Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Nga dùng đòn kinh tế cầm chân Ukraina

Đăng ngày:

Nga dùng đòn kinh tế phá lễ đính hôn giữa Ukraina với Liên Hiệp Châu Âu, được tổ chức tại Vilnius cuối tháng 11/2013. Trong lúc tình hình nội bộ dầu sôi lửa bỏng, tổng thống Ianoukovitch đến Matxcơva tiếp kiến tổng thống Nga Putin. Vì sao Ukraina không thể tách rời khỏi nước Nga và tại sao Matxcơva không thể để cho Kiev xích lại gần Bruxelles ? Nga sử dụng những chiến thuật nào để thuyết phục Ukraina hoãn ký kết hiệp ước đối tác với Liên Hiệp Châu Âu ?

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (T) gặp Thủ tướng Ukraina Yuriy Boiko, biệt thự Gorki, ngoại ô Matxcơva, 04/12/2013.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (T) gặp Thủ tướng Ukraina Yuriy Boiko, biệt thự Gorki, ngoại ô Matxcơva, 04/12/2013. REUTERS/Dmitry Astakhov/RIA Novosti/Pool
Quảng cáo

Khí đốt của Nga, một vũ khí lợi hại

60 % khí đốt tiêu thụ trên thị trường nội địa Ukraina được nhập từ Nga. Sự lệ thuộc quá lớn này khiến khí đốt trở thành vũ khí lợi trong tay Matxcơva khi cần thương lượng với Kiev. Vào tuần trước, trong lúc hàng trăm ngàn người liên tục tuần hành trên đường phố Kiev phản đối chính phủ dời lại dự án xích lại gần Liên Hiệp Châu Âu, thì cùng lúc tập đoàn Gazprom của Nga thông báo đồng ý cho Naftogaz của Ukraina thêm thời hạn đến mùa xuân sang năm thanh toán hóa đơn mua khí đốt hồi tháng 8/2013, trị giá 882 triệu đô la.

Không một ai tin rằng Gazprom đã tình cờ trở nên tử tế hơn với chính quyền của tổng thống Ianoukovitch.

Mới chỉ vào tháng 10/2013 Gazprom dọa cắt ống dẫn khí cho Ukraina và thậm chí còn đòi từ nay trở đi bắt Ukraina phải thanh toán trước rồi mới giao hàng sau. Viễn cảnh chiến tranh khí đốt giữa hai nước láng giềng này lại mở ra.

Năm 1991, 95% khí đốt của Nga xuất khẩu ra nước ngoài phải chung chuyển qua Ukraina. Đổi lại tập đoàn Gazprom chấp thuận bán khí đốt cho Ukraina với giá thấp hơn so với giá thị trường. Dù vậy Ukraina do phải đương đầu với những khó khăn kinh tế triền miên, vẫn không thanh toán đúng hạn kỳ cho Gazprom.

Từ gần một chục năm qua, Ukraina thường xuyên bị đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt. Kiev đã trải qua ba cuộc khủng hoảng khí đốt (2005-2006/ 2007-2008/ 2008-2009). Kể từ khi Nga giảm bớt mức độ lệ thuộc của mình vào các đường ống dẫn khí đốt đi ngang qua lãnh thổ Ukraina, quốc gia này phải mua khí đốt của Nga với giá cao hơn.

Các dự án Blue Stream, đi ngang qua Thổ Nhĩ Kỳ, North European Gas Pipeline đi xuyên qua lòng biển Baltic hay những đường ống được đào trong lòng Hắc Hải đã liên tục nối đuôi nhau ra đời. Nga không còn lý do để dành cho Ukraina chính sách giá cả « ưu đãi ».

