Vào nội dung chính
PHÁP - ĐỨC

Pháp-Đức họp Hội đồng Bộ trưởng hỗn hợp lần thứ 16

Hôm nay, 19/02/2014, chính phủ Pháp và Đức tề tựu đầy đủ tại Điện Elysée ở Paris để tham dự Hội đồng Bộ trưởng Hỗn hợp Pháp-Đức lần thứ 16, nhưng là lần đầu tiên kể từ khi đảng Dân chủ Xã hội Đức lên cầm quyền cùng với đảng bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel. Tình hình biến động tại Ukraina và việc triển khai Lữ đoàn Pháp-Đức tại Châu Phi là hai hồ sơ nổi bật, bên cạnh các vấn đề năng lượng và tài chánh.

Tổng thống Pháp François Hollande đón Thủ tướng  Đức Angela Merkel (T), tại điện Elysée, Paris, 19/02/2014
Tổng thống Pháp François Hollande đón Thủ tướng Đức Angela Merkel (T), tại điện Elysée, Paris, 19/02/2014 REUTERS
Quảng cáo

Cuộc khủng hoảng chính trị vừa bùng lên thành bạo động tại Ukraina, khiến hàng chục người thiệt mạng, đã nổi cộm lên thành chủ đề thảo luận số một giữa hai Ngoại trưởng Đức và Pháp. Ngay từ hôm qua, hai ông Frank-Walter Steinmeier và Laurent Fabius đã lên án tình trạng bạo động leo thang tại Kiev. Hai Ngoại trưởng cũng đã biểu thị sự nhất trí về quan điểm đối ngoại giữa hai đầu tầu Châu Âu, khi quyết định cùng nhau đi thăm Moldova và Gruzia vào đầu tháng Ba tới đây. 

Cũng trong lãnh vực đối ngoại - và quốc phòng - Hội đồng Bộ trưởng Pháp-Đức hôm nay chính thức hóa quyết định triển khai 250 binh sĩ thuộc Lữ đoàn Pháp-Đức tại Mali vào tháng Sáu sắp tới. Đối với Paris, đây là một quyết định mang ý nghĩa "biểu tượng mạnh mẽ", trong lúc phía Berlin, qua lời Thủ tướng Merkel hôm 15/02 vừa qua, cũng thấy rằng, hai nước còn có nhiều "khả năng phối hợp" hành động, kể cả trong địa hạt hợp tác quân sự ở Mali và Trung Phi. 

Tuy vậy, cách nay một tháng, Ngoại trưởng Đức Steinmeier từng lưu ý rằng Berlin sẽ không gửi quân chiến đấu tới Châu Phi. 

Dưới quyền chỉ huy của Pháp, công tác của Lữ đoàn Pháp-Đức do đó sẽ bị giới hạn trong việc đào tạo lực lượng võ trang Mali trong khuôn khổ "chiến dịch" can thiệp của Liên Hiệp Châu Âu vào vùng này.

Dẫu sao đó cũng là cuộc xuất quân đầu tiên dưới ngọn cờ Châu Âu của đơn vị quân đội được thành lập để biểu thị một cách thật cụ thể sự hòa giải giữa hai nước từng là cựu thù trong lịch sử. 

Có điều là, theo các chuyên gia quân sự, từ khi được hình thành đến nay, đơn vị này hầu như không được dùng đến.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.