính phủ các nước Châu Âu cũng tỏ ra lo ngại trước những hệ lụy kinh tế chính trị lên Châu Âu có thể xẩy ra trường hợp chính phủ Ý đổ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tài chánh cực kỳ khó khăn hiện nay của nước này.

Quyết định bỏ phiếu tín nhiệm của Silvio Berlusconi quả là bất ngờ nếu công luận cho đến sáng ngày mùng 02/10, trước khi Thượng viện nhóm họp để bầu tín nhiệm chính phủ, các nghị sĩ của đảng Nhân dân Tự do còn khăng khăng khẳng định rằng Silvio Berlusconi đã quyết định rút tín nhiệm đối với chính phủ của Enrico Letta.

Cũng cần nói thêm là sau khi có tin chính phủ Ý vẫn nhận được phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, các sàn chứng khoáng ở Ý đã đồng loạt có phản ứng tích cực với các chỉ số tăng lên và chỉ số “spread” khoảng cách giữa công trái phiếu nhà nước của Đức và của Ý giảm xuống còn 255 điểm. Điều này cho thấy là giới kinh tế tài chánh thế giới cũng không đồng thuận với Silvio Berlusconi trong chiến lược cho đổ chính phủ Ý.

Vì sao Silvio Berlusconi bất ngờ thay đổi quyết định vào phút chót?

Theo luật lệ hiến pháp hiện hành ở Ý thì Thủ tướng là do Tổng Thống đề cử đứng ra thành lập Hội đồng chính phủ, và để có thể hoạt động thì Chính phủ phải có được một đa số bỏ phiếu tín nhiệm ở Thượng viện lẫn Hạ viện. Nếu Chính phủ không tìm được đa số ở Quốc hội thì Thủ tướng có bổn phận phải hoàn trả sự đề cử của Tổng Thống và Tổng Thống phải lấy quyết định hoặc đề cử một Thủ tướng khác trở lại Quốc hội để tìm đa số hoặc Tổng Thống phải tuyên bố giải tán Quốc hội trước nhiệm kỳ và cử tri sẽ phải đi bầu lại Quốc hội mới.

Trong quá trình hoạt động trong bất cứ lúc nào Chính phủ Ý cũng có thể bị mất đa số, chẳng hạn vì có mâu thuẩn giữa các lực lượng đảng phái chính trị trong phe đa số, hoặc ngay chính một hay nhiều đảng chính trị trong phe đa số bị mất đại biểu, thí dụ như đại biểu rời bỏ đảng chính trị của mình, hoặc không đồng ý với đường lối của Chính phủ. Trong trường hợp mất đa số thì Thủ tướng bắt buộc phải giải tán Hội đồng chính phủ và trả lại quyền Thủ tướng cho Tổng Thống để Tổng Thống tìm người khác thay thế.

Nếu như mọi sự êm ả, không có những biến động chính trị bất ngờ, thì thường Chính phủ chỉ cần được Quốc hội đa số bỏ phiếu tín nhiệm một lần duy nhất là khi ra trình diện Quốc hội. Nhưng nếu có những biến động chính trị mà từ đó có thể gây ra những hệ lụy lên phe đa số thì chính phủ cần phải ra trước Quốc hội để “kiểm định” lại xem còn có đa số để hoạt động hay không, như trường hợp của chính phủ Ý trong mấy tuần gần đây vì bị “vạ lây” vào những vấn đề về pháp lý riêng tư của cá nhân ông Silvio Berlusconi. Do đó chính phủ bị ngay chính Silvio Berlusconi hăm dọa sẽ cho đổ nếu không có quan điểm bảo vệ ông ta trước những quyết định kết án của Tòa án tối cao hồi tháng 8 vừa qua về tội gian lận sổ sách và trốn thuế.

Tại sao chính phủ của ông Enrico Letta phải ra trước Quốc hội để “kiểm định” tín nhiệm chính phủ ?

Có thể nói rằng vận mạng của chính phủ Enrico Letta bắt đầu bị lung lay từ hồi cuối tháng 8 vừa qua, khi Tòa án Tối cao đã quyết định y án kết tội ông Silvio Berlusconi về tội gian lận thuế má 4 năm tù và 5 năm nghiêm cấm không được giữ các chức vụ nhà nước, trong đó có chức đại biểu Quốc hội. Và nhất là theo một điều luật mới được Quốc hội thông qua hồi năm ngoái, điều luật mà chính đảng Nhân dân Tự do của Silvio Berlusconi cùng đồng ý bỏ phiếu thông qua, thì những can phạm nào bị kết án từ 2 năm trở lên sẽ không được quyền ra ứng cử đại biểu Quốc hội.