Thực ra từ mùa hè vừa qua, Nga đã đánh tiếng qua Armenia, để gửi đến Ukraina một tín hiệu. Theo đó Matxcơva thông báo bán khí đốt và vũ khí cho Arménia với giả rẻ hơn so với thị trường. Đồng thời Armenia mua vũ khí của Nga với giá giống như của các tập đoàn Nga cung cấp cho thị trường nội địa. Hai cử chỉ đó của chính quyền Matxcơva đã khiến Erevan ngay từ tháng 9/2013 quyết định gia nhập Liên minh Thuế quan do Matxcơva đề xuất cùng với hai đối tác khác là Kazakhstan và Belarus.

Thuế hải quan đánh vào khí đốt của Nga bán cho chính quyền Erevan từ mùa hè năm nay đột ngột giảm 30 %. Vào lúc Ukraina phải chi ra 410 đô la để mua 1000 mét khối khí đốt của Nga, thì Armenia chỉ phải trả có 190 đôla.

Khí đốt của Nga bán cho Belarus rẻ hơn 40 % so với giá cung cấp cho Ukraina

Không chỉ ép Ukraina về mặt giá cả, Matxcơva còn làm tất cả để loại mọi khả năng hợp tác giữa Ukraina với Liên Hiệp Châu Âu trong lĩnh vực năng lượng. Theo các nguồn tin báo chí, Kiev không chỉ hoãn lại dự án ký két hiệp ước đối tác với Bruxelles mà còn đang chuẩn bị rút lui khỏi một dự án hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với châu Âu.

Như đã biết Ukraina là cửa ngõ để khí đốt từ Nga được chuyển tới các nước tây Âu. Hệ thống chung chuyển khí đốt đi qua lãnh thổ Ukraina cần được hiện đại hóa và nâng cấp qua hàng loạt các chương trình đầu tư khá tốn kém. Để bảo đảm khí đốt của Nga đến được tay người tiêu dùng ở Tây Âu, Liên Hiệp Châu Âu đề nghị hợp tác tay ba với cả Kiev lẫn Matxcơva. Thế nhưng Nga đã bằng mọi giá gạt hẳn Liên Hiệp Châu Âu ra ngoài, để độc quyền kiểm soát hệ thống đường ống dẫn khí của Nga sang Tây Âu.

Vẫn theo tiết lộ của báo chí, ngày 29/11/2013, chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn Gazprom, Alexei Miller, thậm chí còn đòi Ukraina điều chỉnh luật để cho phép tư hữu hóa các đường ống dẫn khí đốt, nhưng chỉ mở cửa cho các nhà đầu tư Nga mà thôi.

Theo lời phó chủ tịch Viện nghiên cứu độc lập Gorshenin của Ukraina, ngoài sự lệ thuộc về khí đốt, Nga và Ukraina còn có một mối quan hệ mật thiết trong các lĩnh vực kinh tế khác. Chính quyền của tổng thống Ianoukovitch đang chuẩn bị chuyển nhượng cho các nhà đầu tư Nga nhiều tập đoàn nhà nước mang tính chiến lược đối với sự sống còn của nền kinh tế Ukraina.

Cụ thể là ngày 02/12/2013 phó thủ tướng Ukraina Yuri Boyko tiếp đồng nhiệm Nga, Dmitri Rogozine với một mục tiêu duy nhất : giới thiệu những tập đoàn sản xuất của Ukraina có nhiều tiềm năng chiến lược tại các thành phố từ Nikolaev đến Dnepropetrovsk và đương nhiên là kể cả những con chim đầu đàn của nền công nghiệp Ukraina tại thủ đô Kiev.

Nga đang nhòm ngó các doanh nghiệp của Ukraina từ ngành phân bón, hàng không, không gian đến công nghiệp nặng.

