Vào nội dung chính
VENEZUELA - KINH TẾ

Chiến tranh giấy vệ sinh : Quân đội Venezuela lâm trận

Sau hơn sáu tháng khan hiếm giấy vệ sinh, chính phủ Venezuela đã quyết định sử dụng biện pháp mạnh : Một nhóm các quản trị viên, được quân đội tháp tùng, có nhiệm vụ khởi động trở lại nhà máy sản xuất giấy vệ sinh lớn nhất nước. Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, chính quyền Caracas chưa tìm ra được giải pháp bảo đảm cung cấp giấy vệ sinh, thực phẩm và cả cây thông Noel cho người dân.

Dân Venezuela đổ xô mua nhiều giấy vệ sinh vì lo ngại khan hiếm, Caracas, 17/05/2013
Dân Venezuela đổ xô mua nhiều giấy vệ sinh vì lo ngại khan hiếm, Caracas, 17/05/2013 ©Reuters.
Quảng cáo

Bệnh nặng phải dùng thuốc liều cao : Để đối phó với tình trạng khan hiếm sản phẩm tiêu dùng thông thường, Tổng thống Nicolas Maduro, vào cuối tháng Chín vừa qua, đã quyết định cho triển khai quân đội tại các nhà máy sản xuất giấy vệ sinh. Tại Venezuela, từ đầu năm đến nay, rất khó mua được một số mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu cơ bản, như thuốc đánh răng, sữa, đường và đặc biệt là giấy vệ sinh, hiện được coi như mặt hàng hiếm quý.

Đối với nguyên thủ Venezuela, đây là lỗi của các nhà sản xuất muốn đầu cơ trục lợi do khan hiếm hàng hóa và họ đã tiến hành một cuộc chiến tranh kinh tế chống lại chính đất nước của mình.

Chính phủ đã đưa ra nhiều sáng kiến vô vọng và những hứa hẹn đầy khích lệ. Trong khi đó, Caracas tiếp tục nhập khẩu khẩn cấp nhiều mặt hàng. Phó Tổng thống Jorge Arreaza tìm cách trấn an rằng vào dịp Noel, người dân Venezuela sẽ không thiếu thức ăn, đồ chơi hoặc cả cây thông Noel bằng nhựa.

Để không bị coi là nuốt lời hứa, chính phủ Venenzuela tỏ ra cứng rắn. Khan hiếm giấy vệ sinh được coi là biểu tượng của sự phá sản nền kinh tế quốc gia. Giải quyết vấn đề này là mục tiêu chiến lược. Phó Tổng thống Jorge Arreaza đã cho thành lập một nhóm chuyên gia – đặt tên là Sundecop – chịu trách nhiệm rà soát nhà máy Manpa, ở tiểu bang Aragua, nơi sản xuất một khối lượng lớn giấy vệ sinh cho thị trường Venezuela. Dưới sự bảo vệ của lực lượng Vệ binh quốc gia, các chuyên gia lập danh sách những điểm bất bình thường và đưa ra những giải pháp chỉnh sửa, để nhà máy có thể quay lại hoạt động.

Nạn khan hiếm hàng hóa tiêu dùng, trong đó có giấy vệ sinh, là kết quả trực tiếp của tình trạng chi phí sản xuất tăng vọt, 49,4%, kể từ đầu năm tới nay, trong khi đó, chính phủ lại khống chế giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Biện pháp này gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vì họ thường xuyên phải sản xuất mà không có lãi.

Theo chuyên gia Dominique Fruchter, thuộc cơ quan bảo hiểm tín dụng xuất khẩu Pháp – Coface, biện pháp khống chế giá của chính phủ tạo thuận lợi cho nạn tham nhũng. Điều động các thanh tra đến một nhà máy có thể buộc doanh nghiệp phải quay lại hoạt động, nhưng không thể đưa các thanh tra đến tất cả các nhà máy trên toàn quốc. Để sản xuất thì phải nhập khẩu nguyên liệu và như vậy, phải có ngoại tệ. Có hàng hóa rồi thì phải tính đến khâu phân phối. Theo chuyên gia này, chính sách kinh tế của cố Tổng thống Hugo Chavez đã làm cho ngành công nghiệp và hạ tầng cơ sở bị suy yếu nghiêm trọng : Thiếu ngoại tệ, nông nghiệp và công nghiệp đình đốn và mạng lưới hậu cần, phân phối yếu kém.

Dưới thời ông Chavez, chính phủ đã từng bước thâu tóm các doanh nghiệp chính của đất nước. Phồn thịnh nhờ xuất khẩu dầu khí, chính quyền Venenzuela đã có thể bảo đảm sức mua ổn định cho người dân. Cố Tổng thống Venezuela cũng giải quyết được nhiều cuộc khủng hoảng qua việc tuyển dụng ồ ạt nhân công vào tập đoàn dầu lửa quốc gia lớn nhất – PDVSA. Đây là giải pháp tạm thời khi giá dầu lửa cao. Tình hình hiện nay đã khác.

Theo giới quan sát, dưới chế độ của cố Tổng thống Chavez, kinh tế là một công cụ chính trị. Trong nhiều năm, chính quyền liên tiếp nắm lại các phương tiện sản xuất. Để trở thành lãnh đạo các ngành kinh tế, không cần năng lực, chỉ cần thân cận với chính quyền. Cách lựa chọn này đã làm gia tăng nạn tham nhũng trong giới chính trị và doanh nghiệp, người nào cũng tìm cách tranh thủ chức vụ của mình để làm giàu.

Ngay sau lần thắng cử đầu tiên năm 1998, chính ông Hugo Chavez đã cam kết đấu tranh chống nạn nghèo khó và tham nhũng. Nếu như tham nhũng ngày càng lan rộng thì ngược lại nạn nghèo khó luôn luôn được ông Chavez nêu ra trong các phát biểu của mình. Ngay khi mới lên cầm quyền, ông còn huy động cả quân đội tham gia cuộc chiến chống nghèo khó : Xây dựng, sửa sang trường học, bệnh viên, tiến hành các chiến dịch tiêm phòng chủng. Quân đội còn được sử dụng vào việc thu hồi đất đai của Nhà nước. Nói tóm lại, quân đội phải tuyên thệ trung thành với chủ nghĩa Chavez và bảo đảm cho sự phồn thịnh của đất nước.

Nếu như ông Chavez đã thành công trong việc duy trì được sự cân bằng mong manh giữa kinh tế và xã hội, thì người kế nhiệm, Tổng thống Maduro, lại vất vả đối mặt với cuộc khủng hoảng.

Ông Stéphen Launay, chuyên gia về Châu Mỹ Latinh nhận định : « Người dân Venezuela không bị lừa phỉnh. Khi phải xếp hàng chờ đợi hàng giờ trong các siêu thị để mua một gói đường, họ hiểu rõ rằng không thể tin vào các phát biểu của ông Maduro ». Trong mọi trường hợp, nạn khan hiếm giấy vệ sinh cho thấy tình hình ở Venezuela trở nên lố bịch.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.