Vào nội dung chính
UKRAINA - KHỦNG HOẢNG

Ukraina : Bế tắc

Tình hình Ukraina được hầu hết các tờ báo chính tại Pháp quan tâm. Liberation chạy trên trang nhất hàng tựa : « Ukraina : Bế tắc ». Phe đối lập tiếp tục gây sức ép, trước các nhượng bộ của Tổng thống Ianoukovitch, trong lúc đó, cảnh sát gia tăng cách hành động thô bạo trấn áp những người biểu tình.

Lều bạt của người biểu tình chống chính phủ tại quảng trường Kiev, Ukraina, ngày 27/01/2014
Lều bạt của người biểu tình chống chính phủ tại quảng trường Kiev, Ukraina, ngày 27/01/2014 REUTERS
Quảng cáo

Theo đặc phái viên của Liberation, « Tại Kiev : Chính phủ bắt giữ các con tin ». Từ một tuần qua, nhiều nhà đối lập đã bị cảnh sát bắt giữ. Một số người bị đưa ra xét xử vội vã. Một số khác bị đánh đập. Nhiều người bị mất tích. Theo Amnesty International, có ít nhất 71 người biểu tình bị bỏ tù. Chính quyền Kiev tỏ thái độ rõ ràng : Những người này sẽ không được trả tự do chừng nào vẫn còn người biểu tình trên đường phố.

Để hiểu thêm tình hình tại Ukraina, Liberation đã phỏng vấn bà Alexandra Goujon, giảng viên tại đại học Bourgogne và học viện Khoa học chính trị Paris, tác giả cuốn « Cách mạng chính trị và bản sắc tại Ukraina và Bélarus ».

Theo chuyên gia này, phong trào biểu tình chống Tổng thống Viktor Ianoukovitch ngày càng trở nên cực đoan, đặc biệt từ hơn một tuần qua, trước sự bất lực của giới lãnh đạo đối lập và thái độ đáp trả cũng rất cực đoan của chính quyền. Vậy, phải chăng phe đối lập là hiện thân cho một giải pháp tại Ukraina ? Chuyên gia Goujon cho rằng, phe đối lập giữ vai trò là phát ngôn viên chính trị cho phong trào phản kháng, nhưng sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng vào phe đối lập vẫn rất lớn. Những người biểu tình không hề có ảo tưởng vào các đại diện phe đối lập, bởi vì những nhân vật này ít nhiều vẫn có gắn bó với hệ thống chính trị hiện hành.

Mặt khác, họ cũng ý thức được rằng quá trình chuyển tiếp đòi hỏi phải có thời gian và không thể ngày một ngày hai tạo dựng ra được một nhân vật lãnh đạo. Điều này giải thích vì sao, hàng chục hiệp hội, các tổ chức trong xã hội dân sự đã huy động lực lượng, duy trì biểu tình tại Kiev để gây áp lực với chính quyền.

« Ukraina : Cần khẩn cấp đối thoại » là hàng tựa trên trang nhất báo La Croix. Phong trào phản kháng vẫn tiếp tục, trong lúc Tổng thống Ukraina đã đưa ra một số đề nghị để thoát khỏi khủng hoảng. Mặt khác, tờ báo cũng tố cáo « Chính quyền gia tăng các hành động sách nhiễu chống lại phong trào phản kháng », thậm chí, cảnh sát còn xông vào các bệnh viện để bắt giữ những người bị thương trong các vụ đụng độ, vi phạm nghiêm trọng nhân quyền.

Cũng về hồ sơ này, Le Figaro cho biết, « Tại Ukraina : Những người đối lập bỏ ngoài tai các nhượng bộ ». Ở thủ đô Kiev, những người biểu tình lại tấn công hai công sở của chính quyền. Theo Bộ trưởng Nội vụ Ukraina thì phe đối lập không còn ảnh hưởng đối với các nhóm cực đoan nữa.

Châu Âu – Nga –Ukraina

Trong khi đó, theo báo Le Monde, « Bị những người biểu tình dồn đến đường cùng, chính quyền Ukraina tìm kiếm trung gian quốc tế ». Vào lúc tình hình tại Ukraina dường như bế tắc, chính quyền Kiev đã tranh thủ Diễn đàn kinh tế Davos, Thụy Sĩ, để tìm kiếm sự trung gian quốc tế với sự hiện diện của Thủ tướng Ukraina Mykola Azarov.

