Vào nội dung chính
THẾ VẬN HỘI

Mặt trái của Thế vận hội Sotchi

“Ấn tượng”, hoàng tráng” và “lộng lẫy” là những lời bình của giới truyền thông quốc tế về lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông Sotchi 2014, diễn ra vào ngày hôm qua thứ sáu 07/02/2014. Bên cạnh những lời tán thưởng, giới báo chí phương Tây cũng chú ý đến tầm ảnh hưởng của thông điệp chính trị và tầm quan trọng của thế vận hội trong con mắt của tổng thống Nga Vladimir Putin.

Sotchi : Công trường xây dựng lớn nhất thế kỷ nhưng với giá nào - REUTERS /Fabrizio
Sotchi : Công trường xây dựng lớn nhất thế kỷ nhưng với giá nào - REUTERS /Fabrizio
Quảng cáo

Le Figaro đưa tít trên trang nhất “Putin khai mạc Thế vận hội mang dấu ấn sự hùng mạnh của nước Nga”. Tại buổi lễ, người xem được thấy toàn bộ lịch sử nước Nga vĩ đại. Thế nhưng, sự hoành tráng lộng lẫy của lễ khai mạc cũng không che đậy được “Mặt trái của chiếc mề đay” như tựa đề nhận định bài viết trong mục Tranh luận trên trang 16.

Tác giả bài viết Thomas Gomart, giám đốc phát triển chiến lược của Ifri ghi nhận, hiện nay ông Putin đang phải đối mặt với ba thách thức lớn: khủng hoảng Ukraina, sự đình trệ kinh tế và các thỏa thuận thương mại với các quốc gia châu Âu và châu Á. Trong khi đó, ngay trong nước, uy tín của tổng thống Nga đã sụt giảm đáng kể. Hơn 50% người Nga không tán đồng với các chính sách của chính phủ.

Nhật báo thiên tả Libération cũng đồng thanh tương ứng khi đi sâu vào chi tiết. Tờ báo cho rằng lễ khai mạc “vượt quá mức dự án do Putin đề xướng”. Thật ra đây là dịp để ông Putin chứng tỏ với toàn thế giới về đất nước mà ông ta đã xây dựng nên trong 14 năm cầm quyền”, Libération nhận định trong bài viết đề tựa “Những đỉnh cao vinh quang dành cho Vladimir Putin”. Bởi vì đối với tổng thống Nga, Sotchi còn tượng trưng cho sự trở lại trên chính trường quốc tế một nước Nga hùng cường và hiện đại.

Trên một góc độ nào đó, ông Putin cũng đã thắng cược, vì “ông đã thực hiện được một cách ngoạn mục những gì đã hứa vào năm 2007”, theo như nhận xét của ông Jean-Claude Killy, chủ tịch ủy ban điều phối cho Uỷ ban Thế vận Quốc tế. Sotchi đã biến thành “tấm gương phản chiếu những gì mà chính người dân Nga gọi là nước Nga mới”.

Cả khu vực dành để tổ chức các cuộc tranh tài đã được “thay da đổi thịt”. Từ một khu vực không được ai biết đến, một thành phố nghèo nàn với những vườn rau củ, nay mọc lên một khu thể thao Olympic khổng lồ, với những tòa nhà bằng kính, những sân vận động, khách sạn hạng sang, một khu vui chơi giải trí. Ở trên cao, hai trạm trượt tuyết cao cấp được xây dựng cùng với một con lộ mới và một đường tàu để phục vụ khách du lịch.