Chiến tranh sôcôla

Ngoài khí đốt và các ngành như công nghiệp hàng không, không gian, Nga còn đánh cả vào những sản phẩm khác để thuyết phục Ukraina xa rời Liên Hiệp Châu Âu. Thông tín viên của đài RFI từ Matxcơva, Murielle Pompone tường thuật lại chiến tranh sôcôla giữa Matxcơva và Kiev :

« Sôcôla Ukraina không được phép nhập vào Nga từ cuối tháng 7. Lý do chính thức : không tuân thủ chuẩn mực vệ sinh của Nga. Xuất khẩu bánh kẹo Ukraina giảm 25 % với lệnh cấm bán vào thị trường Nga. ¼ xuất khẩu của Ukraina được dành cho thị trường Nga, tương đương với 11 tỷ đô la. Để so sánh, cần biết rằng Ukraina cần 20 tỷ đô la tránh để bị phá sản. Cũng dưới áp lực của Matxcơva trao đổi mậu dịch giữa Ukraina với Cộng đồng các quốc gia độc lập cũng đã giảm đi mất 25 % trong vài tháng qua.

Hiện tại, các doanh nghiệp Ukraina nợ ngành ngân hàng Nga khoảng 20 tỷ đô la. Trên thực tế Nga dùng lá bài ‘cây gậy và củ cà rốt’ để buộc chân Ukraina. Hay nói đúng hơn là Matxcơva dọa nhiều hơn dụ Kiev. Chẳng hạn như là Nga bán khí đốt cho Ukraina với cùng một giá như là bán cho Liên Hiệp Châu Âu. Ukraina không được giảm giá chút nào mà vẫn thường xuyên bị dọa cắt nguồn cung cấp. Ukraina phải mua khí của Nga với giá 410 đô la/ 1000 mét khối. Tổng thống Ukraina cho rằng, 300 đô là cái giá phải chăng. Không hiểu do một sự tình cờ nào mà tập đoàn Gazprom của Nga đã đàm phán với Ukraina để hạ giá bán khí đốt cho Ukraina, đúng vào lúc mở ra hội nghị Vilnius ».

Ukraina đi theo Liên Hiệp Châu Âu, được hay mất những gì ?

Tuy được đánh giá là một nền kinh tế có nhiều tiềm năng, nhưng Ukraina đang phải trực diện với nhiều khó khăn: tăng trưởng sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát lại tăng cao. Cơ cấu kinh tế lệ thuộc quá nhiều vào một vài lĩnh vực - chủ yếu là khoáng sản và năng lượng. Về phương diện mậu dịch, Ukraina lệ thuộc vào một vài nhà cung cấp và một số khách hàng quan trọng - chủ yếu là Nga và các nước từng thuộc Liên Xô cũ.

Trong bối cảnh đó Kiev đặt điều kiện, đòi Liên Hiệp Châu Âu trợ giúp tài chính trước khi ký kết hiệp ước đối tác với Bruxelles. Đồng thời chính quyền của tổng thống Ianoukovitch vẫn chờ đợi rất nhiều từ phía Matxcơva.

Đáp lại yêu cầu của Kiev, Bruxelles dứt khoát trả lời là sẽ không cấp viện trợ cho Ukraina. Nhưng đổi lại hiệp ước đối tác với Bruxelles sẽ mở đường cho việc xây dựng khu vực tự do mậu dịch giữa Ukraina với Liên Hiệp Châu Âu. Khi đó Liên Hiệp Châu Âu sẽ xóa bỏ 98 % các hàng rào quan thuế cho hàng của Ukraina nhập vào châu Âu.

Tóm lại thì hàng năm Ukraina sẽ thu vào được thêm gần 500 triệu euro nhờ xóa bỏ các rào cản thương mại. Đổi lại Bruxelles đòi hỏi Kiev phải chịu khó hy sinh trong một vài năm tới, tức là giảm bớt bội chi ngân sách và tăng giá khí đốt trên thị trường nội địa. Những đòi hỏi này không hấp dẫn trong mắt các nhà cầm quyền ở Kiev.

Trong khi đó thì Nga « cụ thể hơn ». Matxcơva hứa đầu tư hàng chục tỷ đô la vào Ukraina và bảo đảm cho ông Victor Ianoukovitch tiếp tục giữ chiếc ghế tổng thống sau cuộc bầu cử 2015 mà không cần phải tiến hành cải tổ.