Nhìn chung thì với bản án như trên, thì “sự nghiệp chính trị”, hay nói đúng hơn là “ô dù chính trị” của Silvio Berlusconi sẽ tiêu tan như mây khói trong khi chính bản thân ông Silvio Berlusconi còn có quá nhiều nợ nần công lý chưa được “giải tỏa”. Trước viễn ảnh tồi tệ đó, ông Silvio Berlusconi đã quyết định “ghép” vấn đề công lý riêng tư của ông ta với hoạt động của chính phủ, với lý do biện minh rằng tất cả các đảng phái chính trị trong phe đa số chính phủ trong Quốc hội, thực chất là nhắm vào đảng trung tả Dân chủ, có trách nhiệm phải “bảo vệ” lãnh đạo của một đảng đồng minh trong phe đa số, nếu Chính phủ muốn tiếp tục hoạt động dựa trên tín nhiệm của phe đa số đó.

Đòi hỏi kỳ quặc nói trên của Silvio Berlusconi đã không được đảng Dân chủ chấp nhận, và chính Chính phủ Enrico Letta cũng đã luôn khẳng định rằng hoạt động của Hội đồng Chính phủ hoàn toàn độc lập với những vấn đề công lý riêng tư của một cá nhân, dù cá nhân ấy là lãnh đạo của một đảng trong phe đa số chính phủ.

Phản ứng của Silvio Berlusconi từ đó bắt đầu bằng những hăm dọa đòi rút phiếu tín nhiệm cho ngã chính phủ, song song đó một số thành phần quá khích trong đảng của chính ông ta cũng đã cho tổ chức hàng loạt những cuộc “mít tinh” để vừa tuyên bố ủng hộ cá nhân Silvio Berlusconi, vừa to tiếng đã phá các cơ quan tư pháp “mang màu sắc cộng sản” đã “âm mưu” dùng luật pháp để triệt hạ một đối thủ chính trị.

Để gây áp lực lên chính phủ và đảng Dân chủ với hy vọng đi đến một giải pháp “thương thuyết chính trị” nhằm tìm cách “phá án” cho chính ông ta, tuần qua Silvio Berlusconi đã một mặt ra lệnh cho các đại biểu Quốc hội phải chuẩn bị ký tên từ nhiệm hàng loạt với ý đồ đưa Quốc hội vào tình trạng tê liệt, mặt khác ông đã ép 5 vị bộ trưởng thuộc đảng Nhân dân Tự do phải từ chức. Và Silvio Berlusconi cũng đã tuyên bố là đảng của ông ta sẽ rút phiếu tín nhiệm ở Quốc hội để cho chính phủ sụp đổ.

Các quyết định quá khích nói trên, trên thực tế đã không có được sự đồng thuận nhất trí của toàn thể lãnh đạo trong đảng Nhân dân Tự do. Một số đại biểu và các bộ trưởng của đảng Nhân dân Tự do bắt đầu có những hoài nghi về chiến lược “tiêu thổ kháng chiến” của Silvio Berlusconi.

Một mặt thì các đại biểu và bộ trưởng cho rằng trong tình hình dầu sôi lửa bỏng như hiện nay ở Ý, nếu bộ máy hành pháp bị chặn lại thì cuộc khủng hoảng càng thêm tàn khốc, tất cả những hy sinh thắt lưng buộc bụng mà xã hội Ý đã cắn răng chịu đựng hơn một năm nay sẽ trở nên vô ích. Nhất là với viễn ảnh châu Âu lại sẽ bắt đầu trở lại “hồ sơ kiểm định” nước Ý như đã xẩy ra hồi năm 2011. Điều này có nghĩa là nhân dân Ý sẽ phải một cái giá vô cùng lớn về mặt kinh tế tài chánh.

Mặt khác ngay chính các đại biểu và bộ trưởng nói trên cũng hiểu rằng nếu đảng Nhân Dân Tự Do cho ngã chính phủ ngay trong lúc này chỉ vì vấn đề công lý riêng tư của Silvio Berlusconi. Cử tri, ngay cả của phe trung-hữu, sẽ không thể nào “hiểu nổi”, và điều này có nghĩa là trong lần bầu cử tới, đảng Nhân Dân Tự Do sẽ bị mất phiếu và cũng có nghĩa là một số đại biểu Quốc hội nói trên sẽ không được tái nhiệm.

Thế là ngay trong hàng ngũ của đảng Nhân dân Tự do bắt đầu có những rạn nứt và cao điểm là 4 vị bộ trưởng cùng với khoảng trên dưới 30-40 đại biểu Quốc hội đã quyết định sẽ tiếp tục bỏ phiếu tín nhiệm cho chính phủ Enrico Letta, đi ngược lại yêu cầu của chính Silvio Berlusconi. Theo cách nói của Silvio Berlusconi là “phản bội” lại ông ta.

Cho đến tối ngày mùng 01, tức là trước khi Thượng viện chuẩn bị “kiểm định” tín nhiệm chính phủ, Silvio Berlusconi vẫn còn tiếp tục cố gắng thuyết phục “chiêu hồi” các bộ trưởng và đại biểu Quốc hội phe “đảo chính” nhưng hoàn toàn không có kết quả.

