Vào nội dung chính
BRAZIL - THỂ THAO

World Cup 2014 : Brazil, thực tế phũ phàng

Ukraina tiếp tục là chủ đề chính bao phủ lên các tờ báo Pháp trong ngày. Nhưng có lẽ phần trang xã hội của các báo phong phú và thu hút độc giả nhiều hơn các đề tài chính trị. Trước hết xin đưa bạn nghe đài đến với Brazil, nơi người dân ngày càng bất bình trước những « phí tổn về tài chính và thiệt hại nhân mạng » trước Cúp Bóng đá thế giới 2014.

Một góc mái che sân vận động Sao Paulo, Brazil, bị sụp đổ, (ảnh chụp 28/11/2013)
Một góc mái che sân vận động Sao Paulo, Brazil, bị sụp đổ, (ảnh chụp 28/11/2013) REUTERS/Paulo Whitaker
Quảng cáo

Thông tín viên của báo Le Monde từ Rio de Janeiro nhắc lại : Trong đợt bắt thăm vào tuần trước, Brazil đã vui mừng vì sẽ gặp những đối thủ tương đối « trong tầm tay ». Thế nhưng chỉ ba ngày sau, cổ động viên của hai đội bóng Brazil đã đánh nhau dữ dội trong một trận đấu. Máu đổ dưới sự bất lực của cảnh sát, ba người bị thương nặng. Vài tháng trước lễ khai mạc Cúp bóng đá thế giới, thái độ đó của những người yêu thể thao làm xấu đi hình ảnh của nước chủ nhà. Báo chí Brazil cho biết, trong năm nay, đã có khoảng 30 người thiệt mạng trong khuôn viên các sân vận động. Con số này cao gấp 7 lần so với năm 2012.

Cuối tháng trước, tại Sao Paulo, 2 công nhân thiệt mạng trên công trường sân vận động. Đây là nơi tổ chức lễ khai mạc World Cup. Tai nạn nói trên, theo Le Monde, càng làm lộ rõ cái giá mà Brazil phải trả để được tổ chức sự kiện thể thao trọng đại này. Hiện tại, tất cả các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng đều bị chậm trễ. Bản thân Liên đoàn Bóng đá Thế giới nhìn nhận là sân vận động ở Sao Paulo sẽ không thể hoàn tất trước cuối tháng 4/2014, tức là chỉ vài tuần trước Cúp bóng đá 2014.

Các phí tổn để xây dựng sân vận động lên tới 8 tỷ real –tương đương với 2,5 tỷ euro. Như vậy, so với con số được đưa ra cách nay đúng một năm, chi phí đã tăng thêm 1 tỷ nữa. Brazil đầu tư tổng cộng là 25 tỷ real để chuẩn bị cho Cúp Bóng đá thế giới sang năm.Trong số đó chỉ có 15 % là sẽ do các nhà tài trợ tư nhân đài thọ. Phần còn lại sẽ do người dân Brazil hứng chịu. Le Monde nhắc lại rằng, vào tháng 10 sang năm, Brazil sẽ bầu lại Tổng thống. Chưa chắc là cử tri xứ này còn hào hứng ủng hộ đảng cầm quyền, khi họ phải đóng thuế nhiều hơn để chia sẻ gánh nặng mà Cúp bóng đá 2014 để lại !

Cuộc nổi dậy ở miền nam Thái Lan bị chìm vào quên lãng

Trở về với Châu Á, phụ trang địa chính trị của tờ Le Monde dành ba trang để nhìn về miền nam Thái Lan. Khủng hoảng chính trị tại Bangkok làm lu mờ thảm cảnh của người dân ở miền nam nước này : Bất ổn trong vùng kéo dài từ năm 2004 do xung đột giữa quân đội Thái với thành phần Hồi giáo đòi ly khai. Pattani, Yala và Narathiwat là ba tỉnh bị rúng động nhiều hơn cả. Khoảng 6000 người thiệt mạng trong gần một chục năm qua. Tại ba tỉnh này 80 % dân số là người Hồi giáo.

Tác giả bài báo, Bruno Philip, nhắc lại : Bạo động ngày nay bắt nguồn từ năm 1909 khi ba tỉnh nói trên bị tách rời khỏi Malaysia để sáp nhập vào với Vương Quốc Xiêm. Về mặt sắc tộc, dân cư ở những nơi này là người Mã Lai. Về tôn giáo thì họ theo đạo Hồi. Chính phủ Thái gần đây đã tiến hành đàm phán để tái lập trật tự tại ba tỉnh ở miền nam. Thậm chí Bangkok còn nhờ Malaysia đứng ra làm trung gian, để thuyết phục phe nổi dậy buông súng.

Vấn đề đặt ra là các nhóm võ trang không muốn để « tình hình lắng xuống ». Các vụ thanh toán thường xuyên xảy ra như cơm bữa. Phóng viên của tờ Le Monde đưa ra con số mỗi ngày có trung bình từ 3 đến 5 người thiệt mạng ở miền nam Thái Lan. Nạn nhân có thể là một viên cảnh sát hay một người lính. Nhưng đó cũng có thể là một thường dân bị thiệt mạng trong các vụ thanh toán giữa các băng đảng.

Một chuyên gia về tình hình ở miền nam Thái Lan được Le Monde trích dẫn lưu ý : Đừng quên rằng, nhiều vụ thanh toán trong vùng không hề mang ý nghĩa chính trị, mà đó chỉ là những hành động "té nước theo mưa". Người ta có thể sát hại lẫn nhau vì một tranh chấp nào đó. Đó có thể là các vụ thanh toán giữa các tay trộm cướp, hay buôn lậu ma túy, tội phạm …

Phóng viên của tờ Le Monde kết luận : Đàm phán để đem lại hòa bình và ổn định cho khu vực miền nam Thái Lan đang lâm vào bế tắc. Cộng đồng quốc tế quên hẳn rằng xung đột còn đang tiếp tục làm đổ máu tại vùng đất này.

