Vào nội dung chính
LATVIA - EUROZONE

Gia nhập Eurozone: Con đường gian truân của Latvia

Là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái trong các năm 2008-2009, Latvia đã thành công trong việc đưa nền kinh tế thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, nhờ áp dụng các biện thắt lưng buộc bụng mạnh mẽ và kể từ ngày mồng một tháng Giêng 2014, Latvia trở thành thành viên thứ 18 của khu vực đồng euro.

Biểu ngữ mang hình đồng euro và cờ Latvia, tại trụ sở UB Châu Âu, Bruxelles, nhân Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, 20/12/2013
Biểu ngữ mang hình đồng euro và cờ Latvia, tại trụ sở UB Châu Âu, Bruxelles, nhân Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu, 20/12/2013 REUTERS
Quảng cáo

Latvia đã hy vọng gia nhập khu vực đồng euro ngay từ năm 2008, thế nhưng, giấc mộng này đã tan vỡ do lạm phát quá cao, sau đó, kinh tế thế giới lại bị khủng hoảng.

Ngay sau khi gia nhập Liên Hiệp Châu Âu vào năm 2004, nền kinh tế Latvia đã có mức tăng trưởng liên tục hơn 10%. Nhưng chỉ 4 năm sau, nước cộng hòa nhỏ bé thuộc Liên Xô cũ này đã rơi vào khủng hoảng, năm 2008. Cấp phát tín dụng dễ dàng, tăng lương nhanh là hai trong số các nguyên nhân làm cho nền kinh tế Latvia bị quá tải. Trong giai đoạn 2008 – 2009, tổng sản phẩm quốc nội của nước này bị giảm tới 25%.

Cuối năm 2008, chính quyền Riga đã buộc phải cầu cứu Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF và Liên Hiệp Châu Âu. Một kế hoạch thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt đã được áp dụng tại Latvia.

Từ đó, Latvia, với hai triệu dân, đã được IMF nêu tên như một ví dụ thực hiện thành công chính sách khắc khổ.

Năm 2010, tăng trưởng của Latvia chỉ là 0%, nhưng liên tiếp trong hai năm sau đó, 2011 và 2012, Latvia đã lao vọt lên dẫn đầu trong số 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu, với mức tăng trưởng cao là 5%. Theo dự báo, tỷ lệ này sẽ là 4% trong năm 2013.

Bên cạnh đó, Latvia còn thanh toán nợ cho IMF và Liên Hiệp Châu Âu trước hạn định hai năm.

Bất chấp những khó khăn, trong suốt thời gian có khủng hoảng, Latvia đã duy trì tỷ giá cố định giữa đồng tiền quốc gia, lats, và đồng euro, được ấn định vào năm 2005.

Trong số những vấn đề tồn đọng cần tiếp tục giải quyết là giảm thâm hụt tài chính công, giảm tỷ lệ thất nghiệp và cải thiện khả năng cạnh tranh.

Tuy vậy, Latvia đã đáp ứng tất cả các yêu cầu, chiểu theo Hiệp định Maastricht. Tỷ lệ lạm phát trung bình trong năm nay là 0,4%, thâm hụt tài chính công 1,5% và nợ công chỉ ở mức tương đương 42% tổng sản phẩm quốc nội.

Tháng 09/2013, trả lời phỏng vấn AFP tại Riga, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi cho rằng con đường mà Latvia đã trải qua là một tấm gương : « Trong giai đoạn trước khi gia nhập khu vực đồng euro, Latvia là một mô hình về chính sách kỷ luật ngân sách ». Ông Draghi nhấn mạnh : Cách nay không lâu, nền kinh tế Latvia có nhiều mất cân đối nghiêm trọng, thế nhưng nước này đã nhanh chóng khắc phục được. Đây thực sự là một tấm gương cho các nước sử dụng đồng euro.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.