Vào nội dung chính
QUỐC TẾ - CHÍNH TRỊ

Tám vấn đề lớn chi phối quan hệ quốc tế năm 2014

Nhật báo kinh tế Les Echos có hồ sơ đáng chú ý mang tựa đề « Tám vấn đề địa chính trị lớn chi phối các quan hệ quốc tế năm 2014 ». Bài viết nêu lên các câu hỏi lớn sẽ là trọng tâm của hội nghị chính trị quốc tế World Policy Conference lần thứ sáu, diễn ra trong ba ngày – từ hôm nay 13 đến 15/12/2013 – tại Monaco, với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới.

Bích chương giới thiệu hội nghị World Policy Conference.
Bích chương giới thiệu hội nghị World Policy Conference. DR
Quảng cáo

World Policy Conference là hội nghị thường niên được tổ chức theo sáng kiến của Học viện Quan hệ Quốc tế Pháp, mà báo Les Echos là một đối tác. Theo Les Echos, hội nghị chính trị quốc tế World Policy Conference quan tâm đến tất cả năm châu lục nhưng trọng tâm chú ý của hội nghị là các cường quốc khu vực có mong muốn và khả năng hành động vì lợi ích chung, đặc biệt tại khu vực Trung Cận Đông. Phương pháp của hội nghị là tránh không tham gia trực diện vào cuộc tranh luận về thế giới đa cực hay « vô cực », bằng cách khuyến khích đối thoại và thái độ xây dựng với sự tôn trọng tất cả các bên tham gia. Nếu trong hội nghị đầu tiên năm 2008 tại Evian, tổng thống Pháp và tổng thống Nga là hai nhân vật trung tâm, thì lần này bộ trưởng ngoại giao Iran Mohammed Javad Zarif lại là người rất được mong đợi.

Trung Quốc có nguy cơ bùng nổ ? Liệu Hoa Kỳ và Iran có hòa giải được với nhau ? Hoa Kỳ có rời bỏ Cận Đông ? Tình hình của Liên Hiệp Châu Âu có hy vọng được cải thiện trong vòng một năm nữa ? Liệu các nước có thể đặt các hoạt động gián điệp mạng dưới sự kiểm soát ? Nước Nga có phải là mối đe dọa ?... Thực trạng Châu Phi và tương lai của chủ nghĩa Hồi giáo chính trị trong bối cảnh phong trào dân chủ Mùa xuân Ả Rập cũng nằm trong số các chủ đề lớn.

Về câu hỏi Trung Quốc có khả năng bùng nổ, Les Echos nhấn mạnh đến hai nguy cơ mà chính quyền Bắc Kinh phải đối mặt : các phong trào ly khai và tầng lớp bị gạt ra bên lề trong cải cách. Tình hình hiện nay tại Trung Quốc nhắc lại giai đoạn đầu những năm 2000, khi Pháp Luân Công, phong trào tôn giáo có mầu sắc Phật giáo, thu hút rất đông đảo người Trung Quốc, phơi bày trước toàn thế giới sự mong manh của chế độ. Les Echos bình luận : việc chính quyền gia tăng kiểm soát internet chỉ bảo đảm cho chế độ một vẻ an bình bên ngoài, chứ không giúp cho Bắc Kinh tránh khỏi những làn sóng chống đối mới.

Cũng trong hồ sơ này, có bài « Không ai muốn chiến tranh tại vùng biển Trung Quốc ». Les Echos phỏng vấn ông Thierry de Montbrial, người sáng lập và giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), cơ sở tổ chức hội nghị chính trị quốc tế nói trên. Giám đốc Viện IFRI ghi nhận, sức mạnh gia tăng của Trung Quốc khiến Nhật Bản trở nên gần gũi hơn với Hoa Kỳ, Việt Nam và Ấn Độ, một chiến lược ngăn chặn đang phát triển. Tuy nhiên, theo lãnh đạo IFRI, tình hình này không phải là chiến tranh lạnh, vì Hoa Kỳ cần một Trung Quốc « mạnh về kinh tế » và phía Trung Quốc cũng muốn yên ổn trong hai ba thập niên nữa.

