Vào nội dung chính
Tạp chí khoa học

Chống sốt rét và các bệnh nhiệt đới: Cần nỗ lực đầu tư

Đăng ngày:

Cách nay một tuần, ngày 11/12/2013, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo tổng kết về tình hình dịch bệnh sốt rét từ năm 2000 đến nay. Bệnh dịch có chiều hướng suy giảm đáng kể, hơn 3 triệu sinh mạng đã được cứu sống trong mười năm nay. Tuy nhiên, riêng năm ngoái, trên toàn thế giới vẫn còn khoảng 627.000 người chết vì sốt rét. Nhìn lại thập niên qua, Tổ chức Y tế Thế giới lấy làm tiếc đã không có nhiều phương tiện hơn để đẩy lùi hoàn toàn căn bệnh tai ác này. Sốt rét là một trong số « các căn bệnh nhiệt đới bị coi nhẹ », nhưng lại là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

Bác sĩ Bernard Pécoul, Giám đốc DNDi (đối tác công-tư phi lợi nhuận chống sốt rét)
Bác sĩ Bernard Pécoul, Giám đốc DNDi (đối tác công-tư phi lợi nhuận chống sốt rét) © DNDi
Quảng cáo

Đầu tháng 9/2013 vừa qua, Ủy ban khu vực Châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới, họp tại Congo, ra tuyên bố tăng cường nỗ lực để ngăn chặn « các dịch bệnh nhiệt đới bị coi nhẹ ». Một chương trình hành động mang tính chiến lược của toàn châu lục từ năm 2014-2020 đã được thông qua. Chương trình này đã chỉ ra 17 bệnh nhiệt đới vốn bị coi nhẹ nay cần phải ưu tiên đẩy lùi, trong đó có các bệnh như : giun chỉ bạch huyết (la filariose lymphatique), sán lá (la schistosomiase), bệnh hủi, trùng mũi khoang (la trypanosomiase humaine), bệnh dại, nhiễm trùng da/ghẻ cóc (le pian)… Các số thống kê cho thấy, trong số 47 quốc gia Châu Phi, nước nào cũng bị ít nhất một trong số 17 dịch bệnh kể trên hoành hành. Toàn bộ các bệnh này ảnh hưởng đến hơn 400 triệu trẻ em ở tuổi đến trường ở các nước đang phát triển, đặc biệt là tại các nơi không có nước sạch.

Trong khi đó, trong số hơn 850 dược phẩm hay vắc-xin mới ra lò trên thế giới trong thập niên 2000-2011, chỉ có 4% (chính xác là 37 dược phẩm và vắc-xin) được dành cho các bệnh bị coi nhẹ. Mà các căn bệnh này chiếm đến 11% gánh nặng bệnh tật trên hành tinh, theo con số của Tổ chức Y tế Thế giới được công bố hồi cuối tháng 10/2013. Ứng xử bất công kể trên không phải là điều mới mẻ. Theo một nghiên cứu cách đây 10 năm, năm 2002, thì trong giai đoạn từ 1975 đến 1999, thuốc và vắc-xin cho các bệnh nói trên chỉ chiếm có 1,1%. Có nghĩa là ít hơn khoảng 4 lần so với thập niên vừa qua. Trên thực tế, phần lớn các thuốc điều trị những căn bệnh bị coi nhẹ đều là thuốc xuất xứ từ các dược phẩm có sẵn, trong số 37 dược phẩm được gọi là « mới », thực ra chỉ có bốn thuốc là thực sự mới hoàn toàn, trong đó có ba dược phẩm cho sốt rét và một cho các bệnh kiết lỵ.

