Vào nội dung chính
CHÂU MỸ

33 nước châu Mỹ Latinh hứa xây dựng "khu vực hòa bình"

Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribê (CELAC) lần thứ hai, được tổ chức tại La Habana kết thúc hôm qua, 29/01/2014. Đây là một hội nghị đặc biệt quan trọng đối với khu vực Châu Mỹ Latinh. 33 nước thành viên CELAC tuyên bố biến Mỹ Latinh và vùng vịnh Caribê thành một « khu vực hòa bình ».

Các nguyên thủ quốc gia châu Mỹ Latinh nhân lễ khai mạc thượng đỉnh Celac - Roberto Stuckert Filho /PR
Các nguyên thủ quốc gia châu Mỹ Latinh nhân lễ khai mạc thượng đỉnh Celac - Roberto Stuckert Filho /PR
Quảng cáo

Sự ủng hộ của 33 quốc gia thành viên cũng mang lại cho Cuba một thắng lợi ngoại giao quan trọng trong bối cảnh quốc gia này tiếp tục chịu áp lực của chính sách đối địch từ Hoa Kỳ.

Tại Hội nghị thượng đỉnh CELAC, các quốc gia thành viên « long trọng » tuyên bố xây dựng một khu vực « hòa bình » : 33 nước từ chối sử dụng sức mạnh hay đe dọa sử dụng sức mạnh để giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Cũng trong hội nghị này, tổng thống Chili Sebastian Pinera đã gặp Tổng thống Peru Ollanta Humala, sau khi Tòa án Quốc tế La Haye ra phán quyết về các tranh chấp biên giới song phương. Hai bên cam kết tôn trọng phán quyết của tòa, có lợi cho Peru.

Bên cạnh cam kết trên, một « Tuyên bố La Habana », gồm 80 điểm, cũng được hội nghị thông qua. Tuyên ngôn kể trên thể hiện các cam kết của Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe 600 triệu cư dân trong một loạt lĩnh vực : chống nghèo đói, đẩy lùi nạn mù chữ, an toàn lương thực, phát triển nông nghiệp, hợp tác kỹ thuật và khoa học, hội nhập kinh tế tài chính…

Cuba gặt hái thành công ngoại giao lớn

Phát biểu tại hai phiên họp ngày thứ Ba và thứ Tư, với sự có mặt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban ki-moon, tất cả đại diện của 33 quốc gia tham dự cảm ơn Cuba, nước đăng cai, và lên án chính sách cấm vận kinh tế và tài chính mà Hoa Kỳ áp đặt lên chế độ cộng sản tại đảo quốc từ năm 1962.

Theo nhà phân tích chính trị Arturo Lopez-Levy, đại học Denver (Mỹ), « chưa bao giờ kể từ năm 1959 Cuba lại nhận được sự ủng hộ của khu vực rõ ràng đến như vậy ». Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe bao gồm toàn bộ các quốc gia Châu Mỹ, không kể Hoa Kỳ và Canada.

Đây cũng là lần đầu tiên Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ tức Organization of American States (OAS), do Hoa Kỳ chi phối, cử đại diện (Tổng thư ký người Chili José Miguel Insulza) tới Cuba. Cuba bị trục xuất khỏi OAS vào năm 1962, nhưng chưa bao giờ tìm cách hội nhập tổ chức này bất chấp trừng phạt được dỡ bỏ năm 2009.

Về vấn đề nhân quyền, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thông báo đã đề cập với Chủ tịch Raoul Castro về « những vụ bắt bớ vô cớ » các nhà đối lập và kêu gọi chế độ cộng sản phê chuẩn các hiệp ước về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, mà Cuba đã ký vào năm 2008.

Nhân dịp hội nghị thượng đỉnh CELAC, sứ quán Costa Rica - quốc gia giữ chức chủ tịch CELAC - đã tiếp người phụ trách của Ủy ban nhân quyền Cuba, một tổ chức của đối lập mà chính quyền để cho tồn tại.

Ngày thứ tư, 29/01, Liên Hiệp Châu Âu quyết định xem xét lại chính sách chung đối với Cuba nhằm « cổ vũ quá trình cải cách và đối thoại trên cơ sở tôn trọng nhân quyền ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.