Libération tự hỏi: “Thay da đổi thịt ngoạn mục nhưng với giá nào?”. Ngay từ đầu, “công trường lớn nhất thế kỷ” đó đã bị chỉ trích mạnh mẽ. Hàng ngàn người dân bị di dời và nhiều người trong số họ vẫn chưa tìm được chỗ tái định cư như chính quyền cam kết. Hậu quả về môi trường cũng khôn lường. Các chất thải xây dựng chất đống gây ra các vụ sạt lở đất, làm ô nhiễm nguồn nước và biến cả khu vực sinh sống thành một khu chứa rác công nghiệp. Đó là chưa kể đến tình trạng vi phạm nhân quyền. Công nhân nhập cư bị bóc lột và đối xử tệ: bị giữ lương, đánh đập hay chửi mắng, tuyển dụng không có hợp đồng, bị trục xuất…

Nếu Sotchi là một kỳ Thế vận hội đầy tham vọng nhất của lịch sử, thì nó cũng là một kỳ Olympic đắt nhất (ngốn hết 37 tỷ đô-la). “Chính việc phải chạy đua với thời gian để hoàn tất các hạng mục đúng hạn đã dẫn đến việc vượt ngân sách”, theo như giải thích của một nhà cung cấp các màn ảnh lớn cho Thế vận hội của Pháp.

Nhưng phần đông giới quan sát quốc tế nhận thấy rằng yếu tố khiến Sotchi trở nên đắt nhất đó là do tham nhũng. Nhiều hợp đồng béo bở được giao cho các nhân vật thân cận với Putin. Một thăm dò do trung tâm Levada thực hiện cho thấy đa số những người được hỏi đều cho rằng việc “vượt ngân sách” là do tham nhũng và việc tổ chức Thế vận hội là dịp để các quan chức cao cấp trục lợi cá nhân.

Ấn Độ dậy sóng vì kỳ thị chủng tộc

Về thời sự Châu Á, báo Le Monde quan tâm tình hình xã hội tại Ấn Độ trong bài viết “Ấn Độ bị rung chuyển bởi một cuộc tranh luận chưa từng có về nạn kỳ thị chủng tộc trong xã hội”. Hôm thứ ba 04/02/2014 vừa qua, một cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra tại New Dehli sau vụ một sinh viên gốc Tây Tạng-Miến Điện bị đánh chết ngay tại một khu chợ ở thủ đô.

Cái chết của sinh viên trên đã làm dấy lên các cuộc tranh luận chưa từng có. Chủ đề này hầu như đang chiếm lĩnh các buổi phát hình và các trang báo Ấn. Câu hỏi đặt ra là “Phải chăng Ấn Độ là một xã hội kỳ thị chủng tộc, dù rằng khái niệm đa sắc tộc lại là nền tảng của bản sắc chung ?"

Tờ báo trích dẫn lời thuật của một nhân viên một hãng quảng cáo. Anh này có nguồn gốc từ một bang ở phía Đông bắc Ấn. Nơi đây thường xuyên diễn ra các cuộc nổi dậy đòi ly khai do cảm giác bị kỳ thị chủng tộc. Ngay cả đối với những người đã hội nhập tốt và sống ở những đô thị lớn của Ấn Độ, hàng ngày vẫn hay bị xét nét về diện mạo bên ngoài.

Không những không được đối xử như là một người Ấn bình thường, những người dân vùng đông bắc còn chịu nhiều thiệt thòi như phải trả các khoản chi phí cao hơn mức qui định khi đi vay mượn hay đi taxi, vốn thường hay áp dụng cho các du khách nước ngoài. Tệ hơn nữa là nạn quấy rối tình dục, thậm chí là cưỡng hiếp. Phần đông các nạn nhân đều là các cô gái đến từ các vùng đông bắc.

Điều mỉa mai, vì luôn là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc, những người dân vùng đông bắc vốn hằng mong được đối xử như những người Ấn Độ bình thường, thì nay cũng có thể bị hút theo làn gió khi có những lời lẽ gay gắt: “Người Trung Quốc ư, hãy xéo ngay về nước đi!”.

Công chúa Tây Ban Nha: “Nhàn cư vi bất thiện”

Trở lại với châu Âu, Le Figaro cho biết “Hoàng gia Tây Ban Nha trước công lý”. Cô con gái út của Vua Juan Carlos hôm nay phải hầu tòa vì tội biển thủ công quỹ. Tờ báo đánh giá đây là sự kiện đầu tiên trong lịch sử hoàng gia Tây Ban Nha.