Nhức đầu với Ukraina

Trở lại với hồ sơ nóng trong ngày : Ukraina. Sau ba tuần lễ người dân ở thủ đô Kiev liên tục xuống đường đòi Tổng thống từ chức, báo La Croix đặt câu hỏi « Làm sao thoát khỏi khủng hoảng ? » : Dân chúng Ukraina vẫn chưa chấp nhận trông thấy cơ hội xích lại gần với Liên Hiệp Châu Âu bị bỏ lỡ.

Ở trang trong tờ báo phác họa ra ba kịch bản : Một là khủng hoảng kéo dài. Hai là người biểu tình giành được thắng lợi. Còn kịch bản thứ ba là chính quyền Kiev sẽ thẳng tay đàn áp phong trào nổi dậy. Kịch bản thứ ba này chỉ diễn ra một khi Ukraina đã đạt được một thỏa thuận với Nga. Chính vì vậy, trong bài xã luận mang tựa đề « Mục đích dân chủ », tờ báo cho rằng lối thoát duy nhất đặt ra với Kiev là đảng cầm quyền phải dung hòa được giữa một bên là « sự gần gũi (chính trị, kinh tế và lịch sử) với Nga, và bên kia là nguyện vọng của quần chúng » muốn hướng tới tự do và dân chủ.

Liên Hiệp Châu Âu là biểu tượng của cả hai nguyện vọng đó. Vì vậy, theo tác giả bài báo, vào thời điểm này, Ukraina đang cần đến Liên Hiệp Châu Âu. Bruxelles nên hỗ trợ đòi hỏi tự do và dân chủ của người dân Ukraina, giúp quốc gia này bớt lệ thuộc tài chính vào Nga. Liên Hiệp Châu Âu cần tạo điều kiện để Ukraina có thể xích lại gần với Tây Âu. Le Monde cũng đưa ra cùng quan điểm : Liên Hiệp Châu Âu cần đưa ra một tín hiệu mạnh, « tránh để Ukraina rơi vào một chế độ toàn trị ».

Trang nhất của tờ Libération cũng dành để nói về Ukraina : Giới trẻ Ukraina đang ngày đêm trụ tại quảng trường Độc Lập ở Kiev để bày tỏ nguyện vọng được tham gia Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng tờ báo tiếc là Bruxelles còn quá « thận trọng » và các thành viên trong Liên Hiệp còn quá chia rẽ về hồ sơ này : Ba Lan, Rumani cũng như các quốc gia vùng Baltic từng trải qua kinh nghiệm để thừa hiểu rằng, Matxcơva không bao giờ từ bỏ mục tiêu duy trì ảnh hưởng đối với những vùng đất mà Nga luôn coi là những « láng giềng sát cạnh ».

Chỉ trong trường hợp gia nhập Liên Hiệp Châu Âu hay NATO họ mới có thể thoát khỏi nanh vuốt của Nga. Trong khi đó, các nước Tây Âu lại có những cái nhìn khác nhau về Matxcơva : Đức không muốn gây phiền toái với Nga vì sợ sẽ ảnh hưởng tới quan hệ thương mại song phương. Một số nước khác thì cảm thấy không mấy liên quan vì họ cách khá xa nước Nga và cả Ukraina.

Mở lại Le Monde, tờ báo có bài khá châm biếm, xoay quanh nhân vật chính là con trai Tổng thống Ukraina. Tờ báo tiết lộ, con trai của Tổng thống Victor Ianoukovitch là Olexandre đang làm chủ một tài sản 500 triệu đô la. Sự nghiệp của Olexandre như « diều gặp gió » trong ba năm qua. Nhân vật này đang « ở giữa trung tâm quyền lực » Ukraina. Tài sản kếch sù đó của Olexandre sẽ bị đe dọa, nếu như Ukraina nghiêng về phía Liên Hiệp Châu Âu. Tờ báo kết luận : Đây là lý do giải thích được phần nào việc Kiev đã hủy lễ đính hôn với Bruxelles vào giờ chót tại Thượng định Vilnius hôm 28/11 vừa qua.

Thanh niên Pháp có xu hướng lập nghiệp ở nước ngoài

Quay lại với phần tin nước Pháp, báo Le Figaro ngay trên trang nhất chú ý đến hiện tượng ngày càng có nhiều thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 35 muốn ra nước ngoài sinh sống. Đơn xin nhập cảnh vào Canada, Mỹ và kể cả Trung Quốc tăng vọt trong những tháng qua.

Trong vòng một năm, số người xin sang Canada làm việc tăng thêm 10 %. Trong năm 2012 đã có tới 20.000 công dân Pháp sang Úc sinh sống. Cùng thời kỳ, thị trường lao động Mỹ mở cửa đón nhận 125.000 bạn trẻ Pháp. Thụy Sĩ được coi là thiên đường trong mắt người lao động. Đây là nơi tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,2 %.

Nhìn sang Châu Á, dù nổi tiếng là bị ô nhiễm môi trường, Trung Quốc vẫn là « vùng đất hứa » đối với thanh niên Pháp mới vừa tốt nghiệp. Tỷ lệ tăng trưởng hơn 7 % một năm của Trung Quốc vẫn làm mê hoặc. Theo thống kê chính thức có khoảng 30.000 người Pháp đang làm việc hoặc theo học tại Trung Quốc, nhưng trên thức tế thì con số đó ở vào khoảng 45.000. Theo báo Le Figaro, hầu hết những người này sống tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Hồng Kông.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.