Vào nội dung chính
Ý - NHÂN QUYỀN

Lampedusa - Ý: Thuyền nhân bị đối xử như súc vật

Công luận Ý và châu Âu đã rất phẫn nộ sau khi một đài truyền hình ở Ý hôm thứ hai vừa qua chiếu những hình ảnh cho thấy các thuyền nhân trong trại tập trung trên đảo Lampedusa bị bắt cởi hết quần áo để được xịt thuốc tẩy ghẻ lở. Những hình ảnh này đã gây phẫn nộ dư luận Ý và châu Âu. Từ Roma, thông tín viên Huê Đăng tường trình.

Thuyền nhân đến từ Bắc Phi cập bến Lampedusa - REUTERS
Thuyền nhân đến từ Bắc Phi cập bến Lampedusa - REUTERS
Quảng cáo

09:15

Thông tín viên Huê Đăng

RFI : Trước hết, xin anh Huê Đăng kể rõ chi tiết về những hình anh được phát đài truyền hình hôm Ý thứ hai vừa qua?

Huê Đăng : Hôm 17/12/2013, trong chương trình tin tức buổi trưa lúc 13 giờ của kênh 2, đài truyền hình Ý đã đưa tin và phát tán đoạn phim xì-căng-đan về việc “phun thuốc chống bệnh ghẻ” cho những thuyền nhân nhập cư bất hợp pháp trong trại tập trung trên đảo Lampedusa.

Tự việc tẩy trùng chống bệnh ghẻ trong một không gian nơi tập trung quá tải con số thuyền nhân sống trong những điều kiện vệ sinh y tế đáng ngại ... thì chắc có lẽ cũng là điều bắt buộc để tránh bùng nổ ra những nạn dịch, và có lẽ cũng chẳng có gì để phải chỉ trích.

Nhưng vấn đề tạo ra xì-căng-đan là, qua hình ảnh của đoạn phim, phương thức phun thuốc và cách đối xử hoàn toàn vô nhân đạo và xúc phạm nhân phẩm của con người: các thuyền nhân bị bắt buộc phải cởi bỏ áo quần mình trần trùng trục ở ngay một chổ hoàn toàn lộ thiên để các “nhân viên y tế” dùng máy bơm xịt chất lỏng có pha thuốc chống ghẻ lên đầu cổ mình mẩy ... như người ta vẫn làm với thú vật trong các trại chăn nuôi.

Càng vô nhân đạo hơn là mọi chuyện xẩy ra trong khi thời tiết giá lạnh và chất lỏng xịt lên mình thuyền nhân cũng lạnh như nước đá. Xì-căng-đan là ở phương thức hành xử để tẩy trùng ghẻ lở.

RFI : Những hình ảnh này đã gây phẫn nộ như thế nào trong công luận Ý và được báo chí phản ánh ra sao ?

Huê Đăng : Công luận bị xốc vì những hình ảnh xúc phạm nhân phẩm con người, vừa làm những người Ý có lương tâm hổ thẹn, vừa làm mất thanh danh của nước Ý. Những hình ảnh thuyền nhân trần truồng như nhọng bị xịt thuốc ... dễ gây liên tưởng đến hình ảnh của những người Do Thái khi bị đưa đến các trại tập trung của Đức Quốc Xã vào những thập niên 30-40 của thế kỷ trước.

Và nhất là đối với những thế hệ người lớn tuổi ở Ý, những hình ảnh “phun thuốc” như thế này làm cho họ đau đáu nhớ đến một thế kỷ trước khi cha ông của họ cũng là một dạng thuyền nhân (nhưng không nhập cư bất hợp pháp) rời những vùng đất nghèo nàn của nước Ý để đi đến miền đất hứa Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Ngay khi đặt chân lên đất Mỹ, lập tức những người Ý cũng đã bị “phun thuốc tẩy trùng” (nhưng không bị bắt buộc phải trần truồng). Nhưng đó là chuyện của một thế kỷ về trước, chẳng lẽ sau một thế kỷ nước Ý lại lập những gì mà cha ông họ đã phải hứng chịu trên đất Mỹ ?

Các mạng truyền thông và báo chí hôm sau đều đã đăng tít lớn về xì-căng-đan nói trên.

Đúng là tình hình kinh tế tài chánh khó khăn, đời sống hằng ngày của đại bộ phận người Ý cũng đang có nhiều khốn đốn vì mất công ăn việc làm, mua bán sản xuất trì trệ, áp lực thuế má gia tăng, phúc lợi xã hội giảm sút ... nhưng cũng phải thấy là những khó khăn đó không thể là lý do để biện minh những hành động vô nhân đạo và xúc phạm nhân cách của những người khác.

