Vào nội dung chính
NAM CỰC

Nga được "mời" hợp tác thành lập vùng bảo tồn ở Nam cực

Nhiều quốc gia trong đó có Úc, Pháp, Hoa Kỳ, kết hợp với Liên Hiệp Châu Âu, đã lên tiếng vào hôm nay, 16/10/2013, kêu gọi Nga chấp nhân việc thành lập các khu bảo tồn động thực vật rộng lớn ở vùng Nam cực. Theo các tổ chức phi chính phủ, trong một cuộc họp tháng Bảy vừa qua, Nga - được Ukraina ủng hộ - đã bác bỏ sáng kiến này.

Đảo Petermann, Nam Cực
Đảo Petermann, Nam Cực Wikipédia/Lilpop,Rau&Loewenstein
Quảng cáo

Các quốc gia thành viên Công ước Bảo tồn Động và thực vật ở cực Nam địa cầu (CCAMLR), bao gồm 24 quốc gia và Liên Hiệp Châu Âu – sẽ họp lại cùng với Nga vào tuần tới đây tại Úc nhằm đạt một thỏa thuận về việc thành lập khu bảo tồn.

Trong văn kiện kêu gọi mà họ đồng ký tên thì : “Úc, Liên Hiệp Châu Âu, Pháp, New Zealand và Hoa Kỳ cùng kêu gọi thành lập vào năm nay những khu bảo tồn ở Nam Đại Dương, vùng biển Ross và vùng Nam cực phía Đông”, nhưng không nêu đích danh Liên Bang Nga.

Đề nghị thành lập các vùng bảo tồn được thảo luận vào tháng 7 qua tại Đức, nhưng không đạt được thỏa thuận nào. Theo các tổ chức phi chính phủ, đó là do chống đối của Nga, được Ukraina ủng hộ. Hai nước này không muốn giới hạn việc đánh bắt cá, vì cho rằng làm như thế là quá tốn kém.

Hoa Kỳ và New Zealand thì muốn lập khu bảo tồn ở vùng biển Ross –phía tây nam Nam cực - trải rộng trên khoảng 2 triệu cây số vuông. Một đề án khác do Pháp, Úc và Đức đề nghị, đó là thiết lập 7 khu bảo tồn mặt phía Đông Nam cực cũng bị phản đối.

Việc thành lập các khu nói trên sẽ tăng gấp đôi diện tích các khu bảo tồn hiện nay.

Theo các chuyên gia, vùng biển bao quanh Nam cực có những hệ sinh thái vô cùng phong phú, đến nay phần lớn chưa bị sinh hoạt loài người phá hủy, nhưng đang bị hoạt động đánh cá ngày càng phát triển đe dọa.

Các nước trong Công ước bảo tồn động thực vật ở Nam cực sẽ họp vào thứ Tư tới đây ở Hobart, đảo Tasmania (Úc).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.