Vào nội dung chính
KHÍ HẬU

Một cựu lãnh đạo Nasa kêu gọi giữ nhiệt độ Trái đất như hiện tại

Nhà khí hậu học James Hansen, một cựu lãnh đạo của Nasa - Cơ quan không gian Hoa Kỳ - kêu gọi nhân loại nỗ lực để giữ nguyên mức nhiệt độ trái đất như hiện nay. Theo ông, mục tiêu không để tăng quá 2°C mà cộng đồng quốc tế đang hướng đến, sau thỏa thuận tại hội nghị Copenhagen 2009, là một viễn cảnh chứa nhiều hiểm họa.

Nhà khí hậu học James Hansen
Nhà khí hậu học James Hansen Wikipedia
Quảng cáo

Trong một xuất bản công bố mới đây trên tạp chí khoa học PLOS ONE, cùng với Jeffrey Sach, giám đốc Viện Trái đất ở đại học Columbia (New York), cựu lãnh đạo khí hậu học của Nasa nhấn mạnh, mức tăng nhiệt độ gần 1°C hiện nay - so với thời kỳ tiền công nghiệp - đã để lại những hệ quả kinh khủng đối với môi trường. Trong thời gian gần đây, băng ở hai địa cực tan ra nhanh hơn dự kiến, các đại dương a-xít hóa với tốc độ cao, các đợt nóng nắng và khô hạn kéo dài. Các hiện tượng kể trên « buộc xã hội phải đánh giá lại về việc mức tăng nhiệt độ trái đất như thế nào thì được coi là nguy hiểm ».

Theo nhà khí hậu học James Hansen, nhân loại cần phải nỗ lực để giới hạn mức nhiệt độ như hiện nay, tức là tương tự với nhiệt độ của thời kỳ mang tên « thế Holocen », một thời kỳ địa chất học khởi đầu cách đây 11.700 năm, tương ứng với thời điểm ra đời của nền văn minh của con người.

James Hansen được coi là một trong những nhà khoa học đầu tiên cảnh báo nhân loại về các tác động của con người đến Biến đổi khí hậu. Trước khi về hưu đầu năm nay, James Hansen là lãnh đạo Viện Goddard nghiên cứu không gian của Nasa.

Châu Âu sẽ phải chịu những đợt mưa lớn kéo dài và khô hạn nặng nề hơn

Một dự án nghiên cứu quy mô lớn và có độ chính xác chưa từng có về khí hậu Châu Âu (trong khuôn khổ nghiên cứu quốc tế mang tên Cordex), vừa được công bố hôm qua, 02/12. Dự án Euro-Cordex khẳng định các dự báo của Giec về Biến đổi khí hậu hồi tháng 9, nhưng đưa ra những mô tả tinh vi hơn.

Các dữ liệu mà Euro-Codex cung cấp mang lại các kịch bản khác nhau về Biến đổi khí hậu với độ phân giải 12 km, mức nhỏ nhất từ trước đến nay. Các phân tích đầu tiên cho thấy Châu Âu trong những thập niên tới sẽ phải hứng chịu nhiều đợt mưa lớn kéo dài và khô hạn nặng nề hơn.

Biến đổi khí hậu không còn là mối quan tâm số một của công chúng Pháp

Theo AFP, trong hội thảo về khí hậu do hiệp hội « Khí tượng và khí hậu » tổ chức tại Paris hôm nay 03/12, các chuyên gia ghi nhận thái độ bất lực của công chúng hiện nay trước vấn đề Biến đổi khí hậu.

Theo ông Daniel Boy, phụ trách cuộc điều tra thường niên cho Adem (Cơ quan môi trường và làm chủ năng lượng) về thái độ của người Pháp đối với hiệu ứng nhà kính, thì trong những năm gần đây, việc khí hậu trái đất bị hâm nóng không còn là mối quan tâm số một như trong những năm 2007-2009. Cho dù Biến đổi khí hậu vẫn là một mối bận tâm chính, cùng với các quan tâm về chất lượng không khí, chất lượng nước. Kết quả điều tra 2013, vừa được công bố hôm nay, cho thấy quan tâm số một của đa số người Pháp là việc làm và khả năng mua sắm. Theo chuyên gia kể trên, đây là hệ quả của thất bại tại hội nghị Copenhagen và cuộc khủng hoảng kinh tế từ 2008 đến nay.

Các nhà khoa học ngày càng quan tâm đến khoảng cách giữa các báo động mà các nhà khí hậu học đưa ra và mức độ tiếp nhận của xã hội. Theo các nhà nghiên cứu, con người bình thường không « được trang bị » sẵn để có thể đáp ứng được tốt nhất với một hiện tượng mang tính tổng thể như khí hậu, mà những hậu quả thường là vượt quá khuôn khổ của một đời người. Đặc biệt, chúng ta có xu hướng giảm thiểu những mối hiểm nguy nào có mâu thuẫn với các lợi ích khác của bản thân, ví dụ như lối sống chẳng hạn. Về giới trẻ, một nhà xã hội học ghi nhận các thanh niên hiện nay ý thức được về các hệ quả của hiệu ứng nhà kính và Biến đổi khí hậu, nhưng họ thường xuyên có « một cảm giác bất lực ».

Ông Jean Jouzel, thành viên văn phòng Giec, nhấn mạnh đến tính khẩn thiết của việc « đặt trở lại vấn đề Biến đổi khí hậu vào trung tâm của các quan tâm hiện nay », trong bối cảnh nước Pháp đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh về khí hậu vào năm 2015.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.