Cũng từ Davos, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Manuel Barroso đã điện đàm với Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovitch, cảnh báo các hậu quả, nếu chính quyền Kiev gia tăng trấn áp biểu tình.

Trả lời phỏng vấn báo Le Monde, Thủ tướng Ukraina, đồng thời là Chủ tịch « đảng Các vùng », đảng của Tổng thống Ianoukovitch cho rằng Liên Hiệp Châu Âu có thể đóng góp tích cực vào tình hình Ukraina, nếu trong chuyến công du Kiev sắp tới, bà Catherine Ashton, lãnh đạo ngoại giao Châu Âu, giúp chính quyền và phe đối lập đàm phán với nhau, trước tiên là nhằm chấm dứt bạo lực.

Thủ tướng Ukraina cũng nhắc lại là Kiev sẵn sàng hợp tác với Châu Âu và việc chưa ký hiệp định liên kết với Liên Hiệp Châu Âu chỉ là tạm thời do hoàn cảnh kinh tế hiện nay. Đồng thời, Thủ tướng Ukraina cũng yêu cầu Châu Âu lên án một cách rõ ràng những vụ tấn công nhắm vào lực lượng cảnh sát và các công sở của chính quyền, cũng như những âm mưu lật đổ chính phủ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Ukraina còn hội đàm với Tổng thống Thụy Sĩ, vì nước này hiện là Chủ tịch Tổ chức An ninh và Họp tác Châu Âu (OSCE) và cho rằng, là một quốc gia trung lập, Thụy Sĩ có thể giúp tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraina.

Một số nước Châu Âu lo ngại về nguy cơ Ukraina quay lại chế độ độc tài, giống như Belarus. Thủ tướng Ukraina đã đáp lại rằng chính Châu Âu có trách nhiệm giúp đỡ Ukraina không đi theo con đường này.

Nhân đang nói về trách nhiệm, xã luận báo Liberation kêu gọi Châu Âu hãy « Dũng cảm ». Thượng đỉnh Nga – Liên Hiệp Châu Âu sẽ diễn ra vào ngày mai, 28/01, tại Bruxelles. Trong ngôn từ ngoại giao Châu Âu, người ta chỉ nói là hy vọng sẽ có được « một cuộc thảo luận thẳng thắn và minh bạch ».

Tình hình Ukraina chắc chắn sẽ là trọng tâm chính của Thượng đỉnh lần này. Nếu Châu Âu không có thái độ dũng cảm, thì tại Thượng đỉnh, hai bên trình sẽ bầy lập trường của mình và sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin, được coi là người đỡ đầu Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovitch, sẽ bình thản ra về. Nếu trường hợp này xẩy ra, theo Liberation, Châu Âu sẽ để lỡ một cơ hội mới đảm đương vai trò của mình trên sân khấu chính trị quốc tế.

Cuộc khủng hoảng Ukraina đã kéo dài từ hơn hai tháng qua, Châu Âu phải tỏ rõ lòng dũng cảm, đưa ra những thông điệp rõ ràng đối với ông Putin, bởi vì nguyên thủ Nga dường như đang sẵn sàng biến Ukraina thành biểu tượng của một cuộc đối đầu Đông – Tây, giống như thời Liên Xô cũ. Theo Liberation, chỉ còn vài ngày nữa sẽ khai mạc Thế Vận Hội mùa đông Sotchi. Ông Putin không có lợi ích gì đối đầu với cộng đồng quốc tế và ông có đủ lập luận để thuyết phục Tổng thống Ukraina chấp nhận tổ chức các cuộc bầu cử. Đây là giải pháp cần thiết để tránh mọi hành động lạm dụng và quá thái của các nhóm cực đoan. Các nhượng bộ của Tổng thống Ukraina không đánh lừa được ai và không đủ để dập tắt một cuộc khủng hoảng. Hồ sơ này là một trắc nghiệm mang tính quyết định đối với tương lai chính trị của Châu Âu.

Khodorkovski nói về hệ thống nhà tù Nga

Le Monde có bài phỏng vấn cựu tỷ phú Nga Mikhail Khodorkovski, người vừa được chính quyền Nga trả tự do hồi cuối tháng 12 năm ngoái. Ngay từ đầu cuộc gặp, ông Khodorkovski đã nhấn mạnh là ông không muốn nói chuyện về chính trị nữa.

