Vào nội dung chính
UKRAINA

Đối lập Ukraina lo ngại cho nền độc lập sau thỏa thuận với Nga

Tuyên bố tại cuộc họp báo thường niên hôm nay, 19/12/2013 tại Matxcơva, tổng thống Vladimir Putin khẳng định là nước Nga chỉ giúp Ukraina với tư cách một « nước anh em và dân tộc anh em ». Ông Putin đã tuyên bố như trên khi được hỏi về thỏa thuận hôm thứ ba vừa qua giữa Nga với Ukraina.

Hai tổng thống Ukraina Viktor Ianukovitch và Nga Vladimir Putin (S. Guneev/RIA Novosti)
Hai tổng thống Ukraina Viktor Ianukovitch và Nga Vladimir Putin (S. Guneev/RIA Novosti)
Quảng cáo

Theo thỏa thuận này, Nga sẽ cấp cho Ukraina khoản tín dụng 15 tỷ đôla thông qua việc mua các trái phiếu của nước này, đồng thời giảm 1/3 giá khí đốt cung cấp cho Ukraina, bằng với giá ưu đãi mà Matxcơva dành cho một số nước thuộc Liên Xô cũ, đồng thời tháo gỡ những bế tắc trong quan hệ thương mại với Ukraina từ mấy tháng qua.

Trong những ngày qua, Matxcơva vẫn bị chỉ trích là đã gây áp lực lên Kiev để Ukraina không ký thỏa thuận liên kết với Liên hiệp châu Âu. Ông Putin đã bác bỏ lời cáo buộc này, khẳng định : « Không ai tìm cách bóp nghẹt nước láng giềng ». Đồng thời ông tuyên bố là Nga không hề chống lại thỏa thuận liên kết Ukraina với EU.

Về phần tổng thống Ianukovitch trong cuộc họp báo hôm nay tại Kiev cũng khẳng định là các thỏa thuận với Nga không mâu thuẫn gì với tiến trình hội nhập của Ukraina vào Liên hiệp châu Âu. Nhưng ông lên án phương Tây can thiệp vào chuyện nội bộ của Ukraina qua việc ủng hộ phong trào biểu tình chống chính phủ.

Nhưng những tuyên bố nói trên của tổng thống Puitn và tổng thống Ianukovitch không thuyết phục được phe đối lập Urkaina. Nhà đối lập hiện đang bị cầm tù Iulia Timochenko hôm qua cho rằng nền độc lập của Ukraina đang bị đe dọa và giấc mơ hội nhập châu Âu của quốc gia này đã bị tan vỡ.

Bà Timochenko, cựu thủ tướng và cũng là đối thủ chính trị của tổng thống Viktor Ianukovitch, tuyên bố : « Ianukovitch đã đặt Ukraina trở lại dưới sự kiểm soát chính trị, quân sự, năng lượng, kinh tế và tài chính của Nga. Kể từ nay, Ukraina không thể ký hiệp ước liên kết với Liên hiệp châu Âu ».

Phát biểu thông qua luật sư của bà, nhà đối lập Ukraina, ngồi tù từ năm 2011 vì tội lạm quyền, cho rằng, lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay là tổng thống Ianukovitch phải từ chức ngay lập tức, vì nếu đợi đến năm 2015 ( kỳ bầu cử tổng thống tới) thì sẽ quá trễ, Ukraina lúc đó sẽ nằm trọn trong tay nước Nga.

Ngay từ tối thứ ba 17/12/2013, phe đối lập Ukraina đã lên án thỏa thuận giữa Kiev với Matxcơva và đã mở một cuộc biểu tình phản đối quy tụ đến 50 ngàn người.

Về phần các lãnh đạo Liên hiệp châu Âu thì phản ứng có chừng mực hơn. Trong bài phát biểu trước Quốc hội Đức hôm qua, thủ tướng Angela Merkel đã tỏ ý lấy làm tiếc rằng tổng thống Ianukovitch đã quyết định không ký hoặc chưa ký thoả thuận liên kết với Liên hiệp châu Âu. Nhưng tân Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier thì đặc biệt chỉ trích Nga là đã lợi dụng tình trạng kinh tế khẩn cấp của Ukraina hiện nay.

Còn Litva, hiện giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên hiệp châu Âu, thì cho rằng thỏa thuận ký giữa Kiev với Matxcơva chỉ là một « giải pháp tạm thời », cho cuộc khủng hoảng, chứ không giải quyết những thách đố dài hạn đối với Ukraina.

Hoa Kỳ cũng đã cảnh báo các lãnh đạo chính quyền Kiev rằng thỏa thuận với Nga sẽ không giải toả những mối quan ngại của những người biểu tình khắp Ukraina.

Hôm qua, thủ tướng Mykola Azarov đã cảnh báo những người biểu tình là không được tiếp tục xuống đường. Nhưng không chắc là lời cảnh báo này sẽ làm giảm quyết tâm của phe đối lập, dứt khoát không muốn Ukraina trở lại thành một nước chư hầu của Nga như thời Liên Xô.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.