Sốt rét giảm, nhưng nếu thiếu đầu tư, dịch có cơ trở lại

Riêng về sốt rét, từ 2000 đến 2012, các nỗ lực ngăn chặn đã cho phép giảm tỷ lệ tử vong đến 45% trên toàn thế giới, riêng tại Châu Phi là 49%, bất chấp việc số lượng cư dân thuộc các nhóm cơ có nguy cơ tăng lên. Tiến bộ kể trên đạt được là do có nhiều đầu tư quốc tế chống sốt rét trong vòng thập kỷ qua. Cụ thể là từ 100 triệu đô la năm 2000 lên đến gần 2 tỷ đô la năm 2012, theo Bác sĩ Robert Newman, Giám đốc chương trình thế giới chống sốt rét của WHO. Bên cạnh đó là khoản đầu tư 500 triệu đô la từ chính các nước có liên quan.

Theo chuyên gia nói trên, các nguồn tài trợ này cho phép tăng cường các xét nghiệm và điều trị. Từ 2000 đến 2012, tỷ lệ người được xét nghiệm sốt rét tăng từ 5% lên 61%. Tuy nhiên, báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận sự dậm chân tại chỗ trên phương diện phòng ngừa sốt rét trong hai năm gần đây. WHO đặc biệt lưu ý tài trợ cho chương trình phòng sốt rét bằng màn ngâm thuốc diệt muỗi giảm trong năm 2012, mặc dầu giá màn chỉ là 12 đô la/chiếc, nhưng các quỹ không tài trợ đủ tiền cho việc cung ứng màn. Chỉ có 70 triệu chiếc màn chống muỗi được phân phát năm 2012, trong khi cần tối thiểu là 150 triệu màn. Tình hình có vẻ khá lên vào năm 2013, khi khoảng 136 triệu màn đã được cấp phát và sang năm 2014, dự kiến sẽ có khoảng 200 triệu màn đến tay người cần.

Theo WHO, cần phải có thêm 2,6 tỷ đô la hàng năm để đủ số 5,1 tỷ đô la cần thiết cho việc phòng ngừa và điều trị sốt rét toàn cầu. Tổ chức Y tế Thế giới lo ngại, nếu tài chính không đủ, các tiến bộ đã đạt được trong lĩnh vực này có thể bị đe dọa, do ký sinh trùng sốt rét kháng lại thuốc điều trị và màn tẩm thuốc chống muỗi.

Nhìn chung, trong thời gian gần đây, các căn bệnh nhiệt đới - ảnh hưởng đến hơn một tỷ người tại các quốc gia nghèo nhất hành tinh – có vẻ như đang ngày càng được chú ý hơn. Năm ngoái, 2012, tất cả các hãng dược phẩm lớn ký tuyên bố Luân Đôn, cam kết cung cấp 14 tỷ lượt điều trị nhằm loại trừ hoặc kiểm soát 10 căn bệnh nhiệt đới nguy hiểm nhất. Theo nhận định của các nhà quan sát, áp lực của các tổ chức phi chính phủ (cụ thể như hiệp hội DNDi), cũng như việc các hãng dược phẩm giờ đây muốn tìm kiếm uy tín qua các hoạt động giúp đỡ người nghèo, khiến nhiều hãng sẵn sàng chuyển nhượng công nghệ… (Xem bài « Các bệnh bị coi nhẹ : tại sao các hãng bào chế lại quan tâm ? » báo Le Monde, ngày 05/12/2013).

Vắc-xin chống sốt rét 2015 : giữa hy vọng và nghi ngờ

Trong thời gian gần đây, một loạt các thông tin về sự thành công bước đầu của vắc-xin chống sốt rét được công bố, trong đó có vắc-xin của tập đoàn dược phẩm Anh quốc GSK. Tháng 10 vừa qua, tập đoàn GSK bày tỏ hy vọng sẽ thương mại hóa từ đây đến năm 2015 loạt vắc-xin đầu tiên chống sốt rét dành cho trẻ em Châu Phi phía nam sa mạc Sahara, là nơi bị dịch bệnh nặng nề nhất. Vắc-xin mới được thử nghiệm trên 15.000 trẻ em tại 7 quốc gia châu Phi. Kết quả cho thấy vắc-xin có hiệu quả miễn dịch trong vòng một năm rưỡi, đối với 46% trẻ nhỏ (từ 5 đến 17 tháng tuổi) và 27% đối với trẻ nhỏ hơn (từ 6 đến 12 tuần). Kết quả này gần tương tự với kết quả cuộc thử nghiệm lần đầu vào năm 2012. Hãng GSK hy vọng sẽ được Tổ chức y tế Thế giới cho phép sử dụng vắc-xin đại trà tại Châu Phi.

