Vào nội dung chính
QATAR - LAO ĐỘNG

Ân Xá Quốc Tế : Qatar bóc lột người lao động nhập cư

Người lao động nhập cư tại Qatar bị đối xử như súc vật, bị bóc lột và lạm dụng. Công nhân không được trả lương. Đó là nội dung báo cáo được Amnesty International công bố ngày 17/11/2013. Tiểu vương quốc Qatar được chọn để tổ chức Cúp Bóng đá Thế giới 2022. Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Doha nhanh chóng cải thiện nhân quyền.

Tổng thư ký Amnesty International Salil Shetty họp báo tại Doha, 17/11/2013, công bố báo cáo về tình trạng bóc lột lao động nhập cư của Qatar
Tổng thư ký Amnesty International Salil Shetty họp báo tại Doha, 17/11/2013, công bố báo cáo về tình trạng bóc lột lao động nhập cư của Qatar REUTERS/Mohammed Dabbous
Quảng cáo

Theo báo cáo nói trên, người lao động nhập cư tại Qatar – đa số là người Châu Á - làm việc trong ngành xây dựng thường xuyên bị « bóc lột » và « lạm dụng đến mức không thể chấp nhận được ». Các tập đoàn xây dựng Qatar cũng như chính quyền Doha bị chỉ trích vi phạm « quyền cơ bản của người lao động nhập cư ».

Công nhân phải làm việc 7 ngày trên 7, 12 giờ mỗi ngày. Họ làm việc trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt. Trung bình nhiệt độ ngoài trời vào mùa hè thường xuyên vượt quá 40 ° C. Người lao động nhập cư phải sống trong những điều kiện khó khăn : Nhà ở tồi tệ, không bảo đảm vệ sinh, an toàn, không có máy điều hòa trên một vùng đất sa mạc. Nhân viên điều tra của Amnesty International chứng kiến cảnh 11 công nhân phải ký giấy chứng nhận họ được trả lương, nhưng đó chỉ là giấy tờ giả mạo.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International cho rằng, quốc tế cũng như là Liên đoàn Bóng đá Quốc tế FIFA không thể làm ngơ trước việc một trong những « quốc gia giàu có nhất thế giới lại bóc lột, quỵt tiền lương của công nhân, đẩy họ vào cảnh khốn cùng phải đấu tranh từng ngày để kiếm sống ».

Theo Ân Xá Quốc Tế, FIFA phải có trách nhiệm đòi Doha chấm dứt các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nói trên trong khuôn khổ tiểu vương quốc Qatar được tổ chức Cúp Bóng đá Thế giới 2022.

Amnesty International đã thực hiện một cuộc điều tra qua các buổi phỏng vấn hơn 200 công nhân trong ngành xây dựng tại Qatar trong khoảng thời gian từ tháng 10/2012 đến tháng 3/2013. Sau đó, tổ chức này đã có một cuộc họp với 22 tập đoàn xây dựng Qatar và các giới chức trong chính quyền. Một số tập đoàn gia công cho Qatar trong dự án như Hyundai của Hàn Quốc hay OHL của Tây Ban Nha cũng trong tầm ngắm của Ân Xá Quốc Tế.

FIFA lập tức lên tiếng cho rằng « Cúp bóng đá 2022 là cơ hội để khu vực Trung Đông thay đổi theo hướng tích cực về phương diện xã hội (…) cải thiện quyền của người lao động và cải thiện đời sống cho những công nhân nhập cư ». Về phần mình, Doha bác bỏ toàn bộ những cáo buộc nói trên của tổ chức Ân Xá Quốc Tế, nhưng đồng thời cho biết đã cử một văn phòng luật sư quốc tế đến hiện trường để tìm hiểu sự thật.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.