Vào nội dung chính
KHỦNG HOẢNG SYRIA

Syria : Đàm phán về Genève 2 thất bại

Theo AFP, 05/11/2013, các đàm phán ba bên (Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc, Mỹ và Nga) tại Genève để xác định thời gian tổ chức Hội nghị hòa bình cho Syria, còn gọi là Genève 2, đã không đạt kết quả.

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahimi, 30/10/2013, Damas.
Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Lakhdar Brahimi, 30/10/2013, Damas. REUTERS/Khaled al-Hariri
Quảng cáo

Trong một cuộc họp báo, Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập Lakhdar Brahimi tránh liệt kê các bất đồng dẫn đến thất bại hôm qua. Nhưng một điều được ông Lakhdar Brahimi lưu ý là « đối lập Syria bị chia rẽ và không sẵn sàng » tham gia Hội nghị. Đại diện Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh : « Đối lập (Syria) chính là một trong các cản trở ».

Tuy nhiên, ông Brahimi cũng bày tỏ hy vọng một hội nghị như vậy vẫn có thể diễn ra vào cuối năm nay và thông báo cuộc họp ba bên tiếp theo bàn về Genève 2 sẽ diễn ra vào ngày 25/11 tại Genève. Hội nghị Genève 2 chỉ có thể được tổ chức, nếu có cả đại diện của chính phủ và phe nổi dậy.

Để tổ chức được Genève 2, nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc yêu cầu đối lập Syria tìm ra tiếng nói chung trong việc cử đến Genève một phái đoán bao gồm đại diện các nhóm phái. Cho đến nay, bất đồng chủ yếu giữa các phe nhóm đối lập Syria xoay quanh vấn đề có coi việc Tổng thống Bachar al-Assad từ chức là điều kiện tiên quyết để tham gia Hội nghị này hay không.

Thứ Hai, 04/11, Bộ trưởng Thông tin Syria báo trước là chính quyền al-Assad không có mục đích tham dự Genève 2 « để trao quyền lực » cho đối phương.

Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc nhắc lại rằng, cuộc khủng hoảng tại Syria, kéo dài từ tháng 3/2011 đến nay, khiến khoảng 6.000 người phải rời khỏi nước này để đi tỵ nạn. Khoảng 9 triệu người dân Syria – tức khoảng 50% dân số - bị cuộc chiến trực tiếp ảnh hưởng. Theo một thống kê, cuộc nội chiến Syria đã khiến hơn 120.000 người thiệt mạng.

Vào tháng 6/2013, một hội nghị quốc tế tại Genève, còn gọi là Genève 1, đã phê chuẩn một lộ trình chuyển tiếp chính trị tại Syria. Tuy nhiên, cho đến nay lộ trình này hoàn toàn không được thực thi.

Hoa Kỳ nghi ngờ về thống kê vũ khí hóa học của Damas

Theo AFP, hôm nay, 06/11/2013, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc tuyên bố Washington đang tiếp tục thẩm tra tính xác thực của bảng thống kê vũ khí hóa học, mà Syria chuyển giao cho cộng đồng quốc tế, cũng như chương trình tiêu hủy các vũ khí này.

Trong một tài liệu 700 trang gửi đến Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OIAC), chính quyền Syria cam kết phá hủy toàn bộ kho vũ khí hơn 1.000 tấn. Mặc dù, theo OIAC, vào cuối tháng 10, về nguyên tắc, toàn bộ vũ khí hóa học của Syria đã được đặt dưới sự kiểm soát và tất cả các nhà máy sản xuất hóa chất đã ngừng hoạt động, Mỹ vẫn giữ quan điểm nghi ngờ về sự thành thực của chế độ Damas. Trả lời AFP, một trong các giới chức cao cấp của chính quyền Hoa Kỳ không nêu danh tính, khẳng định có các dấu hiệu cho thấy một số thành phần trong chính quyền Damas vẫn muốn duy trì các vũ khí hóa học.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.