Trước hy vọng có thể có vắc-xin chống sốt rét, nhiều chuyên gia y tế tỏ ra dè dặt, vì thời gian miễn dịch không lâu, hơn nữa vắc-xin này vẫn còn đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Có rất ít nghiên cứu về sốt rét

Quyết định tuyên chiến với sốt rét và các căn bệnh nhiệt đới bị coi nhẹ tại Châu Phi cho thấy có một sự chuyển biến quan trọng của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực này. Trên thực tế, từ khá nhiều năm nay, nhiều tiếng nói trong giới y tế quốc tế đã liên tục cất lên để báo động tình trạng nhiều khu vực dân cư, đặc biệt là các vùng nghèo khó trên thế giới, bị bỏ rơi. Trong số các tiếng nói cảnh báo và chỉ trích, công luận đặc biệt chú ý đến bác sĩ Bernard Pécoul, người đứng đầu « Sáng kiến dược phẩm chống các bệnh bị coi nhẹ » (DNDi - Initiative Médicaments contre les Maladies Négligées/Drugs for Neglected Diseases initiative), một đối tác công-tư phi lợi nhuận ra đời vào năm 2003, với sứ mạng chuyển hướng các nỗ lực quốc tế đầu tư cho các căn bệnh bị coi nhẹ. Ngày hôm qua 17/12, RFI có cuộc phỏng vấn Bác sĩ Bernard Pécoul. Bài phỏng vấn mang tựa đề « Có rất ít nghiên cứu về bệnh sốt rét ».

RFI : Xin chào Bác sĩ, trước hết xin bác sĩ cho biết một đôi nét về những căn bệnh, được gọi là « các bệnh bị coi nhẹ ».

Bác sĩ Bernard Pécoul : Các bệnh bị coi nhẹ là các bệnh bị coi nhẹ về mặt kinh tế, bởi vì các bệnh này nằm ngoài thị trường dược phẩm. Vì vậy không có đầu tư cho các bệnh này.

Tuy nhiên, đây lại chính là các bệnh xẩy ra thường xuyên và rất nghiêm trọng. Điều nghịch lý là các bệnh tật nguy hiểm như vậy lại không được hưởng các tiến bộ từ nghiên cứu khoa học. Trên thực tế, đây là các bệnh ở những nước nghèo nhất, đặc biệt là ở các vùng dân cư nghèo nhất của các nước này.

Theo tôi, sốt rét là một trong các căn bệnh bị coi nhẹ. Tôi xin nhắc lại một câu chuyện là, vào cuối những năm 1990, đã không có thuốc điều trị sốt rét do việc ký sinh trùng kháng thuốc. Kể từ đó đã có những tiến bộ, dù sao thì việc kháng thuốc vẫn tiếp tục. Theo tôi, cần phải có những nghiên cứu để có thể khống chế được loại ký sinh trùng sốt rét rất ma quái, đang giết hại rất nhiều người, đặc biệt là trẻ em ở châu Phi.

Thực ra, không cần phải có nhiều nghiên cứu về sốt rét hơn so với các bệnh tật khác. Bởi vì, trong hiện tại, chúng tôi đã có sẵn một nhóm thuốc, dựa trên công thức của Trung Quốc, với thành phần chủ yếu là cây thanh hao hoa vàng, một thực vật được trồng nhiều tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ngoài các loại thuốc này, chúng tôi chưa phát hiện thêm thuốc nào mới.

