Vào nội dung chính
ĐỨC - UKRAINA

Đức thay Châu Âu đứng ra giải quyết khủng hoảng Ukraina

Quyết tâm của Đức khẳng định vai trò của mình trên chính trường quốc tế được thể hiện rõ rệt qua các nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraina, vào lúc các nước Châu Âu chia rẽ, Liên Hiệp Châu Âu bị Hoa Kỳ coi thường và Nga chống phá.

Thủ tướng Đức  Angela Merkel (G) tiếp hai lãnh đạo chính của phe đối lập Ukraina, các ông Vitali Klitschko (T) và Arseni Iatseniouk (P) tại Berlin, ngày 17/02/ 2014.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (G) tiếp hai lãnh đạo chính của phe đối lập Ukraina, các ông Vitali Klitschko (T) và Arseni Iatseniouk (P) tại Berlin, ngày 17/02/ 2014. REUTERS/Johannes Eisele/Pool
Quảng cáo

Cũng như trên các vấn đề quốc tế quan trọng khác, cho đến nay, bà Catherine Ashton, đại diện cấp cao về ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu và các cộng sự của bà đã dành phần lớn thời gian làm việc để phối hợp lập trường các thành viên trong hồ sơ Ukraina, do các bất đồng về khả năng trừng phạt, về triển vọng đón nhận Ukraina làm thành viên. Hậu quả là Châu Âu không đề ra được một chiến lược hỗ trợ phe đối lập Ukraina.

Cùng lúc đó, ông Stefan Fule, ủy viên Châu Âu phụ trách chính sách quan hệ với nước láng giềng, đã có nhiều cuộc gặp với Tổng thống Ukraina Viktor Ianoukovitch, thảo luận về kế hoạch trợ giúp và cải cách.

Thế nhưng, những cố gắng đứng ra làm trung gian hòa giải của bà Catherine Ashston và ông Fule không mang lại kết quả. Thậm chí, theo giới phân tích, các hoạt động ngoại giao này có nguy cơ làm cho vấn đề thêm phức tạp. Ông Thorbjorn Jagland, Tổng thư ký Hội đồng Châu Âu, được báo Le Monde trích dẫn, nhận định : « Việc có nhiều mối làm trung gian gây nguy hiểm. Chính quyền Kiev có thể chỉ lựa chọn đề xuất nào có lợi nhất cho họ ».

Chính trong bối cảnh đó, vào hôm qua, tại Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiếp hai lãnh đạo chính của phe đối lập Ukraina, các ông Vitali Klitschko và Arseni Iatseniouk. Cử chỉ này mang tính biểu tượng cao. Phải chăng, với tư cách đầu tầu kinh tế trong Liên Hiệp Châu Âu, nước Đức đang muốn đóng vai là trụ cột trong chính sách đối ngoại của khối này ?

Ngoại trưởng một thành viên Liên Hiệp Châu Âu cho rằng việc Berlin thay mặt Châu Âu đứng ra giải quyết hồ sơ Ukraina có hai lợi thế : Điều này cho phép che dấu đi những bất đồng bên trong Liên Hiệp Châu Âu và Nga, ít ra là tạm thời, ngừng cáo buộc Liên Hiệp Châu Âu muốn làm cho Ukraina chao đảo để lôi kéo nước này vào quỹ đạo của mình.

Việc Berlin đứng ra đảm trách hồ sơ Ukraina còn có một thuận lợi khác : Thủ tướng Merkel lãnh đạo một chính phủ đại liên minh, bao gồm hai đảng lớn là SPD và CDU, nhiều nhân vật trong chính phủ có quan hệ với Nga. Để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraina, cần phải phối hợp với Nga. Mặt khác, cả Berlin và Matxcơva đều muốn phát triển quan hệ song phương.

Trong chuyến công du Nga đầu tiên, từ 13 đến 14/02 vừa qua, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp và cuộc gặp kéo dài 1h20. Đây là sự kiện hiếm thấy vì ông Putin chưa bao giờ chấp nhận chỉ tiếp có một bộ trưởng nước ngoài. Một phần cuộc trao đổi giữa hai người là bằng tiếng Đức và họ đã quen biết nhau từ trước : Ông Steinmeier nguyên là Ngoại trưởng, từ 2005 đến 2009 trong chính phủ của Thủ tướng Gerhard Schroder, thuộc đảng cánh tả SPD, trong khi ông Schroder lại rất thân ông Putin. Qua cử chỉ này, Tổng thống Putin muốn chứng tỏ là ông rất coi trọng quan hệ Nga-Đức và cảm thấy thoải mái khi có một người đối thoại biết lắng nghe như ông Steinmeier, hơn là thủ tướng Angela Merkel.

Tuy nhiên, không chỉ các chính khách của đảng SPD có quan hệ tốt với Nga. Các lãnh đạo CDU cũng thừa nhận không thể giải quyết hồ sơ Ukraina mà không có Nga. Có một chi tiết khác : Nhờ mối quan hệ tốt với Nga mà cựu Ngoại trưởng Đức Hans-Dietrich Genscher, thuộc đảng Tự do cánh hữu, đã làm môi giới, giúp cho nhà đối lập Nga Mikhail Khodorkovski được trả tự do vào cuối tháng 12 vừa qua.

Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức - DGAP – một tổ chức tư vấn có ảnh hưởng lớn, nhận định giữa Đức và Nga có rất nhiều lợi ích giàng buộc lẫn nhau và đây là dịp để hai nước tạo ra một bước khởi đầu mới trong quan hệ song phương.

Giới chuyên gia cho rằng, mặc dù phải nhường bước cho Đức, Liên Hiệp Châu Âu vẫn phải giữ cầu quan hệ với Ukraina và trong khi chờ đợi kết quả làm trung gian của Đức trong hồ sơ này, Bruxelles nên áp dụng chính sách « ăn cây nào rào cây nấy », khẩn trương thúc đẩy việc ký kết hiệp định liên kết với Gruzia và Moldavia càng sớm càng tốt.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.