Vào nội dung chính
BẮC TRIỀU TIÊN

Giải mã kinh tế Bắc Triều Tiên

Bắc Triều Tiên là chủ đề được đăng tựa trên trang nhất của nguyệt san Le Monde Diplomatique số ra tháng 02/2014. Tác giả bài viết là giáo sư Patrick Maurus, thuộc Viện nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông tại Paris (INALCO). Chuyên gia này cung cấp một góc nhìn khác về Bắc Triều Tiên, theo đó nền kinh tế của nước này không quá ảm đạm như người ta tưởng.

Các thiếu nữ tại thủ đô Bình Nhưỡng ngày 16/2/2014 đi đặt hoa tưởng niệm lễ sinh nhật cố lãnh tụ Kim Jong Il,
Các thiếu nữ tại thủ đô Bình Nhưỡng ngày 16/2/2014 đi đặt hoa tưởng niệm lễ sinh nhật cố lãnh tụ Kim Jong Il, REUTERS/Kyodo
Quảng cáo

Bài viết cho rằng, không nên hiểu như thường hiểu là nội bộ của Bắc Triều Tiên đang bị chia rẽ bởi hai phe bảo thủ và đổi mới, mà là nó bị chia rẽ giữa một bên là những người « đổi mới theo kiểu Trung Quốc », tức làm kinh tế thị trường với một đảng lãnh đạo và một bên là những người thuộc thế hệ cố cựu, họ tỏ ra thận trọng vì sợ rằng cải cách không khéo sẽ làm cho phe cánh của họ mất quyền lực.

Trên bình diện kinh tế, bài viết cho hay, nền kinh tế Bắc Triều tiên không quá nghèo nàn và khép kín như người ta tưởng. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Bắc Triều Tiên chiếm 67,2% tỷ lệ nhập khẩu của nước này, từ Hàn Quốc là chiếm 19,4%, , và từ Liên Hiệp Châu Âu (EU) là 3,6%. Hàng xuất khẩu của Bắc Triều Tiên đi Trung Quốc chiếm 61,6%, đi Hàn Quốc chiếm 20%, và đi EU chiếm 4%. Danh sách các đối tác kinh tế quan trọng đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan…ngày càng dài ra.

Nhờ vào sự giúp đỡ của Hàn Quốc, Nhật Bản, và nhất là Trung Quốc, Bắc Triều Tiên đã tiến hành khai thác các mõ dầu. Nhờ đó, nước này đã khắc phục được tình trạng thiếu năng lượng, tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp. Trong các cửa hàng lớn ở Bình Nhưỡng, theo bài báo, có đủ loại sản phẩm cần thiết : quần áo, đồ điện tử, trang sức, điện thoại di động…và có nhiều khách hàng. Chính sách giao dịch ngoại tệ cũng đã được nới lỏng. Đó là chưa kể Bắc Triều Tiên đã có trong tay 3 đặc khu kinh tế. Hàn Quốc dù đang xích mích với miền Bắc, nhưng lại là nhà cung ứng và bạn hàng thứ hai của Bắc Triều Tiên. Đặc khu kinh tế Kaesong cũng là một biểu hiện quan trọng cho quan hệ hợp kinh tế Nam-Bắc. Còn ở vùng ranh giới giáp với Trung Quốc, thương nhân Bắc Triều Tiên hoạt động sôi nổi ở hai thành phố Đan Đông và Diên Cát của hai tỉnh Liêu Ninh và Cát Lâm.

Nói chung là, theo bài báo, thì kinh tế Bắc Triều Tiên có vẽ đang phát triển tốt. Tờ báo đặc câu hỏi : trong tương lai, Bắc Triều Tiên có trở thành « con rồng nhỏ » ở Châu Á được không. Bài báo trả lời : có thể được, với điều kiện là chính sách cải tổ phải được tiếp tục, « một nhà nước hiện đại » phải được thiết lập. Bài viếc nhắc lại, sau khi bị các cuộc can thiệp nước ngoài hồi thế kỷ 20, sau khi bị Nhật Bản chiếm đóng, sau khi chính quyền cộng sản được thiết lập, sau khi tái thiết đất nước thời hậu chiến, Bắc Triều Tiên đã có kinh nghiệm và đang trong giai đoạn phát triển phát triển kinh tế.