RFI : Chính phủ Ý có hứa thi hành những biện pháp gì để ngăn chận tình trạng này hay không ?

Huê Đăng : Trước hết cũng cần nói rõ về vấn đề trách nhiệm. Theo luật pháp hiện hành, và theo cách tổ chức của nhà nước Ý về vấn đề quản trị hành chánh thì những người nhập cư bất hợp pháp đều phải được tập trung vào những trung tâm có tên là “CIE – Centro di Identificazione ed Espulsione” (tức là trung tâm xác định và trục xuất). Mục tiêu là để xác định danh tánh, lý lịch, nguồn gốc xuất xứ, lý do vượt biên ... để rồi sau đó nhà cầm quyền Ý quyết định hoặc chấp nhận cho định cư hoặc trao trả về nguyên quán.

Những trại tập trung như thế này nằm dưới quyền điều hành của chỉ riêng Bộ Nội Vụ. Các cơ chế nhà nước khác như Hội Đồng Thành phố, Thị trưởng thành phố, Các cơ quan y tế địa phương ... đều không có thẩm quyền gì trong các trại tập trung này. Do đó, chẳng hạn như trường hợp dịch ghẻ lở thế này, phía cơ quan y tế địa phương cũng không được thông báo, lại càng không có quyền can thiệp.

Bộ Nội vụ giao trách nhiệm quản lý các trại tập trung này cho các “hợp tác xã” do chính Bộ Nội vụ tuyển chọn. Các hợp tác xã này nhận tài trợ của chính phủ mỗi ngày từ 30 đến 50 Euro cho mỗi thuyền nhân. Nếu con số thuyền nhân hiện nay ở trong trại tập trung trên đảo Lampedusa là 497 (thời điểm đang xẩy ra xì-căng-đan), thì tính mỗi ngày “hợp tác xã” nhận tài trợ nhà nước tối thiểu là 14.910 Euro, mỗi tháng tối thiểu là trên dưới nửa triệu Euro.

Theo tổng kết ngân sách của Bộ nội vụ thì năm 2012, “hợp tác xã” đã được tài trợ 3,1 triệu Euro. Để hoạt động, các “Hợp tác xã” mướn nhân viên để làm việc trong các trại tập trung. Các nhân viên này hoàn toàn không chịu sự kiểm soát của bất cứ một cơ chế y tế hay xã hội nào của Ý.

Khi xì-căng-đan nổ ra, phía chính phủ, từ Thủ tướng đến Bộ trưởng nội vụ đều tuyên bố sẽ nhanh chóng làm sáng tỏ vấn đề, và sẽ có biện pháp với những ai có trách nhiệm.

Theo tin của các mạng truyền thông chiều hôm qua18/12/2013, Bộ Nội vụ đã áp lực lên “hợp tác xã” để bãi nhiệm hết toàn bộ ban lãnh đạo của “hợp tác xã”. Nhưng theo nhận xét của công luận, thì biện pháp bãi nhiệm này chỉ là một kiểu “tế thần” để chính phủ tạm thời có thể làm giảm sự phê phán, chứ không phải là một biện pháp thực sự để giải quyết vấn đề.

Có thêm một chi tiết quan trọng nữa là chính ông Bộ trưởng Bộ nội vụ, Angelino Alfano, người trước đây thuộc đảng Nhân Dân Tự Do của Silvio Berlusconi, sau đó ly khai và sáng lập đảng hữu khuynh mang tên Tân Trung Hữu, cũng đã bị tai tiếng hồi tháng 7 vừa qua về vụ xì-căng-đan trục xuất bất hợp pháp vợ và con gái của Mukhtar Ablyazov, nhân vật đối lập chính trị với chính quyền Kazakhtan.

Theo báo chí thì Bộ nội vụ Ý đã nhắm mắt trục xuất bất hợp pháp chỉ vì bị phía chính phủ Kazakhtan gây áp lực. Lần đó, Bộ trưởng nội vụ cũng đã “tế thần” bằng cách bãi nhiệm vị Trưởng Văn phòng Bộ nội vụ, bị quy tội là đã trực tiếp ra lệnh trục xuất mà không thông báo cho Bộ trưởng biết. Có lẽ lần này, Bộ trưởng Nội vụ cũng đang nhanh chóng tìm vật “tế thần” để trốn trách nhiệm và tránh tai tiếng.

Hội đồng giám mục Ý cũng đã nhận xét rằng “... đây là một nỗi nhục nhã ...” và phê phán nhà nước Ý đã “... không có những biện pháp thích nghi ...”.

