Vào nội dung chính
NĂNG LƯỢNG

Các nước Tân Hưng : Thị trường hạt nhân béo bở

Sau thảm họa Fukushima 2011, các cường quốc hạt nhân bị chấn động, phải xem xét biện pháp tìm nguồn năng lượng thay thế cho điện hạt nhân. Thế nhưng, ngược lại với xu thế đó, các nước mới trỗi dậy và đang phát triển lại tăng cường đầu tư cho loại năng lượng này. Báo Le Monde cung cấp cái nhìn tổng quát với bài viết : "Năng lượng hạt nhân phát triển ở các nước Tân Hưng".

Nhà máy điện hạt nhân ở miền Đông Nam Trung Quốc - REUTERS / D. Gray
Nhà máy điện hạt nhân ở miền Đông Nam Trung Quốc - REUTERS / D. Gray
Quảng cáo

Theo thống kê của tập đoàn dầu khí BP, năm 2012 điện hạt nhân đã tiếp tục bị cắt giảm trên thế giới, và đã trở về mức tương đương với năm 1984. Các cường quốc hạt nhân thế giới như Mỹ, Pháp, Nhật và Đức đều có động thái chùn bước trước hạt nhân. Nguyên nhân, theo tờ báo, có thể là do bị chấn động bởi thảm họa Fukushima, hoặc do muốn khai thác thế mạnh của chính mình về khí đá phiến (như trường hợp của Mỹ).

Chính phủ Pháp thì dự định tiếp tục giảm tỷ lệ điện hạt nhân. Chính phủ Nhật Bản thì tạm đình chỉ hoạt động hàng loạt nhà máy hạt nhân. Cường quốc nguyên tử thứ năm thế giới là Đức cũng đã tuyên bố kế hoạch thoát khỏi hạt nhân.

Tình hình ở các cường quốc hạt nhân là như vậy, nên một chuyên gia nhận định rằng : Các nhà công nghiệp hạt nhân của những cường quốc này phải tìm đầu ra ở nước khác. Điều này đã tạo nên một sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đại gia hạt nhân ở thị trường các nước muốn bước vào con đường điện hạt nhân. Le Monde đặc biệt chú ý đến đại tập đoàn Rosatom của Nga với hàng loạt các chi nhánh, có sức cạnh tranh mạnh từ Bangladesh đến Việt Nam.

Le Monde liệt kê ra một số nước như Trung Quốc, Brazil, Jordani, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Bangladesh, Việt Nam…Trong đó, đứng đầu là Trung Quốc. Tờ báo nhấn mạnh, Trung Quốc là nước « đi đầu » trong phong trào phát triển điện hạt nhân. Nước này hiện có đến 29 lò phản ứng nằm trong dự án và 18 lò phản ứng đang hoạt động. Như vậy, Trung Quốc đã vượt Nga và Ấn Độ : Nga có 10 lò trong dự án và 33 lò đang hoạt động, hai con số này đối với Ấn Độ là 6 và 21.

Tại Brazil, tập đoàn Areva của Pháp vừa ký hợp đồng xây dựng một lò phản ứng hạt nhân trị giá 1,25 tỷ euro. Tuy nhiên, đây là lò phản ứng trong dự án duy nhất của nước này, cộng với 2 lò đang hoạt động, tức còn kém xa Trung Quốc. Jordani cũng đã quyết định lao vào vòng xoáy hạt nhân. Le Monde cho biết, vừa rồi, nước này đã chọn hai nhà thầu Nga để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình. Thổ Nhĩ Kỳ thì đã chọn Pháp làm nhà cung cấp trong dự án xây dựng bốn nhà máy điện hạt nhân.

Tóm lại, trong khi các cường quốc hạt nhân đang muốn giảm hạt nhân, trừ Nga, thì các nước mới trỗi dậy lại lao vào phát triển điện nguyên tử, trở thành thị trường đầy tiềm năng của các tập đoàn hạt nhân của các nước phát triển.