Với hàng tựa « Cuộc đời của tôi sau hàng rào dây thép gai », cuộc phỏng vấn chỉ xoay quanh chủ đề nhà tù tại Nga và ông Khodorkovski đã kể lại cuộc sống thường ngày của ông trong tù.

Trong bài phỏng vấn, nhà cựu tỷ phú khẳng chính cựu Ngoại trưởng Đức Hans Dietrich Genscher, đã thông qua trung gian, gợi ý ông viết thư xin ân xá lên Tổng thống Putin và bản thân ông Khodorkovski cho đến lúc này cũng không biết chính xác vì sao ông được thả. Có thể là Tổng thống Putin muốn chứng minh rằng các cố vấn thân cận không thể tác động đến việc ra các quyết định của ông.

Thời sự Pháp

Cơ quan thẩm định tài chính quốc tế Moody’s giữ điểm Aa1 cho nước Pháp, vụ chấm dứt chung sống giữa Tổng thống François Hollande và Valérie Trierweiler là hai chủ đề được nhiều tờ báo đề cập tới.

Với bài « Cải cách : Moody’s gây áp lực đối với Pháp », trên trang nhất, báo Le Figaro nhận định, khi cho điểm Aa1, Moody’s tỏ thái độ nghi ngờ về khả năng của nước Pháp cải thiện tính cạnh tranh, cho dù Tổng thống Hollande thông báo kế hoạch cải cách. Trong bối cảnh đó, ông Arnaud Montebourg, Bộ trưởng phụ trách Phục hồi sản xuất, nói đến « chủ nghĩa yêu nước trong lĩnh vực công nghiệp », chủ trương là Nhà nước phải can thiệp để tạo thuận lợi cho tăng trưởng.

Báo Les Echos có cùng nhận định : « Moody’s tạm hoãn phán xử nước Pháp, nhưng nghi ngờ về khả năng cải cách ». Cơ quan thầm định tài chính lo ngại là việc ký kết « thỏa ước về trách nhiệm » giữa chính phủ và các doanh nghiệp, có nguy cơ bị chậm lại hoặc bị giảm bớt sự chú ý do các cuộc thảo luận kéo dài với các đối tác xã hội, như doanh nghiệp, công đoàn.

Tuy vẫn dành cho Pháp điểm Aa1, đứng hàng thứ hai trong nhóm các điểm tốt nhất, Moody’s vẫn không thay đổi đánh giá về triển vọng tiêu cực. Điều này có nghĩa là Moody’s không loại trừ khả năng hạ điểm của nước Pháp trong trung hạn.

« Hollande – Trierweiler : Khép lại trang sử quan hệ », báo Le Figaro cho rằng khi chấm dứt chung sống với bà Valérie, nguyên thủ Nhà nước Pháp rất muốn nhanh chóng kết thúc vụ này.

Tuy nhiên, theo tờ báo, trước một sự việc chưa từng có này, giới làm thăm dò dư luận cần phải chú ý tới tỷ lệ được lòng dân của ông Hollande, đặc biệt là phản ứng của các nữ cử tri. Ông Bernard Sananes, Chủ tịch Tổng Giám đốc viện thăm dò dư luận CSA, nhận định, sau vụ này, cần phải thận trọng theo dõi phản ứng của công luận. Hình ảnh chính trị của Tổng thống có thể ít bị ảnh hưởng, nhưng hình ảnh cá nhân ông Hollande thì có thể ít nhiều bị tổn hại.
Báo La Croix, với hàng tựa ngắn gọn « Bà Valérie Trierweiler đã rời điện Elysée », đề cập đến cuộc tranh luận về quy chế « Đệ nhất phu nhân ».

Khi thông báo chấm dứt quan hệ chung sống với bà Valerie Trierweiler, theo báo Liberation, « Ông Hollande cũng đoạn tuyệt với quy chế đệ nhất phu nhân ».

Theo một cuộc thăm dò do viện BVA và báo Le Parisien thực hiện ngày 22/01, thì có 54% dân Pháp mong muốn là vợ hoặc chồng của Tổng thống Pháp không nên giữ một vai trò chính thức nào nữa và không nên dùng ngân sách Nhà nước để chu cấp cho hoạt động của người này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.