RFI : Uỷ ban châu Âu đã phản ứng như thế nào về những hình ảnh nói trên ?

Huê Đăng: Thông qua Ủy viên Nội vụ, bà Cecilia Malmstrom, Ủy Ban Châu Âu đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các điều kiện của những người đang sống trong tại trung tâm của Lampedusa, và tuyên bố rằng Ủy ban đang điều tra và không loại trừ khả năng thi hành thủ tục vi phạm đối với chính phủ Ý. Bà Cecilia Malmstrom tuyên bố: "... chúng tôi sẽ không ngần ngại áp dụng quy tắc vi phạm để đảm bảo rằng các tiêu chuẩn và nghĩa vụ của châu Âu được tôn trọng đầy đủ.”.

Thậm chí Ủy Ban Châu Âu còn hăm dọa rằng, nếu các tiêu chuẩn nhân quyền không được đảm bảo, Châu Âu sẽ đình chỉ tất cả các khoảng tài trợ mà Châu Âu dành cho chính phủ Ý để đối phó với vấn đề thuyền nhân trong các trại tập trung.

RFI : Trên thực tế, phải chăng là nước Ý vẫn thiếu rất nhiều phương tiện để đón tiếp người nhập cư trái phép theo đúng tiêu chuẩn quốc tế ?

Huê Đăng : Thực ra vấn đề thuyền nhân nhập cư bất hợp pháp lên đất Ý có phần phức tạp hơn. Như ta đã biết là từ cả chục năm nay, đảo Lampedusa, một hòn đảo cực nam của nước Ý, là nơi tiếp cận gần nhất cho những làn sóng vượt biên từ Bắc Phi lên Châu Âu, do đó hằng năm có hàng chục ngàn người vượt biển Địa Trung Hải tràn lên các khu vực miền Nam nước Ý.

Thực chất là những người nhập cư này chỉ muốn đặt chân lên nước Ý để vượt biên giới tràn sang định cư ở các quốc gia Châu Âu khác có nền kinh tế khá hơn Ý như Đức, Pháp hay các nước Bắc Âu. Nhất là từ khi biên giới các nước Châu Âu mở cửa theo hiệp ước Schengen thì việc tràn san các nước Châu Âu khác không còn là vấn đề. Như thế thì Ý thực ra cũng chỉ là “bãi đáp” để làn sóng nhập cư vào Châu Âu.

Cũng đã nhiều năm, chính phủ Ý cũng đã nhiều lần kêu gọi sự cộng tác chiến lược của Châu Âu để giúp Ý giải quyết một cách đứng đắn và dứt khoát vấn đề thuyền nhân, đưa vấn đề nhập cư bất hợp pháp lên tầm mức Châu Âu chứ không phải đơn lẽ của một quốc gia riêng biệt. Nhưng thường thì sau các tuyên bố hình thức đồng ý bề ngoài .... các quốc gia Châu Âu khác trên thực tế vẫn để Ý một thân một mình đối đầu với một vấn đề to lớn có tầm vóc toàn cầu như vấn đề nhập cư từ những vùng nghèo đói, chiến tranh, thiếu dân chủ.

Các khoảng tài trợ của Châu Âu cho chính phủ Ý thực ra chỉ là một thứ “bù lỗ” cho chính phủ Ý để chính phủ Ý tìm cách ngăn cấm các thuyền nhân này vượt biên sang các nước Châu Âu khác. Vì các chính phủ khác cũng thừa biết rằng đa số thuyền nhân đều chỉ xem như Ý là một “bãi đáp” hơn là một vùng đất hứa để định cư.

Do đó, những tuyên bố “quan ngại” và hăm dọa ngưng tài trợ của Ủy Ban Châu Âu, thực ra có hơi hám ... đạo đức giả nhiều hơn là một thực tâm muốn giải quyết vấn đề một cách nghiêm chỉnh.

Cũng cần nói thêm là vấn đề nhập cư bất hợp pháp cũng là một trong những “lá bài” mà các lực lượng chính trị vẫn lợi dụng cho những mưu đồ chính trị riêng tư, nhất là các lực lượng hữu khuynh bảo thủ và bài ngoại, như đảng Lega Nord (Liên đoàn phương Bắc) hay các lực lượng phát-xít vẫn xem vấn đề nhập cư là một thứ “tội trạng” cần phải đàn áp hơn là phải được giải quyết một cách nhân đạo. Thậm chí đảng Lega Nord còn yêu cầu hải quân Ý phải dội đại bác vào các thuyền của thuyền nhân ... thay vì ra tay cứu hộ.

RFI : Xin cám ơn thông tín viên Huê Đăng từ Roma.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.