Thế nhưng, khó khăn đối với chế độ Bình Nhưỡng không chỉ có kinh tế, mà còn cả về mặt ý thức hệ và pháp lý. Du kinh tế Bắc Triều Tiên có vẻ đang được cải cách và đang phát triển, thế nhưng nó chỉ diễn ra trong thực tế đời sống, còn trên phương diện chính thức về ý thức hệ, thì nhà cầm quyền chưa biết đặt tên cho nền kinh tế của mình là gì, tức chưa thể cho nó một « danh phận » thật sự.

Bắc Âu : Không quá sang giàu như người ta tưởng

Lâu nay, các nước Bắc Âu (Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch) là « giấc mộng » của nhiều nước, bởi ai cũng nghĩ những nước này giàu có và hạnh phúc. Sự thật có phải như thế không? Tờ báo The Guardian tại Luân Đôn đăng bài giả mã, được Courrier International trích dẫn với dòng tựa : « Sự thật về « huyền thoại Bắc Âu ».

Đến với Đan Mạch, tờ báo chỉ ra nhiều vấn đề mà nước này đang gặp phải. Theo thống kê, người Đan Mạch làm việc ít nhất thế giới, vì thế năng suất cũng rất èo ọt. Để có tiền trang trải, người Đan Mạch phải đi vay nợ, kể cả tín dụng đen. Có lẽ vì thế, mà theo thống kê, nói về nợ các hộ gia đình, thì người Đan Mạch thuộc hàng số một thế giới, với mức gấp 4 lần người Ý, tức vượt xa cái mức mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) phải cảnh báo.

Người Đan Mạch hiện xếp hàng thứ 6 trong danh sách những nước mà người dân đóng nhiều thuế nhất. Chưa hết, nền kinh tế Đan Mạch cũng đang tuột dốc. Theo báo chí của chính nước này, thì trong 10 năm qua, số người sống dưới ngưỡng nghèo đã tăng gấp đôi. Bên cạnh đó là nạn nhập cư ào ạt, tình trạng an ninh không đảm báo, và đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang dâng cao.

Đến với Phần Lan, The Guardian cho hay, nước này hiện xếp thứ ba thế giới về sở hữu vũ khí cá nhân (sau Mỹ và Yemen). Theo thống kê, nạn giết người ở Phần Lan nhiều nhất khu vực, gấp 2 lần nước Anh. Tỷ lệ người tự tử nước này cũng dẫn đầu các nước trong vùng. Đó là chưa kể nạn rượu chè be bét, tình trạng mất an ninh nghiêm trọng. Các trường đại học Phần Lan cũng mất dần sức hút so với trước kia bởi tình trạng mất an ninh này. Đáng chú ý nhất là vào năm 2008, một nam sinh đã sát hại đến 10 người bạn của mình.

Về phần Na Uy, tờ báo chú ý đến nạn bài ngoại đang rất trầm trọng. Làn sóng bài Hồi Giáo cũng luôn âm ĩ trong xã hội. Về kinh tế, nước này giàu có chủ yếu dựa vào dầu hỏa. Thế nhưng, mặt trái của nền kinh tế dầu hỏa đó là nạn tham nhũng.

Đối với Thụy Điển, tờ báo cho rằng, người Thụy Điển sống quá vị thân vị kỉ, chỉ biết có mình. Thất nghiệp nước này hiện cao hơn mức bình quân của Liên Hiệp Châu Âu. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang phát triển. Chưa hết, nước này tuy xưng là trung lập, nhưng lại là một cường quốc xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới.

Đức : Tái tăng cường ảnh hưởng trên thế giới ?

Từ sau thế chiến thứ hai, ảnh hưởng quân sự của Đức trên thế giới hầu như là không đáng kể, dù nước này hiện xếp thứ ba trong số các nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới. Hiện tại, ảnh hưởng này ra sao ? Tuần san L’Express đăng bài xã luận với dòng tựa : « Nước Đức hết mặc cảm ».