Bình Nhưỡng loại trừ lãnh đạo số hai, Bắc Kinh hạ bệ một nhân vật đầy thế lực

Vụ chính quyền Bình Nhưỡng thanh trừng nhân vật số hai của chế độ là chủ đề quan tâm của báo Pháp. « Chế độ Bắc Triều Tiên phô bày các đàn áp chính trị tàn khốc » là hàng tựa của Le Monde. Cũng trong hồ sơ này còn có bài « Tại Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un tiếp tục chiến dịch thanh trừng để củng cố quyền lực », với nhận định « một cuộc cách mạng cung đình » thực sự đã diễn ra với việc ông Jang Song-taek – nguyên là nhân vật đầu não của chế độ - vừa bị loại trừ. Cuộc thanh trừng kể trên gây lo ngại sẽ có những biến động lớn tại Bắc Hàn. Le Monde cũng đưa ra một đánh giá khác của một nhà nghiên cứu Viện Sejong (Hàn Quốc), theo đó, việc lãnh đạo số hai Bắc Triều Tiên bị thanh trừng không có nhiều hệ quả chính trị, vì trên thực tế « ông Jang Song-taek ít quan trọng hơn người ta nghĩ », còn lãnh đạo Kim Jong-un khó trở lui trong các cải cách kinh tế hiện nay. Chỉ có điều Trung Quốc đã mất đi một nhân vật thân cận tại Bắc Hàn.

Về phần Trung Quốc, « Một cựu ‘‘hổ’’ của chế độ Trung Quốc bị hạ bệ » là hàng tựa của Le Figaro. Tiếp sau vụ Bạc Hy Lai, đến lượt vụ Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường trực Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, gây chấn động Trung Quốc. Chu Vĩnh Khang là thành viên duy nhất của Ban thường trực Bộ chính trị bỏ phiếu chống lại việc loại trừ Bạc Hy Lai trước đây. Trước khi về hưu, ông Chu Vĩnh Khang là người lãnh đạo đầy thế lực của ngành an ninh tại Trung Quốc. Việc hạ bệ ông Chu Vĩnh Khang có thể gây ra nhiều xáo động trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi nhân vật này vẫn còn duy trì nhiều ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo một nguồn tin của Reuters, hiện tại ông Chu Vĩnh Khang đã hết thế lực, vấn đề là chủ tịch Trung Quốc có muốn triệt hạ hoàn toàn ông ta hay không. Theo giới quan sát chính trị, việc đưa Chu Vĩnh Khang ra xét xử có thể gây bất ổn trong hàng ngũ đảng viên 80 triệu người của đảng Cộng sản, khiến cuộc đấu tranh giữa các phe phái trong đảng thêm khốc liệt…. Giả thiết này hiện còn để ngỏ. Trên thực tế, ông Tập Cận Bình đã đoạn tuyệt với quy tắc bất thành văn trong đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ Cách mạng Văn hóa, là không đụng đến các cựu lãnh đạo của đảng khi họ đã về nghỉ hưu.

Thái Lan : « Giới quý tộc ngăn cản các giai tầng mới nổi nắm quyền »

Một điểm nóng khác tại Châu Á là Thái Lan. Về chủ đề này báo l’Humanité có bài phỏng vấn một lãnh đạo chính trị Thái Lan. Bài viết mang tựa đề « Giới quý tộc ngăn cản các giai tầng mới nổi lên nắm quyền ». Trong bối cảnh hết sức căng thẳng hiện nay tại Thái Lan, sau khi Quốc hội bị giải tán, bà Thida Thavomseth - chủ tịch Mặt trận thống nhất vì nền dân chủ và chống độc tài (mà thành viên chủ yếu thuộc phe Áo Đỏ) - lo ngại một cuộc đảo chính có thể nổ ra.

