Vào nội dung chính
KHÍ HẬU

Thiên tai : Các nước nghèo là nạn nhân chính

Hội nghị thường niên của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2013 đang diễn ra tại Warszawa (Vác-Xa-Va) Cộng Hòa Ba Lan. Tổ chức bảo vệ môi trường Germanwatch tại Đức đã công bố ở hội nghị này danh sách các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.

Ông Naderev Sano, ủy viên Philippines đặc trách về vấn đề khí hậu tại Hội nghị Vácxava - REUTERS /Kacper Pempel
Ông Naderev Sano, ủy viên Philippines đặc trách về vấn đề khí hậu tại Hội nghị Vácxava - REUTERS /Kacper Pempel
Quảng cáo

Nhật báo Les Echos quan tâm đến chủ đề này với dòng tựa mang tính cảnh báo : « Các nước phía Nam trả giá đắt cho thiên tai ». Danh sách nói trên là một “bảng xếp hạng” bao gồm 180 nước, được Germanwatch dựa vào tỷ lệ nạn nhân bị thiệt mạng do thiên tai (tỷ lệ tính trên 100 000 dân), và vào tỷ lệ thiệt hại do thiên tai đối với GDP của cả nước.

Một điều đáng chú ý là, 10 nước đứng đầu bảng là các nước nghèo hoặc đang phát triển. Chẳng hạn như, những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai trong giai đoạn 1993-2012 là Honduras, Miến Điện và Haiti. Ước tính trong giai đoạn này, trên phạm vi thế giới, thiên tai đã làm thiệt mạng đến 530 000 người và gây tổn thất vật chất lên đến 2 500 tỷ đô la.

Riêng đối với năm 2012, đứng đầu về số người thiệt mạng và có nhiều tổn thất vật chất do thiên tai là Haiti, Pakistan và Phillipines. Đối với Philippines, nước vừa hứng chịu siêu bão Haiyan với những tổn thất về người và của còn chưa tính hết, thì vào năm 2012, đã có hơn 1 400 người thiệt mạng và thiệt hại hơn 1,2 tỷ đô la, tức chiếm 0,29 % GDP cả nước.

Bên cạnh bài viết, Les Echos còn đăng sơ đồ những nước có nhiều nguy cơ hứng chịu thiên tai, và trong số 10 nước đứng đầu có cả Việt Nam.

Les Echos nhận định, danh sách này được công bố tại hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại Ba Lan là một cơ hội tốt để cho những nước nghèo hứng chịu nhiều thiên tai lên tiếng yêu cầu những nước phát triển tăng cương hỗ trợ tài chính trong việc đối phó biến đổi khí hậu.

Tờ báo nhắc lại, các nước nghèo thường cáo buộc các nước phát triển là thủ phạm chính của hiện tượng biến đổi khí hậu bởi thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, để cho các nước nghèo gánh chịu hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, nhiều nước phát triển cũng khổ sở vì thiên tai, như Mỹ bị cơn bão Sandy hồi năm ngoái, như Nga bị hạn hán triền miên, như Ý có lượng mưa quá mức gây ngập lụt ở nhiều khu vực.

Philippines : cứu trợ khó khăn

Tình hình Philippines sau bão Haiyan tiếp tục thu hút sự chú ý của báo Pháp hôm nay. Nhật báo Le Figaro có bài cho biết : « Cứu trợ cho nạn nhân cơn bão một cách khó khăn », Le Monde cũng có bài : « Khó khăn chồng chất của những người sống sót sau cơn bão ở thành phố Tacloban ».

Hai tờ báo đều đăng ảnh cho thấy cảnh hoang tàn đổ nát ở khu vực mà cơn bão Haiyan vừa đi qua gây nhiều thiệt hại về người và của. Tại thành phố Tacloban, trung tâm của cơn bão, người dân lũ lượt rời khỏi thành phố vì cơn bão đã san bằng mọi thứ. Thêm vào tình cảnh khổ sở đó là nạn cướp giật tràn lan. Xác người chết nằm rải rác. Có khi phải chôn đến 300 xác chết vào một hố chung.

Le Monde và Le Figaro đều nêu lên sự « bất lực » của chính quyền Philippines trong việc khắc phục hậu quả bão Haiyan, và « sự thất vọng » của người sống sót sau cơn bão.