Trung Quốc : Hội nghị trung ương 3 và hy vọng cải cách

Tại Bắc Kinh, Hội nghị trung ương 3 khai mạc vào hôm nay và theo chương trình sẽ làm việc đến hết ngày 12/11 tới. Hội nghị có chủ đề chính là « cải cách », vì thế được người dân rất mong đợi. Nhật báo cánh hữu Pháp Le Figaro đăng bài « Đảng Cộng sản Trung Quốc vạch ra một hướng đi mới ».

Chương trình nghị sự của Hội nghị 3 lần này được gọi là « 3-8-3 ». Tức là, tập trung vào ba lĩnh vực, ba lĩnh vực này được cụ thể trong 8 vấn đề chính, tất cả nhắm đến 3 mục đích là cải thiện tính hiệu quả của thị trường, tăng cường hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước và giảm thiểu thủ tục hành chính để kích thích đầu tư.

Tờ báo cho biết, hội nghị này rất quan trọng cho nhiệm kỳ 10 năm cầm quyền của ông Tập Cận Bình (một nhiệm kỳ là 5 năm, nhưng các lãnh đạo Trung Quốc xưa nay đều làm hai nhiệm kỳ). Đây là hội nghị trung ương lần thứ ba khóa 18 kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Theo thông lệ, hai hội nghị trung ương đầu là để hoàn tất bộ máy lãnh đạo mới, còn hội nghị 3 là để xác định những chính sách lớn của khóa mới.

Bởi thế, mọi người trông chờ bài diễn văn của tổng bí thư Tập Cận Bình để xem ông muốn cải cách đất nước như thế nào. Hồi năm 1978, cũng ở đại hội trung ương 3, ông Đặng Tiểu Bình đã công bố chính sách mở cửa kinh tế mở đường cho Trung Quốc bước lên vị trí cường quốc kinh tế thứ hai như hiện nay. Le Figaro cho rằng : « Ông Tập Cận Bình muốn tạo ra một bước ngoặc tương tự ».

Trong những mong đợi cải cách nổi lên hai điểm : giảm bất công và bất bình đẳng xã hội do hậu quả của quá trình phát triển nhanh chóng mất kiểm soát như thời gian qua dẫn đến sự phân cực giàu nghèo ngày càng lớn; chấm dứt tình trạng độc quyền của doanh nghiệp nhà nước ở nhiều lĩnh vực .

Thế nhưng, Le Figaro cho rằng, ý muốn cải cách nói trên có thể vấp phải những nhóm lợi ích trong đảng cầm quyền, và khó lòng được thông qua một cách trọn vẹn như dự thảo ban đầu.

Để củng cố thêm lập luận này, Le Figaro đăng bài phỏng vấn ông Vương Kiến Lâm, đại gia có tài sản xếp thứ hai tại Trung Quốc. Ông Vương Kiến Lâm mong đợi cải cách sẽ mang đến sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

Ông cho rằng, đảng Cộng sản Trung Quốc phải ghi nhớ bài học là : không được để cho nền kinh tế phát triển một cách mất kiểm soát, và phải chú ý lắng nghe nguyện vọng của người dân. Trong bối cảnh hiện tại ở Trung Quốc, ông Vương Kiến Lâm khẳng định : « Cải cách không phải là sự chọn lựa, mà là một nhiệm vụ, một sự bắt buộc ».

Philippines : Thêm một cơn bão kinh hoàng

Nhìn sang bờ bên kia của Thái Bình Dương, nhật báo Le Monde quan tâm đến cơn bão vừa đi qua Philippines với dòng tựa : « Philippines bị một trận bão kinh hoàng ». Tờ báo bàn về cơn bão Haiyan đang tràn vào Việt Nam. Trước đó, vào hôm qua, cơ bão này đã đổ ập vào Philippines. Đây là cơn bão lớn nhất thế giới kể từ đầu năm đến nay, với sức gió có khi lên đến 380km/h, và những cơn sóng có khi cao 6m.