Lãnh đạo Mặt trận thống nhất vì nền dân chủ và chống độc tài, thân chính phủ, nhận định rằng thực chất của xung đột tại Thái Lan hiện nay là giữa phe bảo thủ và những người ủng hộ dân chủ. Theo bà, Hiến pháp Thái Lan cách đây 80 năm đã cho ra đời một nền quân chủ lập hiến, nhưng đất nước chưa đi đến được một nền dân chủ. Hiện tại, ở Thái Lan vẫn còn rất nhiều nghi ngờ đối với ý nghĩa của việc bầu cử theo lối phổ thông đầu phiếu và nguyên tắc đa số lãnh đạo. Lãnh đạo Mặt trận thống nhất vì nền dân chủ Thái Lan đưa ra một loạt bằng chứng cho thấy nhiều định chế tư pháp hiện hành được đối lập - với sự hậu thuẫn của nhiều thế lực trong chính quyền - sử dụng nhằm chống lại nỗ lực cải cách của các nghị sĩ. Hiện tại tư pháp Thái Lan đang tiến hành một tố tụng nhắm vào các nghị sĩ đề nghị cải tổ hiến pháp, với hình phạt dự kiến là loại ra khỏi đời sống chính trị trong 5 năm.

Khủng hoảng Ukraina : Đối lập gia tăng áp lực, Nga chơi dịu

Phong trào phản kháng tại Ukraina tiếp tục là chủ đề được quan tâm. Trang nhất Le Monde là hình ảnh rất đông đảo người biểu tình tập hợp trong thời tiết lạnh giá với hàng tựa « Ukraina : Cuộc kháng cự tiếp tục tại Kiev ». Tòa thị chính Kiev bị đối lập kiểm soát từ hôm chủ nhật. Nỗ lực chiếm lại của cảnh sát hôm thứ Tư không thành công. Lãnh đạo Ngoại giao Châu Âu Catherine Asthone gặp gỡ đối lập, những người biểu tình, đồng thời có hai cuộc trao đổi với tổng thống Ukraina Ianoukovitch. Tổng thống Ukraina tiếp tục chính sách tăng cường quan hệ với Nga, đồng thời có những biểu hiện sẵn sàng đàm phán tiếp với Châu Âu về hiệp ước liên kết. Một cuộc biểu tình lớn của đối lập dự kiến sẽ được tổ chức vào hôm nay tại Kiev để gây áp lực lên lãnh đạo Ukraina trước cuộc hội kiến với tổng thống Putin vào ngày 17/12. Trong khi đó, Hoa Kỳ chuẩn bị các biện pháp trừng phạt Ukraina, sau các đàn áp của cảnh sát nhắm vào người biểu tình.

Về chủ đề này, bài « Putin chơi dịu với Ukraina » của Le Figaro mô tả « con gấu Nga vừa giương móng vuốt để dọa Ukraina không được đính hôn với Châu Âu, nay lại chìa ra bàn tay nhung ». Hôm qua, trong một diễn văn thường niên hướng đến toàn quốc, tổng thống Putin nhấn mạnh Matxcơva không gây áp lực lên bất cứ ai. Trong bối cảnh Ukraina đang lâm vào khủng hoảng chính trị nặng nề, Matxcơva muốn trấn an Châu Âu. Theo tổng thống Nga, việc tăng cường hợp tác với Ukraina trong dự án liên minh Á-Âu của Matxcơva không đối lập với chủ trương hội nhập Ukraina vào Châu Âu. Tổng thống Nga Putin cũng tuyên bố Nga sẽ tiếp tục thương lượng với Châu Âu về một hiệp định trao đổi tự do song phương.

Bản sắc dân tộc…, vận mệnh của thư tay…

Thời sự nước Pháp là chủ đề trên trang nhất của hầu hết các nhật báo Pháp hôm nay. « Hội nhập : báo cáo của chính phủ cho phép mang khăn trùm (hồi giáo) trong trường học » là tựa đề trang nhất Le Figaro. « Báo cáo gây sốc » là tựa đề một bài viết của Le Figaro. Tờ báo bày tỏ lo ngại về một loạt các biện pháp do Bộ giáo dục đề nghị thực thi như xem xét lại chương trình môn lịch sử, lập ra tội danh mới « bạo hành chủng tộc »… « Phủ nhận dân tộc » là tựa đề xã luận của Le Figaro. Tờ báo thiên hữu lên án chủ trương « đảm đương bình diện Ả Rập Phương đông » của bản sắc dân tộc của bộ Giáo dục, với dự kiến tổ chức một ngày những người nhập cư và cho phép mang khăn trùm trong nhà trường…