Cộng đồng quốc tế đã cam kết hỗ trợ Phiplippines và hàng chục triệu đô la đã được giải ngân. Thế nhưng, do đường xá bị phá hủy, do thiếu xăng, thiếu phương tiện, nên công tác cứu trợ gặp nhiều khó khăn. Các nhân viên cứu trợ của Liên Hiệp Quốc cũng đã thừa nhận rằng, hàng cứu trợ chỉ đến được với người dân « một cách nhỏ giọt ».

Nhật Bản : Abenomics mất đà

Chủ đề liên quan đến nền kinh tế thư ba thế giới là Nhật Bản được báo chí Pháp hôm nay đặc biệt quan tâm. Le Monde đăng bài : «Công hiệu của chính sách Abenomics dường như đang mất dần », Les Echos thì cảnh báo : « Tăng trưởng của Nhật Bản bất ngờ giảm mạnh ».

Hai tờ báo nhấn mạnh đến việc, trong quý 3 vừa qua, tăng trưởng GDP của Nhật Bản bất ngờ giảm đi phân nửa. Cụ thể là, trong quý 1, tăng trưởng là 4,1%, trong quý 2 là 3,8%, còn trong quý 3 vừa qua, tuột xuống còn 1,9%.

Abenomics nhắm đến việc tăng chi ngân sách để kích thích tiêu dùng, đồng thời giảm tỷ giá đồng yên để tạo thuận lợi cho xuất khẩu. Thế nhưng, hai tờ báo cho biết, lĩnh vực tiêu dùng tại Nhật Bản trong quý 3 chỉ tăng có 0,2%.

Xuất khẩu trong quý 3 cũng giảm 0,6% do mức cầu ở Mỹ và các nước mới trỗi dậy giảm mạnh. Chưa hết, do đồng yên mất giá so với đô la Mỹ, làm cho giá hàng nhập khẩu tăng cao. Từ đó, sức mua của người tiêu dùng Nhật bị giảm sút.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp tại Nhật Bản chưa dám đầu tư mạnh tay mà có tâm lý chờ thời cơ. Cụ thể là chờ « mũi đột phá » thứ ba trong chính sách Abenomics, tức là cải cách cấu trúc nền kinh tế Nhật Bản. Thế nhưng, theo Le Monde và Les Echos, những cải cách cấu trúc mà thủ tướng Abe dự tính khó lòng thực hiện được.

Hàn Quốc và Nhật Bản : Mỹ chọn một trong hai ?

Bàn về chính sách đối ngoại của Nhật Bản, Le Monde đăng bài nhận định rằng, Nhật Bản đang theo đuổi một chính sách có thể gây căng thẳng với láng giềng và gây khó khăn cho đồng minh Mỹ.

Bài viết nhắc lại, thủ tướng Shinzo Abe sau khi nhậm chức hồi cuối năm ngoái, đã bắt đầu theo đuổi mục tiêu đưa « Nhật Bản trở lại » trên trường quốc tế. Ông Abe muốn thay đổi bản Hiến pháp hiếu hòa mà các nước chiến thắng áp đặt hồi sau thế chiến thứ hai.

Ông Abe muốn tăng cường sức mạnh quân sự, mà theo ông là để bảo vệ chủ quyền. Tuy nhiên, bài viết cho rằng, chính sách này có mục tiêu trước nhất là « kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc theo ý nguyện của Mỹ ».

Đối với các nước láng giềng, đặc biệt là Hàn Quốc, lập trường « xem lại lịch sử » của ông Abe trong hồ sơ lính Nhật trước kia sử dụng nhiều phụ nữ ở các nước Châu Á bị Nhật chiếm đóng làm « gái giải sầu ». Con số phụ nữ này có thể lên đến 200 000 người, trong đó đa phần là phụ nữ Hàn Quốc.

Chưa hết, Hàn Quốc lại không lấy gì làm vui khi thấy Nhật Bản tăng cường quan hệ với Mỹ và có khuynh hướng đứng ra đảm trách những việc lớn trong khu vực theo ý nguyện của Mỹ. Bất hòa giữa hai nước đến mức mà mới rồi, tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye đã tuyên bố từ chối tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với thủ tướng Abe.

Và dĩ nhiên, trong bối cảnh đó, Mỹ phải ở vị trí tế nhị là đứng giữa hai anh bạn đồng minh chính trong khu vực. Le Monde kết luận : Chính sách đối ngoại của ông Abe chẳng những không làm dịu tình hình mà còn có nguy cơ làm gia tăng sự đối đầu.

