Vào nội dung chính
IRAN - NGUYÊN TỬ - CHÍNH TRỊ

Cuộc đàm phán Genève chia rẽ bộ máy quyền lực Iran

Hôm nay là ngày quyết định trong cuộc thương lượng về vấn đề hạt nhân giữa Iran và năm nước của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức. Trong cuộc họp lần trước, nội bộ nhóm 5+1 không thống nhất trong quyết định đối với Iran. Lần này, chính nội bộ Iran có sự chia rẽ và phía bảo thủ tỏ ra không nhân nhượng đối với những yêu cầu của Liên Hiệp Quốc. Báo Le Monde phân tích tình hình trên trong bài : « Cuộc đàm phán Genève chia rẽ bộ máy quyền lực Iran ».

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (G) đến Genève dự vòng đàm phán thứ ba về hồ sơ hạt nhân, ngày 22/11/2013
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (G) đến Genève dự vòng đàm phán thứ ba về hồ sơ hạt nhân, ngày 22/11/2013 REUTERS
Quảng cáo

Thứ Tư vừa qua, nhà lãnh đạo tối cao, Ali Khamenei, lên tiếng trước hàng nghìn tín đồ rằng : « Tôi không can dự vào việc đàm phán, nhưng không được chùn bước đối với quyền lợi của dân tộc ». Ông không hề có thiện cảm với Hoa Kỳ khi tuyên bố : « Mỹ luôn là một nước chuyên chế, ác tâm và hận thù các chế độ và dân tộc Hồi giáo ». Cuộc viếng thăm Tổng thống Pháp tại Israel khiến nhà lãnh đạo tối cao Iran bất bình và cho rằng Pháp đã tự hạ mình trước Mỹ và Israel. Ông đánh giá đây là « nỗi xấu hổ cho dân tộc Pháp ».

Mặc dù nhà lãnh đạo tối cao vẫn nhấn mạnh sự ủng hộ của mình đối với Tổng thống Hassan Rohani và những người phụ trách công cuộc đàm phán, song nhiều chính trị gia và báo chí bảo thủ Iran không ngừng chỉ trích họ. Khoảng một trăm đại biểu Quốc hội (trên tổng số 290) đối lập với chính phủ đã thảo một dự luật, và nếu được Quốc hội thông qua, cấm Ngoại trưởng Iran nhượng bộ trên một số chủ đề quan trọng. Cụ thể là Iran sẽ phải được tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và làm giàu uranium tới 20%. Đây cũng là điểm then chốt trong cuộc đàm phán.

Tổng biên tập tờ Kayhan, nhật báo bảo thủ thân cận với nhà lãnh đạo tối cao, đã cảnh báo phái đoàn Iran về những nhân nhượng mới. Ông cho rằng : « Téhéran đã hoàn tất một số yêu cầu của nhóm 5+1, trong khi đó chưa nhận được gì cụ thể từ phía này. Vì vậy, bây giờ đến lượt họ phải nhượng bộ đối với đất nước chúng ta ». Về phía mình, Tổng thống Iran vẫn nỗ lực để tìm ra giải pháp trong cuộc đàm phán lần này. Theo ông, « nếu cuộc thương lượng đạt kết quả, điều này sẽ có lợi cho toàn bộ khu vực và thế giới phương Tây ».

Bắt giữ thủ phạm nổ súng tại Paris

Các báo Pháp dành nhiều trang để tìm hiểu danh tính và quá khứ của thủ phạm vụ xả súng tại trụ sở báo Libération, truyền hình BFM TV và tại khu La Défense. Le Monde đưa tin : « Kẻ xả súng Paris : Bóng ma trong vụ Rey-Maupin ». Trong vụ giết người diễn ra năm 1998 này, hắn là người cung cấp vũ khí. Báo Le Figaro đánh giá : « Dekhar, kẻ nổ súng "hoàn toàn bị hoang tưởng" ». Một trong hai bức thư do thủ phạm để lại trước khi tự tử (song không thành công) cho biết động cơ của cuộc nổ súng. Hắn « kết tội các phương tiện truyền thông đã điều khiển người dân. Các nhà báo được trả lương để bắt người dân nuốt từng thìa dối trá ».

