Vào nội dung chính
ĐA DẠNG SINH HỌC

Săn cá voi : Mỹ đe dọa trừng phạt kinh tế Island

Hôm 06/02/2014, Bộ trưởng Nội vụ Hoa Kỳ ra thông báo cảnh cáo Washington có thể trừng phạt kinh tế Island, vì quốc gia này vi phạm hiệp định quốc tế về cá voi và các động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng. Island là một trong hai quốc gia trên thế giới còn thực hành đánh bắt cá voi thương mại.

Các hiệp hội bảo vệ cá voi biểu tình trước hội nghị của Ủy ban Cá voi Quốc tế tại Panama năm 2012.
Các hiệp hội bảo vệ cá voi biểu tình trước hội nghị của Ủy ban Cá voi Quốc tế tại Panama năm 2012. Reuters/Carlos Jasso
Quảng cáo

Thông báo của Bộ Nội vụ Mỹ - phụ trách các vấn đề môi trường - nêu rõ việc đánh bắt cá voi hiện tại của Island vi phạm hiệp ước thương mại quốc tế về các động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES). Theo phía Hoa Kỳ, các hoạt động săn bắt của Island có thể làm tuyệt chủng loài cá voi Balaenoptera physalus, động vật lớn thứ hai trên trái đất.

Cho đến nay, Island và Na Uy là hai quốc gia duy nhất công khai thách thức thỏa thuận ngừng thương mại hóa cá voi năm 1986 của Ủy ban Cá voi Quốc tế (CBI), bao gồm 88 quốc gia thành viên. Nước thứ ba tiếp tục đánh bắt cá voi là Nhật Bản, nhưng dưới danh nghĩa “phục vụ mục tiêu khoa học”.

Island trên thực tế tiêu thụ ít thịt cá voi, một lượng lớn cá voi mà nước này săn bắt được chuyển sang thị trường Nhật Bản. Năm 2014, Island tăng quota đánh bắt lên 383 cá voi, bất chấp việc quota năm trước không đạt được. Chỉ riêng trong một mùa đánh bắt 2008-2009, tổng cộng ba nước Nhật, Na Uy và Island đã tiêu diệt hơn 1.500 cá voi.

Các hiệp hội bảo vệ động vật hoan nghênh quyết định trên của Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Sally Jewell.

Sau thông báo này, Tổng thống Barack Obama có 60 ngày để ra quyết định áp đặt trừng phạt kinh tế hay không. Năm 2011, sau một thông báo tương tự, thay vì các trừng phạt kinh tế, Tổng thống Hoa Kỳ đã đưa ra một số biện pháp ngoại giao. Phản ứng trước thông báo của Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngư nghiệp Island Sigurdur Ingi Johannsson cho rằng việc đánh bắt cá voi của nước mình hoàn toàn tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Ngược lại, Island cũng chỉ trích Hoa Kỳ để cho thổ dân vùng Alaska tiếp tục truyền thống đánh bắt loài cá voi Balaena mysticetus.

Cuộc chiến chống nạn đánh bắt cá voi dưới danh nghĩa "khoa học"

Mặc dù đại đa số các quốc gia thuộc Ủy ban Cá voi Quốc tế chống lại việc đánh bắt cá voi, với các nước phản đối tích cực như Úc, New Zearland, Hoa Kỳ, Pháp, Anh…, việc săn bắt cá voi vì mục tiêu thương mại vẫn tiếp tục, đặc biệt dưới danh nghĩa khai thác vì mục tiêu khoa học, đặc biệt là trường hợp Nhật Bản. Năm 2012, Hàn Quốc có ý định trở lại khai thác cá voi vì mục tiêu khoa học, nhưng sau đó đã từ bỏ ý định này dưới áp lực của cộng đồng quốc tế.

Một số hiệp hội bảo vệ môi trường, đặc biệt là Sea Sheperd, liên tục tổ chức các cuộc tấn công quấy nhiễu tầu thuyền săn cá voi Nhật Bản, với “nhiều biện pháp gây tranh cãi”. Do bị cản trở, mùa đánh bắt 2011-2012 Nhật Bản chỉ săn được 267 cá voi, tức chưa đầy một phần ba của mục tiêu 900 con/năm. Từ một vài năm gần đây, giá thịt cá voi ở Nhật Bản có phần giảm và ít có người mua. Các công ty Nhật buộc phải bán thịt cá voi với giá thấp cho các căng tin trường học hoặc bệnh viện.

Trong những năm gần đây, một số nước như Úc, New Zearland đã kiện Nhật Bản ra Tòa án Quốc tế La Haye về việc săn bắt cá voi thương mại dưới vỏ bọc “khoa học”. Theo nhật báo Le Monde (28/06/2013), Úc đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy việc đánh bắt cá voi của Nhật Bản không phải là để phục vụ khoa học, mà chỉ nhằm nuôi sống ngành công nghiệp cá voi với 50.000 cư dân đảo quốc.

Bản thân hiệp ước quốc tế ngừng thương mại hóa cá voi 1986 cũng có lúc đứng trước các áp lực bị hủy bỏ, do việc các quốc gia chủ trương săn bắt cá voi mua chuộc lá phiếu của một số thành viên khác.

Các nhà bảo vệ môi trường lo ngại cá voi – động vật có vai trò rất quan trọng đối với sự cân bằng của các hệ sinh thái - có nguy cơ tuyệt chủng do các hoạt động săn bắt và do đại dương bị ô nhiễm nặng nề.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.