Bài báo nhận định, từ sau thế chiến thứ hai, nước Đức luôn có «mặc cảm tội lỗi », nên không đưa quân đi can thiệp ở các nước để làm nhiệm vụ quốc tế. Thế nhưng, mặc cảm đó đã bắt đầu được hóa giải hồi năm 1999 khi nước này gửi quân tham gia vào việc tái lập hòa bình tại Kosovo.

Trên đà đó, Đức đã tăng dần sự hiện diện quân sự trên thế giới. Theo bài báo, hiện tại, Đức có khoảng 5000 quân nhân có mặt ở các mặt trận nước ngoài như Afghanistan, Kosovo, Thổ Nhĩ Kỳ, Liban, Mali, Senegal, Sudan…Chẳng hạn như tại Mali, Đức dự định sẽ tăng cường quân Đức từ 100 lên 250 để hộ trợ quân Pháp.

Các tuyên bố của lãnh đạo Đức vừa qua cũng đáng chú ý. Tổng thống, Bộ trưởng quốc phòng, Bộ trường ngoại giao, đều có chung quan điểm tăng cường sự hiện diện của quân đội Đức trên thế giới. Tổng thống Đức, Joachim Gauk, tuyên bố : « Đức không phải là một ốc đảo. Hậu quả của việc không hành động có khi còn lớn hơn của việc hành động ». Ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Đức « không nên mãi nấp phía sau mặc cảm tội lỗi để nhắm mắt làm ngơ » trước những vấn đề trên thế giới.

Bộ trưởng quốc phòng Đức, Ursula vonder Leyen, thì đề cập trực tiếp vấn đề khi cho rằng : « Đức sẵn sàng mở rộng mức độ tham gia » các công việc trên thế giới. Hồi ngày 20 tháng rồi, bộ trưởng ngoại giao các nước EU họp tại Bruxelles cũng đã tuyên bố sẽ tăng cường hỗ trợ Pháp trên mặt trận Cộng hòa Trung Phi, trong đó Đức đóng là một trong những nhân tố chủ chốt.

Pháp : Cánh tả bị chỉ trích, cánh hữu đang lên ?

Liên quan đến nước Pháp, tuần san L’Express dàng hồ sơ đăng tựa trên trang nhất « Một cặp đôi đang lạc hướng ». Cặp đôi mà tờ báo đề cặp là Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault sau hơn 20 tháng cầm quyền.

Tờ báo chỉ trích tình trạng điều hành thiếu hiệu quả của Điện L’Élysée và Điện Matignon (phủ thủ tướng). Đó là việc thường xuyên thay đổi quyết định để làm hài lòng cánh bên này hoặc cánh bên kia, làm cho sự việc chẳng những không được giải quyết, mà còn thêm rối rắm. Tờ báo dẫn lời một quan chức Đảng Xã Hội cầm quyền nhận định chính sách của chính phủ thời gian qua là « một chính sách của sự thay đổi thường trực ». Từ đó, chính phủ ngày càng bị mất tín nhiệm. « Cặp đôi Hollande-Ayrault » đã điều hành đất nước gần 2 năm qua, theo tờ báo, hiện tại như là đang cùng chèo chống một con thuyền bị mất phương hướng và đang chìm dần.

Bên cạnh đó, tờ báo cũng chỉ ra những hạn chế trong hệ thống chính trị hiện hành tại Pháp. Đó là việc Tổng thống có quá nhiều quyền lực, bởi vậy nhất cử nhất động của Tổng thống đều làm dấy lên « sự lo sợ » cho toàn xã hội. Đó là việc lưỡng viện quốc hội Pháp có ít quyền lực trong hành động, nhưng có thừa quyền lực trong « cãi vã », bởi vậy nhất cử nhất động của thủ tướng đều có thể làm dậy sóng nghị trường.

Cũng bàn về nước Pháp, Le Nouvel Observateur chạy tựa lớn trên trang nhất : « Thế hệ phản ứng ». Tờ bào dành một hồ khá dài cung cấp nhiều thông tin về một bộ phận thanh niên cánh hữu tại Pháp, họ thường xuyên xuống đường phản ứng các chính sách của cánh tả, từ nạo phá thai đến hôn nhân đồng tính…

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.