Vào nội dung chính
UKRAINA

Thủ tướng Ukraina từ chức, Quốc hội hủy bỏ luật cấm biểu tình

Tại Ukraina, tình hình chính trị có dấu hiệu chuyển biến dồn dập. Trong một bản thông cáo, Thủ tướng Mykola Azarov đã tuyên bố từ chức vào hôm nay, 28/01/2014. Quyết định này được đưa ra chỉ ít lâu trước lúc Quốc hội nước này mở phiên họp đặc biệt để ​​thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến chính trị. Trước mắt luật cấm biểu tình đã được hủy bỏ.

Thủ tướng Ukraina Mykola Azarov tuyên bố từ chức 28/01/2014 - REUTERS /Gleb Garanich
Thủ tướng Ukraina Mykola Azarov tuyên bố từ chức 28/01/2014 - REUTERS /Gleb Garanich
Quảng cáo

Trong thông cáo từ chức - được đăng vào sáng sớm trên trang web của chính phủ Ukraina - Thủ tướng Ukraina giải thích : « Tôi quyết định yêu cầu Tổng thống [Ianoukovitch] chấp nhận đơn từ chức của tôi… để tạo thêm điều kiện cho một thỏa hiệp chính trị và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình ». Theo ông Azarov, cần phải duy trì sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, và điều đó quan trọng hơn bất kỳ tham vọng cá nhân nào.

Đối với cựu võ sĩ quyền Anh Vitali Klitschko, một trong những lãnh đạo phong trào biểu tình chống chính phủ, việc Thủ tướng Azarov từ chức này là « một bước mới tiến đến chiến thắng » của phong trào đối lập vì theo ông, « những gì đang xảy ra trên đường phố chính là hậu quả của các chính sách do chính phủ hiện thời thực hiện ».

Tin về việc đương kim Thủ tướng từ chức được đưa ra vào lúc Quốc hội Ukraina trên nguyên tắc phải họp phiên đặc biệt để tìm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng, một phiên họp được coi là rất quan trọng, được triệu tập sau một nhượng bộ lớn của chính quyền đối với phe đối lập, với lời hứa bãi bỏ luật chống đấu tranh và chống biểu tình.

Luật này, được Quốc hội Ukraina trong tay đảng cầm quyền thông qua ngày 16/01 vừa qua, đã được hủy bỏ ngay vào đầu phiên họp hôm nay, đúng theo yêu cầu của phe đối lập.

Có tất cả 361 dân biểu bỏ phiếu tán đồng việc hủy bỏ, chỉ có hai người chống, cho dù đa số Quốc hội nằm trong tay của chính quyền. .

Vào chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận tiếp về một số biện pháp hòa giải khác như ân xá tất cả những người biểu tình đã bị bắt trong những vụ đụng độ với cảnh sát.

Ngoài ra, còn có một số điểm khác như khả năng bầu Quốc hội trước thời hạn. Đây là một đòi hỏi của đường phố, nhưng phong trào biểu tình lại muốn hơn thế nữa, vì họ đòi luôn một cuộc bầu cử tổng thống trong năm nay.

Điểm thứ ba cần thảo luận là việc cải tổ hiến pháp, trở lại với Hiến pháp năm 2004, vốn dành cho Tổng thống ít quyền hạn hơn trong lúc cho Quốc hội – tức là chính phủ - nhiều quyền hơn.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.