Báo Libération, nạn nhân của Dekhar, dành toàn bộ bẩy trang đầu trong mục « Sự kiện » để tìm hiểu động cơ của hắn. Dưới tựa đề : « Nổ súng tại Libé : Động cơ không rõ ràng », phóng viên thuật lại quá trình tìm kiếm kẻ reo rắc nỗi sợ hãi tại Paris. Còn trong bài : « Trận đánh của con "tắc kè hoa" bước ra khỏi bóng tối », phóng viên phân tích quá khứ của kẻ tự dựng cho mình vỏ bọc của một điệp viên.

Báo L’Humanité đăng tin : « Cuộc lẩn trốn của kẻ nổ súng tại tờ Libération kết thúc ». Ngoài việc thông tin thủ phạm vẫn quyết định giữ im lặng về hành động của mình, tờ báo đánh giá : « Dekhar, một nhân vật khó hiểu ». Tác giả bài báo lật lại hồ sợ vụ thảm sát tại quảng trường Nation vào năm 1998. Trong vụ này, Dekhar là nhân vật thứ ba, dường như giật dây hai tác giả chính của vụ án, song chỉ bị kết án bốn năm tù. Từ đó, hắn « mai danh ẩn tích » cho tới khi xuất hiện trở lại để thực hiện một vụ tương tự như vụ ở Nation.

Biểu tình phản đối của nông dân Pháp

Tiếp tục các cuộc phản đối của nông dân vùng Bretagne, hôm qua, đoàn máy cày của nông dân trồng ngũ cốc vùng Ile-de-France đã nối đuôi nhau và chặn một số ngả đường vào thủ đô Paris để phản đối một số chính sách thuế mới được đưa ra và áp dụng cho ngành nông nghiệp, trong đó có thuế môi sinh (Ecotaxe). Họ đòi chính phủ phân bổ công bằng hơn các nguồn hỗ trợ của chính sách cải cách nông nghiệp. Chính sách này hiện đang ưu đãi cho ngành chăn nuôi. Tờ L’Humanité cay đắng nhận định : « Người trồng ngũ cốc biểu tình chống lại sự đoàn kết nông dân ». Tờ Libération cũng tỏ ra không đồng tình với hành động của nông dân trồng ngũ cốc vốn được hưởng nhiều ưu đãi.

Theo thông tin của các bài : « Máy cày chặn cửa Paris nhưng không thành công » của tờ La Croix và bài : « Bảng tổng kết của cuộc "chặn cửa Paris" của người nông dân » trên tờ Le Figaro, hai tai nạn đã xảy ra tại cuộc biểu tình ngày hôm qua khiến một người chết và sáu người bị thương. Tờ Le Figaro cho biết Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp, Stéphane Le Foll, vẫn tỏ ra cứng rắn trước cải cách ruộng đất. Chính phủ sẽ quay lại thương thảo với người trồng ngũ cốc nhưng sẽ không điều chỉnh lại việc phân bổ hỗ trợ của Châu Âu.

Đức : Thủ tướng Angela Merkel quyết định áp dụng mức lương tối thiểu

Tỉ lệ thất nghiệp tại Đức thấp hơn so với Pháp. Thị trường lao động của nước này cũng thu hút được nhiều lao động nhập cư, đặc biệt là người Đông Âu. Tuy nhiên, tại đây, người lao động không hề biết đến mức lương tối thiểu như tại Pháp. Chủ lao động tùy ý định mức lương, vì thế, người lao động thường bị thiệt thòi và không được bảo vệ. Tình hình trên sẽ được cải thiện với quyết định của Thủ tướng Angela Merkel về việc áp dụng mức lương tối thiểu.

Các điều khoản đang được hai đảng nắm quyền, CDU và SPD, đang bàn bạc. Thực tế, Angela Merkel phải nhượng bộ vấn đề này trước đảng SPD, liên minh trong chính phủ của bà. Đây là nhận định chung của các báo Les Echos với tựa đề : « Merkel thu mình trước lương tối thiểu » và tờ Le Figaro trong bài : « Merkel nhượng bộ trước vấn đề lương tối thiểu ». Đây sẽ một cuộc cách mạng tại Đức. Mức lương tối thiểu phổ thông sẽ nhanh chóng được áp dụng. Hiện tại, Đức có nhiều mức lương khác nhau, tùy theo từng ngành nghề. Thế nhưng, các nhà kinh tế học cho rằng mức lương tối thiểu sẽ làm giảm tiềm năng tăng trưởng của Đức.

