Vào nội dung chính
RUSSIE - NHÂN QUYỀN

M.Khodorkovski : « Nhà tù nghiền nát kẻ yếu, dậy cho thủ lĩnh tính khiêm nhường »

Ngày 25/10/2003, ông Mikhail Khodorkovski, người giàu nhất nước Nga, chủ nhân tập đoàn dầu lửa Youkos đã bị bắt tại sân bay Novossibirsk, ở Siberia. Bị cáo buộc « lừa đảo trộm cắp trên quy mô lớn » và « trốn thuế », ông đã bị kết án 14 năm tù. Đối với phương Tây, đây là một vụ án chính trị.

Mikhaïl Khodorkovski (T) và cựu cộng sự Platon Lebedev, tại phiên tòa ở Matxcơva, 03/03/2009
Mikhaïl Khodorkovski (T) và cựu cộng sự Platon Lebedev, tại phiên tòa ở Matxcơva, 03/03/2009 Reuters/Grigory Dukor
Quảng cáo

Mười năm sau vụ ông bị bắt ở sân bay, được chính quyền dàn dựng một cách rất ngoạn mục, phạm nhân nổi tiếng nhất nước Nga, từ trong tù, đã dành cho RFI một cuộc phỏng vấn, kể lại những niềm vui và các thử thách hàng ngày trong cuộc sống tù ngục của ông và đưa ra những nhận định về tiến trình dân chủ tại nước Nga.

RFI : Ở trong tù, ông cảm thấy thế nào ? Ông có khỏe không ? Điều kiện giam giữ ra sao ? Ông có được những chăm sóc ý tế cần thiết hay không ?

Mikhail Khodorkovski : Đương nhiên là trong 10 năm qua, tinh thần và sức khỏe của tôi có những lúc lên xuống. Tôi đã trải qua 3 nhà tù, 2 trại cải tạo, chưa kể đến những trạm trung chuyển. Điều kiện giam giữ thì ở đâu cũng thế.

Tất nhiên là rất cực khổ. Mỗi người chỉ có 2-3 mét. Phải xếp hàng để rửa mặt, đi vệ sinh. Chỉ có nước lạnh. Mỗi tuần chỉ được tắm một lần. Ăn uống thì có bánh mỳ, cháo, súp giống như turia (súp bánh mỳ thả vào nước mặn), rồi lại bánh mỳ và cháo... Cho dù thỉnh thoảng cũng có dấu vết của chút thịt, cá, sữa. Nói chung là có khá hơn chút ít.
Nhưng điều quan trọng hơn, đó là cái cảm giác nhục nhã bị hoàn toàn phụ thuộc vào tính khí, thù ghét của tất cả những người rất xa lạ. Đối với đa số dân Nga, thì những điều kiện như vậy dường như có thể chấp nhận được trong lúc chính họ lại không hề tin vào công lý của nước Nga.

RFI : Tiến trình dân chủ tại Nga đến đâu rồi ? Ông có hy vọng là tiến trình này thành công hay không ?

M. Khodorkovski : Có hai con đường khả thi. Thứ nhất là tự do hóa dần dần xã hội, khả năng của đối lập có những cơ may thực sự để nắm chính quyền trong khuôn khổ các cuộc bầu cử trung thực. Có nghĩa là một tiến trình dân chủ hóa « từ trên xuống dưới ».

Con đường thứ hai là tập hợp và huy động được tinh thần phản kháng của giới trẻ và xã hội dân sự Nga, với sự phản kháng xã hội của những người mà trước kia còn muốn im lặng. Đây là những người vốn quen nhìn thấy thu nhập của mình tăng rất nhanh trong những năm « phồn thịnh ». Giờ đây, họ đã mất đi cái triển vọng đó. Trong trường hợp này, sự bất bình của dân chúng có thể được thể hiện qua các vụ biểu tình đầy bạo lực.

Vậy nước Nga chọn con đường thứ nhất hay thứ hai ? Trong mọi truờng hợp, mục tiêu của phe đối lập dân chủ là không nên để cho sự đối lập này từ bỏ con đường đấu tranh hòa bình. Cá nhân tôi tin tưởng vào sự thành công. Cuối cùng thì nước Nga luôn luôn chọn con đường Châu Âu. Chỉ cần đất nước vững tâm từ nay đến lúc đó.

RFI : Liệu nước Nga có còn là một cuờng quốc lớn hay không ?

M. Khodorkovski : Đối với tôi, một cường quốc lớn là một quốc gia mà ở đó, người dân sống trong nhân phẩm. Tôi nhấn mạnh là nhân phẩm, chứ không phải chỉ có đầy đủ tiện nghi vật chất. Đó là một quốc gia làm gương cho các nước khác và cho các dân tộc khác.

Theo nghĩa đó, liệu hiện nay, nước Nga là một cường quốc lớn hay không ? Câu trả lời là không. Vậy tôi có muốn nước Nga trở lại vị trí cường quốc lớn hay không ? Chắc chắn là có. Đối với chúng tôi, người Nga, sự tự hào về đất nước là một tình cảm không nói ra nhưng rất mạnh mẽ. Những người kể lể, nói năng huyênh hoang về niềm tự hào đối với đất nước làm tôi khó chịu và thậm chí thấy xấu hổ.

RFI : Nhà văn, nhà thơ Chalamov nói rằng kinh nghiệm ở tù là vô nhân đạo và do vậy không cần thiết. Còn nhà văn Soljenitsyne lại có cái nhìn ngược lại, theo hướng những khổ đau mà nhà tù giáng lên chúng ta làm cho chúng ta trở nên danh giá hơn. Sau 10 ở tù, ông chia sẻ quan điểm nào ?

M. Khodorkovski : Tất cả tùy thuộc vào mỗi người. Nhà tù nghiền nát những kẻ yếu đuối và tham vọng, làm lộ rõ bộ mặt những kẻ đểu giả và dậy dỗ cho các thủ lĩnh sự thông cảm và khiêm nhường. Còn những người tử tế thì giúp làm cho cuộc sống trong tù có thể chịu đựng được. Tôi cảm ơn những người tử tế này.

RFI : Trong cái ác mộng tù đày, điều gì có thể làm cho ông vui cười ?

M. Khodorkovski : Tôi lạc quan và vì vậy ngay cả ở trong tù, tôi vẫn thường có những lúc vui. Niềm vui lớn nhất của tôi là gì ? Đó là các cuộc gặp với gia đình. Mỗi lần gặp, tôi cảm thấy như được tự do một chút. Tiếc là có rất ít những cuộc gặp với gia đình.

Ngoài ra, nói chuyện điện thoại với người thân, bạn bè cũng là một niềm vui. Một quyển sách hay, đó là một sự khoái trí cả một tuần. Lễ hội mà tôi ưa thích nhất là đón mừng Năm mới, cho dù không có bánh ga tô, không có champagne.

Tôi có niềm vui khi nhận được thư của bạn bè, một lời phê phán tích cực các bài viết của tôi, những lời động viên đăng trên một tờ báo, hoặc trong một cuộc biểu tình. Nói tóm lại, tôi có niềm vui là khi biết rằng mọi người không quên tôi và vẫn chờ đợi tôi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.