Cũng nói đến bản sắc trước các thay đổi lớn, nhưng là trong ngành bưu điện, tờ báo thiên tả Libération chạy tựa « Bưu điện : Thư tay hay hư không » với nhận định thư viết tay chuyển thành thư điện tử hay SMS, biến chuyển này không chỉ hủy diệt ngành bưu điện mà còn làm thay đổi cả chữ viết, các liên hệ gia đình hay tình yêu… Xã luận Libération nhấn mạnh đến giá trị không gì thay thế được của thư tay, một nghi thức quan trọng trong đời sống xã hội vào những thời điểm nghiêm trọng hay hạnh phúc. Dòng chữ mang dấu ấn của bàn tay người viết cần đến thời gian để đến tay người nhận, mang theo những gì thân mật, riêng tư là những điều mà thư điện tử không thể thay thế. Libération kết luận : « Bưu điện không phải là nạn nhân duy nhất của sự chấm dứt thời của lá thư tay. Còn thư tay hay không còn gì cả ».

Hàng nghìn chiến lũy Maginot kìm hãm nước Pháp

Vẫn liên quan đến thời sự nước Pháp, xã hội Le Monde có bài « Hàng nghìn chiến lũy Maginot kìm hãm nước Pháp ». Le Monde đặt ra hàng loạt câu hỏi : liệu nước Pháp có thể cải cách được hay không ? Phải chăng nước Pháp đang bị các nhóm lợi ích, tầng lớp đặc quyền cản trở ? Bài xã luận liệt kê một loạt các cuộc bãi công, phản kháng mới đây nhằm chống lại các chính sách cải tổ của chính phủ trong một loạt lĩnh vực từ ngành kính mắt, ngành tacxi, ngành giáo dục dự bị đại học hay ngành đường sắt… Theo Le Monde, không thể mơ ước có được khả năng cạnh tranh mà lại kiên quyết từ chối các thay đổi.

Cũng về cải cách, báo l’Humanité chạy hàng tựa hóm hỉnh « Mổ thịt các đơn vị hành chính hàng tổng. Nền dân chủ bị xẻ nhỏ ». L’Humanité lo ngại cuộc cải cách phương thức bỏ phiếu sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 5 tới có thể tác động sâu sắc đến các cuộc bỏ phiếu cấp tổng trong tương lai và đặt câu hỏi phải chăng cách cắt xén như vậy có lợi cho đảng Xã hội cầm quyền ? Theo một lãnh đạo đảng Xã hội, được l'Humanité trích dẫn, thay đổi này chẳng qua chỉ là để cân bằng lại những cắt xén mà cánh hữu đã làm khi cầm quyền.

Một cuộc cải cách khác được tờ Les Echos đặc biệt chú ý. Trang nhất Les Echos chạy tựa : « Tài khoản ở Thụy Sĩ : tại sao tiền trở lại ? ». Sau thông tri điều chỉnh thuế của chính phủ vào mùa hè này, đến nay đã có gần 10.000 người Pháp đăng ký đưa tiền về nước để tránh bị phạt. Về hồ sơ này, Les Echos có phóng sự điều tra : « Trận chiến chống nạn trốn thuế gây ngạc nhiên ». Theo ước tính, hiện nay người Pháp có đến 70.000 tài khoản tại Thụy Sĩ – vì nhiều lý do khác nhau. Trong số đó, đặc biệt phải kể đến hậu duệ của các nhà công nghiệp lớn thế kỷ XIX, những nhà tư sản chạy trốn nước Pháp sau thắng lợi của Mặt trận bình dân những năm 1930, hay sau cuộc biến động tháng 5/1968 ("Les barricades de Mai 1968") »… Theo nhận định của một luật sư thuộc văn phòng FBT Pháp-Thụy Sĩ, thì chính sách kể trên là một chấn động mãng liệt « làm trỗi dậy từng mảng lớn của lịch sử nước Pháp. (…) Người ta đang kết liễu 100 năm bí mật ngân hàng chỉ trong vòng vài tháng ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.