Về mặt căn bản, đó chỉ là một vụ án biển thủ công quỹ bình thường. Chồng của công chúa Cristina, một cựu vận động viên bóng ném, đã thành lập một hệ thống lừa đảo lấy danh nghĩa doanh nghiệp hay tổ chức bất vụ lợi để được cấp tiền tài trợ từ chính quyền hay doanh nghiệp. Ngoài vụ này ra, Công chúa Cristina còn đang bị điều tra về tội trốn thuế và rửa tiền.

Le Figaro lấy làm ngạc nhiên làm thế nào quận công và công nương quyền quý lại có thể đi đến mức như vậy? Làm thế nào một công nương lại có thể keo kiệt hạ lương người giúp việc, dám tuyển người làm lậu ?

Theo nhận định của giới báo chí trong nước, bị mặc cảm vì bị hoàng tộc xem là kẻ “vô dụng”, chồng của Cristina tìm đủ mọi cách chứng tỏ khả năng làm giàu của mình. Dĩ nhiên trước tòa, công nương Cristina sẽ phải phủ nhận, nói rằng không biết chuyện của chồng. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, điều này hoàn toàn không đúng. Công nương biết rất rõ và còn góp phần tham gia vào việc quản lý. Bởi vì, “cả hai người đã quen với lối sống xa hoa, sang trọng và nhàn nhã. Thêm vào đó là sự tham lam quá đỗi” theo như nhận xét của vị thẩm phán.

Thụy Sĩ có khả năng xiết chặt luật nhập cư

Có quá nhiều dân nhập cư đang ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và đời sống Thụy Sĩ là những lập luận được các đảng phái chính trị đưa ra. Vào ngày mai; người dân xứ này sẽ bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc có nên hay không hạn chế dân nhập cư và thương thảo lại với Liên HIệp Châu Âu về thỏa thuận tự do lưu thông.

Chủ đề này được cả hai tờ báo Le Monde và Le Figaro đồng chú ý đến qua các hàng tựa “Người dân Thụy Sĩ bị thuyết phục phải tăng cường biên giới” và “Dân Thụy Sĩ bỏ phiếu về chính sách nhập cư”.

“Sự thái quá ảnh hưởng xấu đến Thụy Sĩ. Phải ngăn chặn nhập cư ồ ạt” là khẩu hiệu được giăng trên các đường phố Thụy Sĩ. Theo đề xuất của đảng Liên hiệp dân chủ cánh trung (UDC) cần phải “hạn chế bớt việc cấp giấy phép nhập cư cho người nước ngoài tùy theo tình hình kinh tế chung của đất nước”. Đề xuất này của UDC là nhằm nhắm đến các công dân Châu Âu đến từ Đức, Ý, Bồ Đào Nha và Pháp. Những người này có thể dễ dàng đến Thụy Sĩ là nhờ thỏa thuận tự do lưu thông ký kết với 15 thành viên thuộc Liên Hiệp Châu Âu năm 2002. Do đó, UDC đề nghị thương thuyết lại với Châu Âu về thỏa thuận này.

Theo lập luận của đảng này, Thụy Sĩ có mức tỷ lệ dân nhập cư cao nhất châu Âu ( chiếm 23% dân số). Tình trạng này đang gây ra những áp lực lớn lên chỗ ở, lương bổng, cơ sở hạ tầng (giao thông, đất canh tác sụt giảm…). Thậm chí người dân Thụy Sĩ thì phàn nàn rằng có quá nhiều người nói tiêng Đức ở đây.

Thế nhưng, báo Le Monde, phần đông người nhập cư đến từ các quốc gia châu Âu lãnh những công việc mà chính người dân bản xứ không muốn làm trong lãnh vực nhà hàng, dịch vụ…
Tuy nhiên, đảng Xã hội và giới chủ trong nước cảnh cáo rằng làn sóng bài ngoại cũng có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân công, không những trong lãnh vực tư mà cả trong lãnh vực công.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.