Vào nội dung chính
MỸ - CHÍNH TRỊ

Giải mã vị trí « Đảng Tiệc trà » trong đời sống chính trị Mỹ

Tình hình chính trị nước Mỹ trong nửa đầu tháng 10 vừa qua được đánh dấu bằng điều được hầu như tất cả mọi người công nhận là thất bại của đảng Cộng hòa trong việc dùng luật ngân sách để tấn công luật cải tổ y tế của Tổng thống Obama và đảng Dân chủ. Điểm được nêu bật là chính một nhóm nhỏ năng động trong đảng Cộng hòa – nhóm Tea Party – đã thành công trong việc lôi kéo các dân biểu - nghị sĩ đảng này đi vào thế thất lợi đó.

NHững người ỉng hộ Tea Party biểu tình tại Washington, ngày 10/9/2013 chống lại  đạo luật cải tổ y tế của ông Obama (Obamacare).
NHững người ỉng hộ Tea Party biểu tình tại Washington, ngày 10/9/2013 chống lại đạo luật cải tổ y tế của ông Obama (Obamacare). REUTERS/Jonathan Ernst
Quảng cáo

 Nhờ đâu mà Tea Party, gọi theo tiếng Việt là « Đảng Tiệc trà » lại có được ảnh hưởng như vậy ? Sau thất bại vừa qua của đảng Cộng hòa, uy thế của Tea Party sẽ ra sao ? Từ California, nhà báo Ngô Nhân Dụng, bình luận gia tờ Người Việt đã thử tìm lời giải.

Ngô Nhân Dụng : Nhóm người thuộc đảng Cộng hòa được quy chung vào tên Tea Party (đảng Tiệc trà) là những người tập hợp lại vì một yếu tố chung là chống đạo luật cải tổ y tế của ông Obama (Obamacare). Phần lớn họ là cử tri đảng Cộng hòa, có lập trường bảo thủ, đặc biệt là bảo thủ về phương diện ngân sách, tức là muốn giảm mức chi tiêu của chính quyền Liên bang. Đây là một vấn đề triết lý chính trị ở Mỹ : Người ta muốn chính phủ « lớn » - tức là được quyền chi tiêu nhiều tiền – hay « nhỏ » - chỉ được chi tiêu ít tiền.

Thì đạo luật Obamacare tất nhiên sẽ tăng phần chi tiêu của chính phủ vì mục tiêu là muốn cho mọi người Mỹ đều có bảo hiểm y tế. Nếu để nguyên không cho khoảng 50 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế, thì số tiền chi tiêu không nhiều, nhưng nếu có luật bắt tất cả mọi người phải có bảo hiểm, thì tất nhiên chính phủ phải giúp những người không có đủ phương tiện để mua bảo hiểm, làm cho phần chi tiêu của Nhà nước tăng lên.

 Những ai nghĩ rằng không nên để cho chính phủ bành trướng ra thành rộng lớn quá, không nên để cho chính phủ có nhiều quyền quá. Đối với nền chính trị Mỹ, chính phủ lớn nghĩa là chính phủ được tiêu nhiều tiền, được tuyển thêm nhân viên. Tất cả những người chống lại chính phủ lớn đó, họ được kêu gọi cùng với nhau đưa ra chủ trương phải giảm bớt ngân sách chính phủ, và một trong những điều họ muốn giảm là không áp dụng luật Obamacare.

 RFI : Ông giải thích sao về sự kiện có nhiều người đi theo quan điểm chống luật Obamacare như vây ?

Ngô Nhân Dụng : Đạo luật Obamacare, khi được đưa ra, đã từng bị rất nhiều người chỉ trích vì đã thay đổi cả hệ thống y tế của nước Mỹ, mà đứng trước một thay đổi qua lớn lao như vậy, nói chung dân chúng nước nào cũng rất lo ngại, không biết là tương lai ra sao. Trong một nước dân chủ, các chính sách của Nhà nước, cụ thể như luật về bảo hiểm y tế này, khó có thể nói ngay là đúng hay sai, vì chỉ có thể xác định đúng sai sau khi áp dụng.

Làm thế nào để biết tiêu chuẩn đúng và sai ? Là khi áp dụng rồi, mới biết được là có bao nhiêu người được ích lợi nhiều hơn, bao nhiêu người bị thiệt hại do luật đó, nếu số người được lợi cao hơn hẳn số người bị thiệt, thì lúc đó mới biết được rằng đạo luật có lý.

