Vào nội dung chính
ANH QUỐC - KINH TẾ

Luân Đôn, điểm thu hút du khách và đầu tư của thế giới

Giữa lúc cả Châu Âu đang vất vả chống chọi với khủng hoảng kinh tế, Luân Đôn trở thành con gà đẻ trứng vàng cho Anh Quốc. Năm 2013, Luân Đôn trở thành thành phố du lịch hàng đầu thế giới. Cùng lúc đó, tiền của đầu tư cũng đang đổ về thủ đô của Vương Quốc Anh.

Nhà gare Saint-Pancras, Luân Đôn, Anh Quốc (wikipedia.org)
Nhà gare Saint-Pancras, Luân Đôn, Anh Quốc (wikipedia.org)
Quảng cáo

Trang kinh kế của Le Figaro đến với sự kiện Luân Đôn thông báo trong năm 2013 đã đón 16 triệu du khách nước ngòai. Đây là một kỷ lục, đưa thủ đô Anh Quốc vượt lên trên Bangkok và Paris trở thành điểm hấp dẫn khách du lịch nhất thế giới. Ngoài sức hấp dẫn du lịch bởi những công trình, di tích lịch sử văn hóa, thủ đô Anh Quốc còn là một thành phố đầy năng động về kinh tế. Nơi đây chiếm tới một nửa số việc làm được tạo mới của cả nước trong năm qua và cũng chỉ trong vòng một năm Luân Đôn có thêm 60 nghìn triệu phú.

Điều gì đã khiến Luân Đôn bất ngờ có được thành công rất có ý nghĩa trong thời điểm kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn ?

Le Figaro nhận thấy, thủ đô Anh Quốc không thiếu gì các di tích lịch sử nổi tiếng, nhưng có lẽ thành công về du lịch trước hết là do hiệu ứng tích cực của thời kỳ hậu Thế Vận Hội Olympic 2012.

Du khách hàng đầu của Luân Đôn đến từ các nước Châu Âu, tiếp đó là đến vùng Bắc Mỹ và phần còn lại của thế giới. Theo thống kê du khách đến từ Trung Quốc, Ấn Độ hay Trung Đông chiếm phần đông trong mức tăng trưởng này. Tuy nhiên, chính sách visa khắt khe của chính phủ Cameron đã cản trở nhiều cho sự phát triển khu vực khách hàng này. Nhìn thấy sự bất cập này, Bộ Nội vụ Anh đã nhanh chóng cho nới lỏng quy định cấp thị thực nhập cảnh cho người Trung Quốc.

Điều quan trọng khác là sức chi của du khách. Le Figaro ghi nhận, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2013, du khách ngoại quốc đã tiêu ở Luân Đôn đến 6 tỷ euros, tăng 12%. Không chỉ thu hút du khách nước ngoài, Luân Đôn đang là nơi thu hút phần lớn của cải vật chất của Vương Quốc Anh.

Trong vòng 20 năm trở lại đây, dân số thành phố đã bùng nổ, dự tính tới năm 2020 sẽ đạt con số 9 triệu người. Cả thủ đô luôn như một công trường mở rộng không ngừng. Le Figaro ghi nhận, Luân Đôn không biết đến khủng hoảng là gì. Các quán ăn, rạp hát, tụ điểm vui chơi của thành phố luôn đông kín người. Luân Đôn đang cuốn hút người lao động từ khắp nơi trong Châu Âu và thế giới đến với mình. Mức tăng trưởng của thành phố cao gấp hai lần mức trung bình của cả Vương Quốc. Không những thế, 75% số người giàu của cả nước tập trung tại Luân Đôn. Sự tập trung đó cũng đang đặt ra những vấn đề lớn cho thành phố về cơ sở hạ tầng. Giao thông công cộng của của thành phố luôn đông nghẹt, các sân bay bão hòa, nhà cửa trở nên chật trội, các dịch vụ xã hội quá tải....

Luân Đôn dẫn đầu về thu hút đầu tư

Cũng liên quan đến chủ đề thu hút nhân lực và của cải vật chất. Nhật báo kinh tế les Echos nhận định : « Anh Quốc dẫn đầu về thu hút của cải từ nước ngoài ». Có một thực tế hiện nay là tất cả các quốc gia đều hay dùng lá bài cấp visa hay thậm chí cấp quốc tịch để thu hút đầu tư nước ngoài.

Les Echos nhận thấy giành giật đầu tư nước ngoài giờ đây thực sự là một cuộc chiến trong các nước phương Tây. Hàng loạt các nước như Anh Quốc, Hy Lạp, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha đều đã có chủ trương lấy đầu tư làm điều kiện để cấp thẻ cư trú cho người nước ngoài với mức đầu tư ban đầu từ 200 nghìn đến 10 triệu euro, tùy theo quy định của từng nước. Ví dụ Malta, quốc đảo nhỏ bé này thậm chí còn đưa ra điều kiện chỉ cần đầu tư 650 nghìn euro là có thể nhận được quốc tịch.