Bài toán của tổng thống Ianoukovitch khá đơn giản : chạy theo Liên Hiệp Châu Âu thì sẽ có lợi về lâu dài, còn đi với Nga thì cái lợi ở ngay trước mắt.

Quá khứ lịch sử và tính toán chiến lược

Ngoài những tính toán kinh tế Nga và Ukraina như buộc chặt số phận với nhau. Nhà chính trị học Emmanuelle Armandon, chuyên nghiên cứu về Ukraina, giảng dậy tại Viện Nghiên cứu về Ngôn ngữ và Văn hóa đông phương, INALCO phân tích :

« Để hiểu được quan hệ giữa Ukraina với Nga, vì sao Matxcơva không muốn Kiev xích lại gần với Liên Hiệp Châu Âu, cần trở lại thời kỳ Liên Xô cũ bị sụp đổ : thực ra cho đến giờ, Matxcơva vẫn chưa chấp nhận việc Ukraina tách rời khỏi Nga để trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1991. Trước đây Ukraina luôn là niềm tự hào của nước Nga. Một phần lớn dư luận luôn xem Ukraina là một thành phần không thể tách rời của Nga. Giới này vẫn cho rằng tiếng Ukraina chỉ là một loại thổ ngữ của một vùng đất trực thuộc Nga mà thôi »

Tháng 7/2013 tổng thống Putin công du Ukraina và đã tuyên bố rõ ràng : « Người dân Nga và Ukraina tuy sống ở hai quốc gia khác nhau, nhưng cùng là một dân tộc. Ukraina và Nga từng có chung một lịch sử và sẽ còn tiếp tục cùng nhau hướng về một tương lai ».

Thật ra từ 1991 khu Ukraina được độc lập, tất cả các lãnh đạo Nga đều nỗ lực duy trì Ukraina trong vòng ảnh hưởng của Matxcơva, chuyên gia về Ukraina tại viện INALCO, Emmanuelle Armandon, giải thích thêm :

« Một cách tổng quát hơn, phải nói là từ khi Liên Xô cũ sụp đổ, một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Matxcơva luôn là duy trì Ukraina trong tầm kiểm soát của Nga. Nga luôn xem Ukraina và các nước thuộc Liên Xô cũ là nơi mà nước Nga đương nhiên có tầm ảnh hưởng lớn. Điều này giải thích vì sao Matxcơva không thể chấp nhận để cho Liên Hiệp Châu Âu mở rộng biên giới về hướng đông.

Cần nhắc lại rằng vào những năm 1990, sau khi giành được độc lập, Kiev luôn giữ khoảng cách với Matxcơva. Trong khi đó thì Nga không ngừng dùng lá bài kinh tế để giữ chân Ukraina trong vòng kềm tỏa của mình. Nga đã thất bại trong việc lôi kéo Ukraina vào Cộng đồng các quốc gia độc lập và cũng chính sự vắng mặt của Ukraina đã làm mất đi tính chính đáng của Cộng đồng này. Sự vắng mặt của Ukraina cũng đã làm giảm thiểu uy tín của Nga đối với các nước trong vùng ».

Tựu chung ngày nào mà Matxcơva vẫn coi Ukraina là vùng sân sau của mình thì Kiev khó có thể quay lưng lại với Nga để đi theo Liên Hiệp Châu Âu. Hơn nữa Ukraina lại còn là chủ bài trong chiến lược chinh phục lại những vùng đất đã mất kể từ sau khi Liên Xô cũ sụp đổ của nhiều thời tổng thống Nga.

Người ta ví von, Ukraina như một cô gái đang kén chồng. Liên Hiệp Châu Âu và Nga cùng muốn chinh phục trái tim của người đẹp. Nhưng rồi có lẽ Ukraina sẽ không thể đi theo phe nào, bỏ lại bên nào. Giải pháp tốt nhất là Kiev phải tìm được một thế cân bằng trong quan hệ -từ kinh tế đến chiến lược- giữa Bruxelles với Matxcơva.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.