Vào nội dung chính
NGA - KINH TẾ

Putin đòi đánh thuế các công ty Nga ở hải ngoại

Trong diễn văn thường niên về tình hình Liên bang vào hôm nay, 12/12/2013, Tổng thống Nga Valdimir Putin đã bất ngờ từ bỏ các lập luận thông thường, đổ lỗi cho các yếu tố mang tính chu kỳ ở bên ngoài, để biện minh cho tình trạng suy thoái trong nước. Trái lại, ông đã công nhận các thiếu sót nội tại, sự lệ thuộc quá đáng vào xuất khẩu năng lượng, và cho rằng cần phải tìm kiếm các « yếu tố mới » để vực dậy nền kinh tế đang phát triển èo uột. Theo dự báo chính thức, tăng trưởng kinh tế Nga năm nay chỉ đạt 1,4%.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc thông điệp Liên bang hàng năm, tại điện Kremlin, Matxcơva, 12/12/2013
Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc thông điệp Liên bang hàng năm, tại điện Kremlin, Matxcơva, 12/12/2013 REUTERS
Quảng cáo

Một trong những nhân tố mới được lãnh đạo Nga đề xuất là buộc các công ty ở hải ngoại thuộc quyền sở hữu của người Nga, phải nộp tiền thuế vào ngân sách quốc gia, vốn đang hết sức cần được bù đắp. 

Ông Putin đã than phiền rằng, theo ước tính của các chuyên gia, vào năm ngoái, đã có đến 111 tỷ đô la hàng hóa Nga - một phần năm tổng kim ngạch xuất khẩu - và một nửa trong số 50 tỷ đô la đầu tư của Nga ra nước ngoài đã được giao dịch thông qua các công ty Nga ở hải ngoại. Trên nguyên tắc, các công ty này không phải nộp thuế tại Nga. 

Đối với ông Putin, trong tương lai, các công ty mà chủ sở hữu là người Nga, nhưng đăng ký ở nước ngoài, sẽ phải nộp thuế vào ngân sách của Nga và chính phủ sẽ phải tạo ra một hệ thống để thực hiện điều đó. 

Tổng thống Nga cảnh cáo : « Quý vị muốn thành lập công ty ở hải ngoại ? Quý vị sẽ được hoan nghênh. Nhưng quý vị phải trả tiền ở đây ». 

Phải nói là các công ty Nga hiện nổi tiếng thế giới về việc chuyên đăng ký trụ sở ở nước ngoài và sử dụng các thiên đường thuế như Đảo Síp để tránh phải nộp thuế ở Nga. 

Ông Putin đã gay gắt nhắc lại thương vụ lịch sử của Tập đoàn dầu hỏa Nhà nước lớn là Rosneft, trong năm nay, đã bỏ ra đến 45 tỷ đô la tiền mặt để mua lại TNK-BP. Điều khiến Tổng thống bực bội là giao dịch đó là được thực hiện bên ngoài vùng thẩm quyền của Nga. 

Theo các nhà phân tích, thất bại của ông Putin trong việc tiến hành cải cách trong khoảng một chục năm ông lãnh đạo nước Nga đã để lại một nền kinh tế yếu kém, phải đối mặt với tăng trưởng thấp trong vài năm tới đây vì bị lệ thuộc vào xuất khẩu năng lượng. 

Cho dù vậy, vào hôm nay, Tổng thống Nga vẫn xác định rằng cần phải nhanh chóng phát triển vùng Siberia và vùng Viễn Đông Nga. Theo ông : « Đây là ưu tiên quốc gia của chúng ta trong thế kỷ XXI. Sự chuyển hướng của Nga qua vùng Thái Bình Dương, sự phát triển năng động của các lãnh thổ phía đông của chúng ta, sẽ không chỉ mở ra cơ hội kinh tế mới, chân trời mới, mà còn cung cấp cho chúng ta những công cụ để bổ sung cho chính sách đối ngoại ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.