Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - HY LẠP

Làm Chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu, Hy Lạp cố phục hồi uy tín

Kể từ hôm qua, đến lượt Hy Lạp lên làm Chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu và trong sáu tháng lãnh đạo khối này, Hy Lạp sẽ cố gắng phục hồi uy tín của một quốc gia từng là nơi xuất phát cuộc khủng hoảng nợ công cuối năm 2009.

Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras (T) và Chủ tịch UB Châu Âu Jose Manuel Barroso, trong cuộc họp báo chung tại Bruxelles, 04/12/2013
Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras (T) và Chủ tịch UB Châu Âu Jose Manuel Barroso, trong cuộc họp báo chung tại Bruxelles, 04/12/2013 REUTERS
Quảng cáo

Trong một thông cáo đưa ra ngày hôm qua, Ngoại trưởng Hy Lạp Evangelos Venizelos tuyên bố : « Sáu tháng tới sẽ là một giai đoạn quan trọng không chỉ đối với Hy Lạp, vừa ra khỏi một cuộc khủng hoảng mà nhân dân Hy Lạp đã phải gánh chịu bằng những hy sinh nặng nề, mà còn đối với toàn thể Liên Hiệp Châu Âu, trong bối cảnh sắp diễn ra bầu cử Nghị viện Châu Âu vào tháng 5 ». 

Tân Chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu sẽ chính thức bắt tay vào việc kể từ ngày 08/01, với cuộc họp của 28 ủy viên Châu Âu tại thủ đô Athens. Đối với chính phủ Athens, chiếc ghế Chủ tịch này sẽ là dịp để Hy Lạp lấy lại uy tín của một quốc gia từng rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công cuối năm 2009, làm chao đảo toàn bộ khu vực đồng euro. 

Khu vực đang trong quá trình hồi phục, từ hôm qua, đã có thêm thành viên thứ 18, đó là Latvia, một dấu hiệu đáng lạc quan, theo cái nhìn của Ủy ban Châu Âu. 

Bây giờ, các nhà phân tích không còn nhắc đến nguy cơ Hy Lạp buộc phải ra khỏi khu vực đồng euro nữa. Trong thông điệp chúc mừng năm mới, Thủ tướng Antonis Samaras đã tuyên bố rằng Hy Lạp « sẽ trở lại thành một quốc gia bình thường như những nước khác ». Ông hứa hẹn rằng năm 2014 sẽ chấm dứt kế hoạch cứu trợ của Liên Hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Từ năm 2010 đến nay, Hy Lạp vẫn sống nhờ vào tài trợ của hai định chế này sau khi chấp nhận thi hành các biện pháp thắt lưng buộc bụng rất gắt gao. 

Chính phủ Hy Lạp dự báo là, sau 6 năm liên tiếp bị suy thoái, nền kinh tế nước này sẽ tăng khoảng 0,6% trong năm 2014. Tuy nhiên, trước mắt, tân Chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu năm nay sẽ tiếp tục được đặt dưới sự giám hộ của bộ ba Châu Âu-Ngân hàng trung ương Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế . Ba định chế này sẽ giám sát việc cải tổ cơ cấu của Hy Lạp. 

Vào giữa tháng Giêng tới, đại diện của bộ ba nói trên sẽ trở lại Athens để tiếp tục thẩm đinh tình hình Hy Lạp. Đến tháng 7, dựa trên báo cáo của các đại diện đó mà Hy Lạp sẽ biết là nước này có thể không cần đến sự trợ giúp của quốc tế nữa hay không. 

Tuy đang gượng dậy từ khủng hoảng, nhưng Hy Lạp cũng đã đề ra một chương trình đầy tham vọng cho nhiệm kỳ sáu tháng đứng đầu Liên Hiệp Châu Âu : Thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, thực hiện Liên minh Ngân hàng, kiểm soát nhập cư ... 

Thật ra, Hy Lạp chỉ có chưa tới sáu tháng để thực hiện những dự án nói trên, bởi vì từ ngày 22 đến 25/05 sẽ diễn ra bầu cử Nghị viện Châu Âu, với nguy cơ là phe chống đối hợp nhất Châu Âu sẽ trỗi dậy mạnh mẽ, trong bối cảnh khủng hoảng gây nhiều hậu quả về mặt xã hội. 

Kể từ hôm qua, ngày 01/01, người lao động từ Rumani và Bulgari sẽ được hoàn toàn tự do làm việc ở toàn bộ các nước Liên Hiệp Châu Âu. Biện pháp đó đã gặp nhiều chỉ trích ở một số nước như Anh và Đức, vì công luận các nước này lo sợ tác hại đối với thị trường lao động. 

Ngay cả Hy Lạp cũng đã đối phó với xu hướng thu mình lại. Đảng bài ngoại Bình minh Vàng hiện vẫn đứng hàng thứ ba trong các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu ở Hy Lạp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.