Trong « cuộc chiến » này, theo Les Echos, Luân Đôn đang vươn lên dẫn đầu. Việc cấp visa đặc biệt cho các doanh nhân, nhà đầu tư giàu có ở ngoài khu vực Châu Âu, theo chủ trương của chính phủ David Cameron đang ngày càng gia tăng và đã vượt qua ngưỡng 1000 người. Les Echos, dẫn lời nhận xét của một nhà nghiên cứu vấn đề nhập cư ở Anh : « Cách đây hai mươi năm, những người nhập cư là doanh nhân mơ ước có được tấm thẻ Xanh để đến thung lũng Silicon (Mỹ), thì giờ đây Luân Đôn cũng là nơi kích thích không kém » .

Cuộc cạnh tranh lôi kéo đầu tư ngoại quốc theo cách này ở các nước phương Tây giờ đây trở nên phổ biến đến mức Les Echos phải đặt câu hỏi : Liệu quy chế công dân có thể mua được hay sao ?

Cũng vì lý do đó mà hôm nay (16/1), các nghị sĩ Châu Âu bỏ phiếu thông qua « một nghị quyết » yêu cầu Ủy ban Châu Âu phải xem xét lại cách thức của nhiều quốc gia đang dùng tiền đầu tư đổi lại quyền cư trú hay quyền công dân cho những doanh nhân ngoài Liên Hiệp Châu Âu.

Pháp : Tiếp tục xôn xao với chuyển hướng chính sách của Tổng thống

Một ngày sau cuộc họp báo đầu năm của Tổng thống François Hollande, các báo Pháp hôm nay vẫn tiếp tục khai thác hết mọi khía cạnh xung quanh các chủ trương vừa được Tổng thống thông báo mà tâm điểm vẫn là các biện pháp kinh tế, trên nền tảng chuyển hướng chính trị.

Hình ảnh của Tổng thống François Hollande trên diễn đàn họp báo tiếp tục chiếm hầu hết các trang nhất của báo Pháp. Hầu hết các báo ra hôm nay đều có chung nhận định biện pháp kích cung, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, là một chủ trương quan trọng với nước Pháp lúc này. Nhưng làm thế nào để triển khai chủ trương « thỏa ước trách nhiệm với doanh nghiệp » đầy tham vọng mà Tổng thống Hollande đã trình bày trong cuộc họp báo ngày hôm kia (14/1) ?

Báo Le Monde chạy tựa lớn trang nhất với nhận định « Hollande áp đặt sự lựa chọn doanh nghiệp cho cánh tả ». Trong cuộc họp báo hôm 14, Tổng thống pháp đã thông báo giảm nhẹ nhiều khoản đóng góp xã hội mà doanh nghiệp phải trả cho nhân công với mục đích kích thích doanh nghiệp đầu tư, hạ giá thành lao động, tạo thêm công ăn việc làm... Đây là một biện pháp có phần đi chệch hướng so với chủ trương của đảng Xã hội, vốn vẫn đặt trọng tâm vào các chính sách an sinh xã hội của người dân. Nhưng xem ra chính sách mới này có phần thuyết phục dư luận.

Trong bài xã luận, Le Monde cho rằng điều quan trọng là bây giờ xem chính phủ hành động ra sao cho tham vọng này. Tờ báo phân tích các sự lựa chọn của Tổng thống Pháp lúc này phải trả lời câu hỏi : Việc trút bớt gánh nặng đóng góp xã hội cho doanh nghiệp có mang lại hiệu quả tạo công ăn việc làm hay không, và giới chủ có sẵn sàng với trách nhiệm tạo thêm công ăn việc làm.

Le Monde cũng đưa ra một băn khoăn là làm sao chính phủ có thể bù đắp vào thiếu hụt từ việc giảm đóng góp của doanh nghiệp, trong lúc đang phải tiết kiệm từng đồng ngân sách. Xã luận của Le Monde kết luận với hòai nghi : « François Hollande đã trình bày chiến lược của mình, nhưng chiến thắng trong vụ đặt cược này vẫn còn xa vời với ông ».

Cụ thể hơn, La Croix đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : « Làm sao để tiết kiệm được 50 tỷ euro ? ». Đó là 50 tỷ euro tiết kiệm chi tiêu ngân sách từ 2015 đến 2017. Theo Nhật báo Công giáo, sau khi đã tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia, thì người điều này là « có thể, nhưng sẽ không dễ dàng ».

Có nhiều hướng có thể đã được Tổng thống Pháp gợi ý trong cuộc họp báo hôm thứ Ba : Cắt gọt ngân sách Nhà nước chi cho Giáo dục chẳng hạn; bớt số lượng công chức; xem lại chính sách nhà cửa; chấm dứt tạo ra chi tiêu mới; cải cách bộ máy địa phương.