Bão đã làm tê liệt cả một vùng rộng lớn Philippines : trường học đóng cửa, đường xá tắc nghẽn, các chuyến bay và tàu hỏa bị ngưng lại, mất điện… Bão đã làm sập nhiều nhà cửa, làm lở đất và gây ngập trên diện rộng. Ước tính, tại Philippines, bão Haiyan ảnh hưởng đến 12 triệu người. Mỗi năm, đất nước này phải chịu đến khoảng 20 cơn bão.

Tự do mậu dịch châu Âu - Hoa Kỳ : NSA vẫn gây sóng gió

Vòng hai đàm phán về Hiệp định tự do mậu dịch EU-Hoa Kỳ sẽ diễn ra tại Bruxelles từ ngày 11 đến ngày 15 tới, trong bối cảnh bóng ma vụ nghe trộm của NSA vẫn đang chập chờn. Nhật báo Le Monde nhận định : « Xì căn đan nghe lén đè nặng lên thỏa thuận thương mại Châu Âu-Hoa Kỳ ».

Tờ báo cho biết, đến hiện tại, các nhà lãnh đạo Châu Âu đang ra sức khoanh vùng vụ nghe lén của NSA không để ảnh hưởng xấu đến đàm phán về Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương. Tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Đức Angela Merkel đều bác bỏ việc đình chỉ đàm phán.

Thế nhưng, nhìn toàn diện, tờ báo cho biết, dù không muốn, vụ NSA vẫn gây ảnh hưởng. Chẳng hạn như tại Đức, dù thủ tướng Đức muốn tiếp tục đàm phán, nhưng hồ sơ NSA đang là chủ đề « hết sức nhạy cảm » ở nước này. Một quan chức cấp cao Đức cho rằng : « Con đê ngăn giữa vụ Snowden và hồ sơ đàm phán thương mại hiện có vẽ còn chắc chắn, nhưng nó có thể sẽ bị vỡ nếu như có thêm tiết lộ nhạy cảm khác từ Snowden, như về việc nghe lén trong lĩnh vực công nghiệp chẳng hạn ».

Le Monde cho biết thêm, hồi ngày 04/11 vừa rồi, tờ Financial Times còn cho biết, Đức đã yêu cầu đưa việc bảo vệ thông tin cá nhân vào hồ sơ đàm phán. Thế nhưng, chủ tịch nghị viện Châu Âu, ông Martin Schulz, đã kêu gọi tạm đình chỉ đàm phán. Ủy ban Châu Âu cũng không muốn mở rộng đàm phán. Ủy viên tư pháp của Ủy ban này cho rằng : « Đối với chúng ta, việc bảo vệ thông tin cá nhân không phải là vấn đề mang ra đàm phán, nó không giống như luật thuế quan, mà nó thuộc về quyền cơ bản của con người ». Nhân vật này nói thêm : « Những tiêu chuẩn của Mỹ cũng phải ngang bằng với những tiêu chuẩn của chúng ta ».

Sotchi : Putin muốn phô trương sức mạnh

Nhật báo Libération số ra hôm nay dành trọn trang nhất đăng ảnh tổng thống Nga Vladimir Putin kèm theo dòng tựa đáng chú ý: « Olympic Sotchi, trò chơi của Nga Hoàng ». Tờ báo muốn ám chỉ tổng thống Putin khi cho rằng, ông này muốn biến Thế vận hội mùa đông tại Sotchi trong ba tháng nữa thành phương tiện biểu thị quyền lực và ảnh hưởng.

Để đón sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này, chính phủ Nga đã cho xây dựng lại gần như mọi thứ. Số tiền dự tính ban đầu là 14 tỷ euro, nhưng trên thực tế đã lên đến 36 tỷ euro. Đây là mức đầu tư kỷ lục thế giới của một nước đăng cai thế vận hội.