Tất cả những sự kiện nói trên cho thấy dù Silvio Berlusconi có tiếp tục quyết định rút phiếu tín nhiệm, nhưng với con số 30-40 đại biểu “phản bội” thì chính phủ Enrico Letta vẫn tiếp tục “thọ”. Như thế là mục tiêu của Silvio Berlusconicho ngã chính phủ đã không đạt được và càng tệ hơn nữa là trong tình huống như thế thì chính Silvio Berlusconi đã chính thức công nhận sự chia rẻ trong đảng Nhân Dân Tự Do. Điều này cũng có nghĩa là vai trò “độc tôn” của Silvio Berlusconi trong đảng không còn.

Trước tình huống nói trên, lá bài duy nhất còn lại trong tay của Silvio Berlusconi là thay đổi 180 độ quyết định ban đầu, tuyên bố vào giờ chót bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ. Như thế vừa để che lấp khoảng cách chia rẻ giữa phe “trung thành” và phe “đảo chính” trong đảng, vừa để che dấu sự rạn nứt của ngôi vị độc tôn của ông ta.

Cũng phải nói là quyết định thay đổi của Silvio Berlusconi hoàn toàn chín mùi vào những giây phút cuối cùng trước khi Thượng viện bỏ phiếu tín nhiệm. Bởi vì chính ngay các đại biểu “trung thành” cũng ngã ngửa khi Silvio Berlusconi tuyên bố tiếp tục tín nhiệm chính phủ Enrico Letta, bằng chứng là ngay sáng hôm qua, trước khi bước vào thượng viện, các đại biểu này vẫn còn nằng nặc khẳng định quyết định bất tín nhiệm chính phủ vốn đã được chính Silvio Berlusconi ra lệnh từ tối hôm trước.

Diễn biến tình hình chính trị Ý trong những ngày tới?

Trước mắt thì có thể nói là Silvio Berlusconi đã sai lầm trong suốt thời gian qua khi ông ta nghĩ rằng sẽ tiếp tục có khả năng chi phối hoàn toàn đảng Nhân dân Tự do. Nhưng sau đó Silvio Berlusconi đã phải nhìn nhận là chiến lược gây áp lực lên chính phủ để tìm giải pháp công lý cho chính cá nhân của ông ta, và nhất là cái “mô hình” tuyên truyền rằng ông ta bị công lý đàn áp vì lý do chính trị đã không còn hiệu nghiệm.

Những rạn nứt trong đảng bắt đầu thể hiện vì thế đứng quá khích của chính Silvio Berlusconi. Đồng thời, với gần hai thập niên cầm quyền, với số tuổi đã gần 80, Silvio Berlusconi đang trở thành bước cản cho những mong muốn đổi mới nhân sự trong đảng, và điều này càng trở nên bức bách khi ông ta đang ngày bị các nợ nần công lý vây quanh.
Sai lầm tiếp tục sai lầm.

Khi Silvio Berlusconi tuyên bố thay đổi quyết định vào giờ cuối là bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ Enrico Letta, ông ta ngỡ rằng quyết định bất ngờ đó sẽ ngăn chận được “làn sóng ly khai” trong đảng. Nhưng trên thực tế, sau khi chính phủ được tín nhiệm, ngay ở Quốc hội các đại biểu phe “đảo chánh” cũng vẫn tiếp tục ly khai ra khỏi nhóm của đảng Nhân Dân Tự Do, và điều này có nghĩa là dù Silvio Berlusconi đã “hy sinh” bỏ phiếu tín nhiệm cho chính phủ Enrico Letta, sự chia rẻ trong hàng ngũ đảng Nhân dân Tự do cũng không được ngăn chận.

Câu hỏi được đặt ra là: Mục tiêu của Silvo Berlusconi là một giải pháp chính trị nào đó giúp ông ta vượt qua được “tường lửa công lý”, với bất cứ giá nào? Chuyện tiếp tục bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ Enrico Letta vừa rồi chỉ là một chiến thuật với hy vọng tìm cách che dấu được sự rạn nứt của đảng Nhân dân Tự do và vị thế độc tôn bị hao mòn của chính Silvio Berlusconi. Ngày mùng 04 tới đây, Ủy ban Thượng viện đặc trách về xét định quyền miễn tố của đại biểu sẽ bỏ phiếu để quyết định tước quyền miễn tố của Silvio Berlusconi.

Theo các dự đoán dựa trên các cán cân lực lượng đảng phái trong Thượng viện thì rất có thể là Silvio Berlusconi sẽ bị tước quyền miễn tố. Từ đây đến đó, chắc chắn Silvio Berlusconi sẽ không thụ động ngồi yên, ông ta sẽ còn tiếp tục đưa ra những “chiêu” bất ngờ không dễ lường trước, cũng như ông ta đã làm trong suốt hai thập niên vừa qua. Nhất là vấn đề quyền miễn tố là vấn đề sinh tử của chính bản thân ông Silvio Berlusconi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.