Pháp : Uy tín chính phủ giảm mạnh

Liên quan đến tình hình chính trị tại Pháp, nhật báo cánh hữu Le Figaro đăng kết quả thăm dò về lòng tin của người dân đối với chính phủ Pháp với dòng tít lớn ưu tiên chạy trên trang nhất : « Người Pháp muốn giải tán quốc quốc hội ».

Thăm dò được thực hiện theo đơn đặt hàng của Le Figaro, theo đó, có đến 39% người Pháp muốn tổng thống Hollande giải tán Quốc hội và tiến hành bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ mới. Có 33% người Pháp muốn tổng thống cải tổ chính phủ và thay thủ tướng. Và chỉ có 5% muốn tổng thống cải tổ chính phủ và giữ lại thủ tướng Jean-Marc Ayrault.

Ngay đối với cử tri đã bầu cho ông Hollande hồi vòng một trong cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái, thì có 39% yêu cầu thay thủ tướng, và 11% muốn tổng thống giải tán Quốc hội. Như vậy, cả hai con số này cộng lại đã là 50% cử tri ủng hộ Tổng thống Hollande muốn có sự thay đổi.

Đối với cử tri cực tả, theo thăm dò nói trên, có 62% chọn giải pháp giải tán Quốc hội và cải tổ sâu rộng chính phủ. Có 95% cử tri cánh hữu từng ủng hộ ông Sarkozy ở vòng 2 năm ngoái muốn tổng thống giải tán Quốc hội và thay thủ tướng.

Trong trường hợp thay thủ tướng, thăm dò đưa ra 4 gương mặt cánh tả cho người dân lựa chọn, đó là : Manuel Valls, Martine Aubry, Arnaud Montebourg và Michel Sapin. Kết quả : Manuel Valls được 32%, Martine Aubry được 20%, Arnaud Montebourg được 3%, và Michel Sapin được 2%. Như vậy, có đến 43% không chọn ai trong 4 nhân vật kể trên.

Đối với tổng thống Hollande, tỷ lệ tín nhiệm của ông ngày càng giảm. Có đến 73% cho rằng kể từ khi ông Hollande bắt đầu nhiệm kì tổng thống hồi tháng Năm năm ngoái đến nay, thì tình hình nước Pháp ngày càng xấu đi. Trong khi đó, chỉ có 4% cảm thấy điều ngược lại.

Thống kê này được đưa ra trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế Pháp còn lắm khó khăn, nạn thất nghiệp vẫn tiếp diễn, an ninh trật tự vẫn còn nhiều vấn đề, và trong bối cảnh Ủy ban Châu Âu thúc giục chính phủ Pháp có thêm nhiều cải tổ mang tính cấu trúc để vực dậy nền kinh tế.

Người sử dụng Internet : Ấn Độ sẽ vượt Mỹ

Hiện tại, Trung Quốc là nước có số người sử dụng Internet đông nhất thế giới, đứng thứ hai là Mỹ. Tuy nhiên, Les Echos cho hay Ấn Độ sẽ vượt lên vị trí số 2 với bài dự đoán : « Chẳng bao lâu nữa Ấn Độ sẽ có nhiều người sử dụng Internet hơn Hoa Kỳ ».

Theo kết quả điều tra vừa được công bố tại Ấn Độ, thì vào tháng 10 rồi, số người sử dụng Internet của nước này là 205 triệu. Dự đoán, sẽ tăng lên 213 triệu vào tháng 12 tới, và 243 triệu vào tháng 6/2014. Trong khi đó, số người sử dụng Internet tại Mỹ hiện là 207 triệu.

Ấn Độ được xem là bị chậm trễ trong việc đưa dịch vụ Internet đến tay người dân. Thế nhưng, sự chậm trễ đã được khắc phục và đã có sự tăng trưởng chóng mặt trong thời gian qua. Chỉ trong vòng một năm, số người sử dụng Internet ở nông thôn Ấn Độ có khi đã tăng gấp 2 lần. Hồi năm 2011, số người sử dụng Internet tại Ấn Độ chỉ có 106 triệu, và đã tăng lên thành 190 triệu vào tháng 6 rồi.

Một chuyên gia tại Ấn Độ tóm lược tốc độ phát triển này như sau : « Trước kia, phải cần đến 10 năm mới có thể tăng số người sử dụng Internet tại Ấn Độ từ 10 triệu lên 100 triệu, nhưng vừa qua chỉ cần có 3 năm mà đã tăng từ 100 triệu lên 200 triệu ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.