Trong bài phóng sự của mình, Libération cho biết có rất nhiều công trình xây dựng quy mô. Tuy nhiên, kèm theo đó đã nổi lên nhiều tiêu cực. Nhiều chỉ trích tham nhũng trong các dự án xây dựng phục vụ Thế vận hội đã vang lên. Cựu phó thủ tướng Boris Nemstov còn nghi ngờ rằng, tổng thống Putin và những người thân cận của ông đã rút ruột đến 20 tỷ euro số tiền đầu tư cho thế vận hội . Ông Boris Nemstov cho đó là « một sự phá hoại đáng xấu hổ ».

Chưa hết, còn có nghi ngờ cho rằng, tổng thống Putin đã có vai trò chống lưng cho thế vận hội bằng việc hỗ trợ các nhà kinh doanh thân cận dành được hợp đồng. Libération dẫn lời chứng cho rằng, mọi quyết định cho việc xây dựng và tổ chức thế vận hội Sotchi đều được bàn kín và đưa ra từ Maxcơva, trong khi đó chính quyền Sotchi không biết và không tham gia quyết định được gì cả. Một blogger Nga gọi đó là : « Dốc đứng quyền lực », ý nói mọi thứ đều được quyết định từ tổng thống Putin.

Thêm vào đó là việc thu hồi đất của dân một cách không minh bạch để phục vụ cho các công trình Thế vận hội. Công nhân được quy động tối đa cho các công trình, nhưng đa phần công nhân đến từ khu vực khác, phải làm việc trong điều kiện khó khăn với đồng lương rẻ mạt. Đã thế mà còn có nhiều người không được trả lương. Từ đầu năm đến nay, đã có 800 khiếu nại về tiền lương. Đại diện một tổ chức phi chính phủ địa phương nhận định : đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Trong bài xã luận của mình, Libération nhận định : tổng thống Nga Putin muốn thông qua thế vận hội Sotchi lần này tạo cho ông ta hình ảnh của một nhà lãnh đạo « đầy uy quyền », trong bối cảnh mà vừa qua ông đã thu được hai chiến thắng ngoại giao quan trọng liên quan đến cựu nhân viên NSA Edward Snowden và hồ sơ Syria. Tạp chí Forbes của Mỹ trong bảng xếp hạng mới nhất cũng đã xếp tổng thống Putin vào vị trí số một các nhà lãnh đạo có quyền lực nhất thế giới.

Pháp kỷ niệm 100 năm Đệ nhất Thế chiến

Nước Pháp đang rầm rộ chuẩn bị lễ kỷ niệm 100 năm Thế chiến thứ nhất (1914-2014). Nhật báo Công Giáo La Croix phản ánh không khí chuẩn bị này với dòng tít lớn chạy trên trang nhất : « Pháp biểu dương quân nhân của mình trong Đệ nhất thế chiến ».

Kèm theo dòng tựa là hình ảnh ba quân nhân Pháp thời chiến tranh này. Tờ báo còn đăng bài phỏng vấn hai nhà sử học, một của Pháp và một của Đức, về cuộc chiến. Tờ báo nhận định, một trăm năm đã trôi qua, nhưng Đệ nhất thế chiến vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong kí ức của người Pháp.

Bằng chứng là, để kỷ niệm 100 năm bắt đầu cuộc chiến, tại Pháp đã có đến 1 200 buổi lễ được cấp phép. Tổng thống Pháp cũng đã thông báo là trong lễ quốc khánh năm tới, sẽ có đại diện của 72 quốc gia tham dự.

Các nhà xuất bản Pháp cũng không đứng ngoài cuộc. Theo La Croix, trong năm 2013 này, số sách về Đệ nhất thế chiến được phát hành có thể hơn 120

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.