La Croix nêu ví dụ của Thụy Điển, cách đây 20 năm, nước này cũng đã phải sử dụng những biện pháp hà khắc cắt giảm hàng lọat các chi tiêu cho chính sách xã hội. Và giờ đây hãy chờ xem thí dụ Thụy Điển có thể áp dụng được với nước Pháp.

Về khía cạnh chính trị, nhiều tờ báo nhìn thấy ở các thông báo chủ trương của Tổng thống Pháp một bước ngoặt về đường lối. Liberation chay tựa lớn « Cánh hữu bị lung lay ». Tờ báo nhận định : « Với việc thông báo cắt giảm chi tiêu công, xóa bỏ cho doanh nghiệp những khỏan đóng góp trợ cấp xã hội, Tổng thống Pháp đang găm cây sào ở cánh trung hữu. Nguy cơ có thể sẽ dẫn đến mất ổn định ngay trong phe của mình ». Bên cạnh đó, Liberation cũng rút ra một nhận xét khác, đó là cánh hữu mà đối lập chính là UMP đã bị chia rẽ sau những thông báo của Tổng thống François Hollande hôm thứ Ba vừa qua, vì sự điều chỉnh đường lối này có chiều hướng tiếp cận gần với chủ trương của cánh hữu. Vậy thì còn đâu là đối lập khi người ta đã trở nên tương đồng ?

Mêhico : Chính phủ khó giải giáp vũ khí dân quân tự vệ

Nhật báo Libération đến với Mêhico với bài viết : « Tại Mêhico, dân quân và chính phủ đấu súng ».

Bài viết nói về một thực tế ở đất nước này, đó là những nhóm tự vũ trang được người dân tự lập nên để chống lại các băng đảng buôn ma túy ở tiểu bang Michoacan, miền tây Mêhico giờ đây đã vượt ra ngoài tầm kiểm sóat của chính phủ.

Sau khi quyết định tự vũ trang chiến đấu đuổi các băng đảng buôn ma túy ra khỏi làng mạc bảo vệ cuộc sống của chính mình, các đội tự vệ này đang đứng trước sự lựa chọn, giao nộp lại vũ khí cho chính quyền hay tiếp tục phát triển tổ chức. Nguyên do là chính phủ bắt đầu lo ngại quy mô của các tổ chức dân quân vũ trang ngày càng lớn và đã quyết định giải giáp vũ khí của họ. Tuy nhiên việc làm này không hề dễ dàng vì người dân cảm thấy họ phải chiến đấu để bảo vệ cuộc sống của mình, trong khi chính phủ tỏ ra bất lực với các băng đảng ma túy cũng như không bảo vệ được cuộc sống của người dân. Nguy cơ lúc này là rất có thể chính những đội dân quân tự vệ này sẽ quay súng chống lại quân chính phủ.

Chuyện tình Hollande-Gayet : báo Pháp hưởng lợi

Vụ việc lùm xùm xung quanh chuyện tình của Tổng thống Pháp, một chủ đề thời sự nóng những ngày qua được Le Figaro nhìn dưới góc độ kinh tế.

Từ khi vụ việc Tổng thống François Hollande bị phát giác đi lại với cô diễn viên Julie Gayet, thì cái tên và hình ảnh của diễn viên mà trước đây chỉ ít ngày không mấy ai biết đến, bỗng phủ kín các trang bìa của nhiều tuần báo tạo chí dành cho người nổi tiếng như Gala, Public hay Elle. Hình ảnh cặp đôi Hollande-Trierweiler thì chiếm bìa của tạp chí Paris Match. Ngoài ra, hầu như các tuần báo, tạp chí khác đều theo chân Closer, tờ báo nổ pháo hiệu phát giác vụ việc, khai tác tối đa các chi tiết liên quan đến cuộc tình tay ba của Tổng thống Pháp.

Theo Le Figaro, Closer đã bán được 600 nghìn bản cho số ra đặc biệt này, tức là gần gấp đôi với số lượng ấn bản bình thường. Thứ Sáu tuần này, Closer sẽ còn tiếp tục ra ấn bản đặc biệt mới về đề tài đang ăn khách này. Câu chuyện tình cảm của Tổng thống Pháp còn đem lại « lộc » lớn cho các báo từ Anh cho đến Mỹ, từ Đức qua đến Ý.

Le Figaro nhận xét, vào lúc mà báo in đang mất khách thê thảm thì chuyện tình Hollande –Gayet quả đã mang lại món lợi lớn. Độc giả vẫn còn tò mò muốn biết rõ chi tiết các tin đồn tung lên mạng và các báo thì thi nhau giật tít sao cho thật câu khách. Một chủ sạp báo ở Paris cho biết, cứ báo nào đưa cặp Hollande –Gayet lên trang nhất là bán chạy, kể cả nhật báo cũng vậy. Các tòa báo hy vọng câu chuyện làm ăn của họ còn gặp thuận lợi thêm ít ngày nữa, khi mà Tổng thống Hollande đã quả quyết sẽ làm sáng tỏ mọi việc trước chuyến thăm Mỹ dự kiến vào ngày 11/2 tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.