Còn trước khi áp dụng, chỉ suy nghĩ không thôi, thì tự nhiên là người ta sẽ có khuynh hướng là thấy đạo luật nào có vẻ rộng lớn quá, phức tạp quá, không biết là khi áp dụng sẽ ra sao, thì người ta sẽ không thích. Đó là một điều rất giản dị, và những ai không thích đạo luật, sẽ thấy biết bao khó khăn do đạo luật này gây ra, còn những người thích thì biết rằng sẽ có những cái lợi cho mình, nhưng họ cũng không chắc chắn. Do đó, dư luận dân chúng Mỹ đối với đạo luật Obamacare, ngay từ lúc đang được thảo luận, phần lớn không thích công cuộc cải tổ này.

Nhóm Tea Party đã dựa vào cái đà của luồng dư luận đó để tập hợp những người chống đạo luật Obamacare, rồi sau đó, đưa ra những ý kiến chính của nhóm, để kêu gọi những người khác cùng ủng hộ họ, mà cái điều họ quan tâm nhất là không để cho chính phủ chi tiêu nhiều tiền quá.

Mục đích của Tea Party trùng hợp với chủ trương của đảng Cộng hòa

Thành ra, tất cả những ý kiến như là cắt giảm chi tiêu của chính phủ đều được họ ủng hộ, và sự kiện Tổng thống là người của đảng Dân chủ, còn đảng Cộng hòa trong phe đối lập đã khiến cho tự nhiên là đảng Cộng hòa cũng chủ trương là làm sao để chính phủ đừng chi tiêu nhiều quá.

Nhóm Tea Party đã gây được ảnh hưởng rất mạnh trong khối cử tri đảng Cộng hòa, đó là lý do khiến họ có ảnh hưởng rất lớn, mặc dù con số người theo nhóm này không lớn lắm, bởi vì họ đã đi đúng vào chủ trương cố hữu của đảng Cộng hòa là chính phủ phải « nhỏ », và hơn nữa, vào đúng lúc mà đảng Cộng hòa đang ở vị trí đối lập, cho nên chính đảng Cộng hòa cũng không muốn chính phủ chi tiêu nhiều quá.

RFI : Ông nhận định sao về vị thế của nhóm Tea Party ?

Ngô Nhân Dụng : Nhóm này nhiều lúc vận động các dân biểu, nghị sĩ đảng Cộng hòa một cách khá « tàn bạo », tức là ai mà bỏ phiếu trái với chủ trương của nhóm, thì họ dọa là sang năm, đến ngày bầu của sơ bộ, chọn người ra tranh cử, họ sẽ đi gây ảnh hưởng để cho nững người đó không được ra tranh cử với tư cách đảng Cộng hòa nữa. Thì ảnh hưởng của Tea Party lớn là như vậy.

Nhưng mà đối với đại đa số dân chúng Mỹ thì có thể nói là nhóm Tea Party này là một nhóm quá khích. Những cuộc nghiên cứu dư luận chung của dân chúng gần đây nhất cho thấy là 70% dân chúng xem Tea Party là một nhóm không tốt, chỉ có 30% người là ủng hộ mà thôi. Vừa rồi, sau khi đảng Cộng hòa đã chịu nhượng bộ, coi như là thất bại trong cuộc đấu với ông Obama và đảng dân chủ về ngân sách và trần nợ, thì uy tín của nhóm Tea Party xuống rất thấp như vậy.

Một nhà chính trị lão thành của đảng Cộng hòa, cựu phó Tổng thống Dick Cheney, đã phải ra công chúng nói rằng

08:50

Ô.Ngô Nhân Dụng -Califorrnia

 ông vẫn ủng hộ nhóm Tea Party, vì họ đóng góp vào cuộc tranh luận chính trị ở nước Mỹ, để cho cuộc tranh luận đó « lành mạnh hơn », và vì họ bảo vệ một số giá trị mà chính ông và đảng Cộng hòa xưa nay vẫn ủng hộ. Thành ra, trong đảng Cộng hòa vẫn có những người như ông Dick Cheney kịch liệt ủng hộ nhóm Tea Party, và ảnh hưởng của nhóm này sang năm có thể sẽ vẫn còn rất mạnh, mặc dù không bằng những năm trước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.