Nếu mức lương 8,5 euro/giờ được áp dụng theo đúng yêu cầu của đảng SPD, khoảng 6 triệu lao động tại Đức sẽ được hưởng cải cách này, lương của người lao động sẽ được tăng khoảng 37% và sức mua của người dân sẽ tăng khoảng 0,4%. Tại Châu Âu, 21 trên 28 nước đã có luật về lương tối thiểu. Nếu theo gót các quốc gia trên, Đức sẽ khiến cả Bruxelles và Washington hài lòng. Những quốc gia đồng minh này, một mặt vẫn trách Đức đã không tạo điều kiện thuận lợi nhiều cho tiêu thụ nội địa, mặt khác, vẫn trông chờ vào vai trò trụ cột của Đức cho tăng trưởng Châu Âu.

Báo Libération đánh giá : « Về lương tối thiểu, Merkel làm việc tối thiểu của công đoàn ». Tờ báo nhìn nhận hệ lụy của cải cách lương tối thiểu và cho rằng ảnh hưởng của công đoàn tại quốc gia này sẽ suy yếu đi. Từ trước tới nay, công đoàn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thương lượng lương với giới chủ. Trong tương lai, họ sẽ phải hướng tới việc đòi tăng mức lương tối thiểu và rất khó để có thể đòi tăng lương từ 4-6% như họ đang làm trong những năm gần đây.

Các nghệ sĩ của « Mùa Xuân Bulgari » tố cáo nạn tham ô của chế độ

Quay sang tình hình chính trị tại Bulgari, báo Le Monde phản ánh cuộc đấu tranh tố cáo tình trạng hối lộ tại nước này trong bài : « Các nghệ sĩ của "Mùa Xuân Bulgari" tố cáo nạn tham ô của chế độ ».

Từ tháng sáu vừa qua, những người tham gia biểu tình yêu cầu chính phủ của Plamen Orecharski phải từ chức. Vụ việc phát sinh khi Delyan Peevski, trùm tư bản các kênh truyền thông, có quan hệ làm ăn mật thiết với nhiều đảng phái chính trị, được bổ nhiệm đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia của Bulgari.

Giám đốc Viện Thăm dò dư luận phẫn nộ trước việc chính phủ bổ nhiệm trùm tư bản làm nhân vật số 1 của tổ chức quan trọng trên. Bà đánh giá : « Đó là biểu tượng của nạn tham nhũng và sự tương thuộc giữa các cơ quan chính trị, truyền thông và kinh tế ».

Sau nhiều cuộc phản đối rầm rộ, Giám đốc mới này phải từ chức. Thế nhưng, từ tháng 10 vừa qua, người dân lại xuống đường biểu tình phản đối quyết định cho phép Delyan Peevski quay lại ghế nghị viên của mình. Lần này, chính phủ quyết định phản công chống những người biểu tình và thông tin liên qua đều được các phương tiện truyền thông của Peevski đăng tải.

Tác giả bài báo kết luận, « Mùa Xuân Bulgari » chỉ gây sự chú ý đối với người thuộc tầng lớp trung lưu đang muốn mở rộng tiếng nói của mình. Người nghèo sống xa các thành phố lớn không mảy may quan tâm vì họ không có thói quen xuống đường biểu tình. Hơn nữa, tại các thành phố nhỏ như trên, việc kiểm soát xã hội còn chặt chẽ hơn nhiều.

Kỉ niệm 50 năm ngày mất của cựu Tổng thống Mỹ Kennedy

Báo chí Pháp ra ngày hôm nay đều quan tâm tới sự kiện 50 năm ngày mất của cựu Tổng thống Mỹ Kennedy.

Ngoài các thông tin chung về tuần lễ tưởng niệm, báo Le Figaro nhận định 50 năm sau, vết thương chung vẫn chưa phai trong giờ phút tưởng niệm vị Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ.

Báo L’Humanité cũng dành chọn chuyên mục « Lịch sử » để lật lại hồ sơ Kennedy. Xung quanh vụ ám sát còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ và bí ẩn. Đặc biệt, từ năm 1966, người ta phát hiện não của ông, nhiều phim chụp X quang cùng nhiều ảnh chụp hiện trường và mẫu vải phục vụ cho việc điều tra đã biến mất.

Trên trang nhất số ra tuần này, tờ Aujourd’hui en France đặt câu hỏi : « Gia đình Kennedy còn gì ? ». Theo gia phả dòng họ Kennedy, con cháu đều hoạt động tích cực trong lĩnh vực chính trị. Nổi bật lên là gương mặt của bà Caroline Kennedy, con gái của cựu Tổng thống, mới được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.