Một số bệnh rất nguy hiểm khác là bệnh ký sinh trùng leishmaniose và bệnh buồn ngủ (« Maladie du sommeil » hay bệnh trypanosomiase). Bệnh buồn ngủ là bệnh vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến Cộng hòa Trung Phi. Bất cứ ai bị nhiễm ký sinh trùng này, nếu không được điều trị, thì đều tử vong. Ước tính, khoảng 50.000 người nhiễm bệnh hàng năm.

Trong khi đó bệnh leishmaniose ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực miền Đông Châu Phi. Hàng năm có thêm khoảng gần 300.000 người bị mắc căn bệnh này. Tỷ lệ tử vong ở bệnh này rất cao, đặc biệt đối với trẻ em nhỏ.

RFI : Thưa Bác sĩ, cách đây 10 năm, Bác sĩ đã lập ra « Sáng kiến dược phẩm chống các bệnh bị coi nhẹ » - DNDI - đặc biệt với sự tham gia của Tổ chức Y sĩ không biên giới và Viện Pasteur. Vậy kể từ 10 năm nay, trong lĩnh vực này đã có những tiến bộ gì ?

BS Bernard Pécoul : Vâng, chúng tôi đã lập ra DNDI này với mục tiêu đưa các phương thức trị liệu mới đến dân chúng. Khẩu hiệu chính của chúng tôi là : « Cái tốt nhất của khoa học là để phục vụ những ai bị bỏ rơi ». Nguyên tắc của chúng tôi là sử dụng các tiến bộ khoa học để phục vụ các nhóm dân cư này. Trong vòng 10 năm, chúng tôi đã đưa được sáu trị liệu mới đến với các nhóm dân cư bị coi nhẹ. Trong đó có hai trị liệu đối với bệnh sốt rét, một cho bệnh buồn ngủ. Trị liệu mới này là một thay đổi quyết định, bởi vì trước đó những người mắc bệnh ngủ được điều trị bằng thuốc có thạch tín.

Thuốc trị bệnh buồn ngủ trước đây là một loại thuốc rất độc hại, bởi vì trung bình cứ 20 bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc này, thì có một người tử vong vì thuốc độc. Trước kia, tại các trung tâm điều trị, không khí rất căng thẳng, vì các bệnh nhân biết rằng họ phải chấp nhận nguy cơ lớn khi dùng thuốc này.

Hiện nay, trị liệu mới cho bệnh ngủ khó sử dụng hơn, vì đây là các dược phẩm chỉ có thể được dùng tại bệnh viện. Tuy nhiên, có được phương thức trị liệu này đã là một tiến bộ đáng kể. Chúng tôi hy vọng rằng, với kế hoạch nghiên cứu đang được tiến hành, chúng tôi sẽ chế được các dược phẩm đơn giản hơn nhiều, với các loại thuốc uống và xét nghiệm nhanh ngay tại làng, nơi mọi người sinh sống hàng ngày, nơi mà nguy cơ nhiễm bệnh cao. Có như vậy, mới có thể kiểm soát được dịch bệnh.

Hiện nay, chúng tôi đang ở giai đoạn tiến hành các nghiên cứu lâm sàng sâu hơn. Và chúng tôi có những kết quả khích lệ. Đương nhiên, cần phải bổ sung các nghiên cứu này. Tôi nghĩ rằng, nếu mọi việc tốt đẹp thì trong hai năm tới, sẽ có một loại thuốc chữa trị mới.

RFI : Để có được các nghiên cứu, các thử nghiệm, hiển nhiên là cần phải có được sự hậu thuẫn của các phòng bào chế. Tuy nhiên, thưa bác sĩ, như vậy điều này dẫn đến việc là các công ty dược phẩm sẽ bán rất đắt sau đó các sản phẩm của họ ?

BS Bernard Pécoul : Thách thức hiện nay là phải lôi kéo được các tập đoàn dược phẩm tham gia để tranh thủ được các kinh nghiệm, sự hiểu biết của họ trong lĩnh vực này.

