Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Sách điện tử và sách in tại hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2013

Hội chợ sách quốc tế Frankfurt mở ra từ ngày 9 đến 13/10/2013. Brazil là khách mời danh dự năm nay. Các tài năng trẻ liệu có còn gắn bó với các nhà xuất bản khi biết rằng Amazon đang thay đổi luật chơi trên thị trường phân phối sách?

Chuẩn bị cho Hội chợ sách quốc tế Frankfurt ngày 7/10/2013
Chuẩn bị cho Hội chợ sách quốc tế Frankfurt ngày 7/10/2013 REUTERS/Ralph Orlowski
Quảng cáo

Là hội chợ sách lớn nhất thế giới với kinh nghiệm gần 500 năm tuổi, Hội chợ sách Frankfurt mở cửa đón 300.000 khách tham quan và 7.000 nhà xuất bản, các nhà in và kể cả những nhà phân phối sách điện tử, Ebook. 12. 000 phóng viên quốc tế đến từ 100 quốc gia khác nhau cùng tập hợp về Frankfurt để đưa tin về sự kiện văn hóa trọng đại này.

Theo truyền thống hội chợ sách nổi tiếng này mở cửa trong 5 ngày liên tiếp, 3 ngày đầu chỉ dành riêng cho giới trong ngành. Hai ngày cuối mới đón khách thập phương. Thông thường thi khi mở ra Hội chợ sách Frankfurt cũng đúng là lúc ủy ban Nobel công bố bảng vàng giải thưởng Văn học.

Hội chợ sách quốc tế Franfurt 2013 vinh danh văn học Brazil. Ban tổ chức đã mời khoảng 70 nhà văn Brazil đến tham dự hội chợ. Vì muốn mở rộng nền văn học Brazil ra thế giới từ năm 2011 chính quyền Brazil đã chi ra 900.000 euro để dịch những tuyệt tác trong làng văn Brazil ra tiếng nước ngoài.

Thế nhưng 2013 là lần đầu tiên ngành xuất bản sách giấy và điện tử chấp nhận cùng nhau song hành. Đây là lần đầu tiên mà giới phát hành sách điện tử và các nhà xuất bản sách in cùng ý thức được rằng họ là hai mặt của cùng một đồng tiền, đã đến lúc đôi bên phải tìm ra một giải pháp để cùng chia sẻ một thị trường rộng lớn đang chuyển mình. Đó chính là lý do vì sao, bên cạnh rất nhiều nhà xuất bản truyền thống, đặc biệt là các nhà xuất bản sách giáo dục và sách thiếu nhi, đã có rất nhiều nhà xuất bản sách điện tử tham dự hội chợ năm nay.

Hội chợ 2013 đặc biệt chú ý đến những hãng high tech muốn chen chân vào lĩnh vực xuất bản và phân phối sách. Đại diện của nhiều web sites tham dự hội chợ năm nay. Trong số đó phải kể đến Widbook, địa chỉ của những người có cùng sở thích về những loại sách nào đó, hay là Flipintu nơi quy tụ những cuốn sách « có chọn lọc ». Bên cạnh đó phải kể đến Sobook, một địa chỉ chuyên in sách theo yêu cầu của độc giả. Ban tổ chức mời các thành viên mới trong đại gia đình nhà sách đến Frankfurt để đem lại một làn gió mới cho hội chợ nổi tiếng nhất thế giới này.

Thực ra thế giới sách vở ngày nay đang đứng trước một khúc quanh. Các nhà xuất bản sách điện tử vẫn còn đang trên đường tìm một mô hình phát triển và nhất là để dung hòa giữa một bên là hệ thống xuất bản sách điện tử, cùng với các mạng xã hội và bên kia là các nhà xuất bản sách truyền thống với những cuốn sách in đẹp mắt.

Sau khi đã xuất hiện tại Mỹ, nhiều công ty công nghệ cao start up của ngành phân phối và phát hành sách đang tấn công vào thị trường châu Âu với hy vọng là độc giả sẽ từng bước quen dần với những phương tiện đọc sách mới. Đương nhiên trong mô hình phát triển đó hệ thống phân phối sách trong tương lai trông cậy rất nhiều vào điện thoại thông minh smartphone và máy tính bảng.

Ngoài ra, bên cạnh các tủ sách điện tử, các nhà phân phối còn sáng chế ra rất nhiều dịch vụ để thu hút độc giả. Hãng thì đề nghị một tạp chí Văn học theo kiểu « sur mesure » : đó sẽ là một tạp chí mà nội dung có thể được thay đổi tùy theo sở thích của từng độc giả. Lại có hãng đề nghị nhiều nhà cầm bút cùng sáng tác tập thể …

Cũng chính để thích nghi với cuộc cách mạng đang được tiến hành trong thế giới sách mà nhiều nhà xuất bản ở Đức cũng như châu Âu đã sáp nhập lại với nhau. Đó là trường hợp của nhà xuất bản Đức Random House với đối tác Anh, Penguin : Đổi mới để tồn tại trước hệ thống phân phối trực tuyến của ông khổng lồ Mỹ, Amazon.

Nếu cần đưa ra một bằng chứng là sách in chưa bị chìm vào quên lãng, thì xin nêu ra ba con số. Thứ nhất, tác phẩm ăn khách nhất được gọi là ‘best seller’ trong năm 2012 là tập đầu tiên của trường thiên tiểu thuyết Fifty Shades Of Grey của nhà văn E. L. James. Tại Pháp 415 000 ấn bản đã được bán ra trong năm qua. Về số lượng thì tác giả người Anh E. L. James chỉ bị Guillaume Musso (497000 cuốn) và Jonas Jonasson (479 000 cuốn) qua mặt.

Con số thứ nhì cho thấy là sách in hãy còn có giá trị đó là gần đây nhà tỷ phú người Mỹ, Bill Gates, đã chi ra hơn 30 triệu đô la để mua tập bản thảo Codex Leicester của chính họa sĩ Leonard de Vinci, biến tác phẩm này thành cuốn sách đắt tiền nhất thế giới!

Sau cùng xin thưa là nhà tạo mẫu nổi tiếng Karl Lagerfeld của nhà may Chanel có một tủ sách đồ sộ với 300.000 cuốn. Trung bình mỗi năm ông mua vào gần trên 4000 cuốn sách ! Có người xấu miệng cho rằng chỉ một mình ông cũng đủ để cứu sống cả nền công nghệ in ấn của Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.