Vào nội dung chính
HOA KỲ - ĐẠT LAI LẠT MA

Tổng thống Mỹ tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma : Bắc Kinh nổi giận

Theo chương trình dự kiến, Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc tiếp xúc với lãnh đạo tinh thần người Tây Tạng vào hôm nay, 21/02/2014 tại Nhà Trắng. Ngay khi thông tin về cuộc gặp được loan báo, Trung Quốc đã lập tức lên tiếng đe dọa, đòi Hoa Kỳ hủy bỏ ngay cuộc hội kiến.

Đạt Lai Lạt Ma 14 từng có bài phát biểu tại điện Capitol, với sự hiện diện của lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Pelosi và người phát ngôn Nhà Trắng Boehner. Ảnh chụp ngày 07/7/2011.
Đạt Lai Lạt Ma 14 từng có bài phát biểu tại điện Capitol, với sự hiện diện của lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Pelosi và người phát ngôn Nhà Trắng Boehner. Ảnh chụp ngày 07/7/2011. REUTERS/Kevin Lamarque
Quảng cáo

Khi thông báo tin ông Obama tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma vào hôm qua, Caitlin Hayden, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã xác định rằng Hoa Kỳ "quan ngại về tình trạng nhân quyền ngày xấu đi ở các vùng Tây Tạng". Nhà Trắng cũng cho biết vẫn tiếp tục yêu cầu chính quyền Bắc Kinh nối lại đối thoại với Đức Đạt lai Lạt Ma. Lãnh đạo tinh thần Tây Tạng hiện đang viếng thăm Mỹ và tham dự một seminar ở trung tâm American Enterprise Institute tại Washington.

Sự kiện Tổng thống Mỹ Obama tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma dĩ nhiên đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ, với Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng cuộc gặp này "gây tổn hại nghiêm trọng" cho quan hệ song phương Mỹ-Trung. Từ Trung Quốc, thông tín viên RFI Delphine Surreau phân tích :

"Những lời đe dọa đưa ra lần này không khác gì lần gần đây nhất mà ông Obama tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma năm 2011. Trung Quốc - thông qua Bộ Ngoại giao của mình - cho biết là họ "cực lực phản đối cuộc gặp gỡ", xem đấy là "một sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc".

Bắc Kinh tố cáo Washington ủng hộ một kẻ ly khai nguy hiểm, và cảnh cáo cuộc tiếp xúc sẽ làm xấu đi quan hệ Mỹ Trung, và sẽ có hậu quả giống như trường hợp Anh Quốc, khi mà quan hệ Bắc Kinh-Luân Đôn bị đông cứng trong 18 tháng, sau cuộc gặp giữa lãnh đạo tinh thần Tây Tạng và Thủ tướng Anh David Cameron vào năm 2012.

Trong khi đó thì Hoa Kỳ nêu bật mối lo ngại trên vấn đề nhân quyền ở vùng tự trị Tây Tạng và những vùng lân cận. Trong vòng 4 năm gần đây, đã có 120 người Tây Tạng (126 người, theo chính quyền Tây Tạng lưu vong) - chủ yếu là nhà sư - đã tự thiêu để tố cáo việc Bắc Kinh muốn xóa bỏ tôn giáo và văn hóa Tây Tạng. Báo chí đã không được phép đến vùng này.

Ngược lại, phía Trung Quốc tố cáo Đức Đạt Lai Lạt Ma đã xúi giục, chỉ đạo phong trào phản kháng của người Tây Tạng từ nơi ông lưu vong ở Ấn Độ."

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.