Đối với chúng tôi, cái chính là giá cả thuốc phải ở mức có thể chấp nhận được sau khi kết thúc quá trình nghiên cứu. Do vậy, ngay từ đầu, chúng tôi định ra các điều kiện. Các loại thuốc mà chúng tôi chế ra sẽ được bán cho người dân đúng với giá thành, như vậy, đó là mức giá hợp lý đối với người dân và trong mọi trường hợp, mức giá này phù hợp với các chương trình kiểm soát các loại bệnh này.

Tôi lấy ví dụ Sanofi. Tập đoàn dược phẩm của Pháp này đã hợp tác với chúng tôi trong lĩnh vực sốt rét để phát triển và chế ra một loại thuốc gọi là Azac – Artzsunat Amodiaquine, nhưng đồng thời, Sanofi cũng là đối tác của chúng tôi trong nghiên cứu loại thuốc chữa trị bệnh gây buồn ngủ. Theo những quy định được thỏa thuận ngay từ đầu, sẽ không có chuyện các doanh nghiệp đăng ký bằng phát minh khi kết thúc công trình nghiên cứu và nhờ vậy, thuốc được bán ra với giá cả hợp lý.

Nguyên tắc được chấp nhận là các tập đoàn dược phẩm không tìm kiếm lợi nhuận, nhưng cũng không bị thua lỗ. Các chi phí sản xuất, phân phối được bồi hoàn, nhưng không có mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận trong những dự án này. Đó là những hành động thể hiện tình liên đới.

RFI : Thưa bác sĩ, các đối tác công, như Nhà nước, và các quỹ tư nhân có vai trò gì trong hoạt động này ?

BS Bernard Pécoul : Các đối tác công, như Nhà nước, chính quyền, rất cần thiết. Bởi vì không thể tiến hành các nghiên cứu lâm sàng trong những điều kiện cực kỳ khó khăn mà không có sự hỗ trợ, cam kết từ phía các đối tác này. Lấy ví dụ bệnh gây buồn ngủ. Hiện nay, chúng tôi có 9 trung tâm nghiên cứu lâm sàng, trong đó, có 8 trung tâm tại Cộng hòa Dân chủ Congo, tại những vùng rất xa thủ đô Kinshasa, trong những bệnh viện sơ sài ở nông thôn, thế nhưng, các chuyên gia bắt buộc phải áp dụng đúng các quy định giống như tại các bệnh viện ở Paris. Đó là những quy định chặt chẽ, những kinh nghiệm nghiên cứu lâm sàng tốt, bởi vì chúng tôi đang thử một loại thuốc mới. Trong trường hợp này, các đối tác Congo đã tham gia rất tuyệt vời, bởi vì chúng tôi có nhiều nhóm nhân viên rất cơ động, bám theo các bệnh nhân trong vòng 24 tháng để kiểm tra xem họ đã khỏi bệnh chưa. Trong các nghiên cứu được tiến hành cho đến lúc này, có tới 98% trường hợp được theo dõi, kiểm tra.

Do vậy, cần phải có những đối tác công-tư phối hợp, có tầm cỡ, ví dụ Nhà nước, nhưng đồng thời cũng cần phải có các quỹ hỗ trợ tham gia, như Quỹ Bill Gates, Wellcome Trust, hay Tổ chức Y sĩ không biên giới. Những tổ chức này đã cộng tác với chúng tôi ngay từ đầu ?

Tài trợ của Quỹ Bill Gates chiếm gần 20% tổng nguồn tài chính hiện nay của chúng tôi. Nhưng điều quan trọng trong nghiên cứu là cần phải tạo ra một môi trường pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu đạt được các mục tiêu.

Các tin bài liên quan

Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi khẩn cấp chống sốt rét kháng thuốc

Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc phát triển tại lưu vực sông Mê Kông

Việt Nam đối phó với nạn ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc

Thiếu tiền và nhờn thuốc: hai thách thức trong việc chống sốt rét

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.