Vào nội dung chính
UKRAINA - CHÍNH TRỊ

Quốc hội Ukraina thông qua thành phần chính phủ chuyển tiếp

Trước tình hình Ukraina cần có ngay một chính phủ để điều hành đất nước, hôm nay 27/2/2014, Quốc hội Ukraina thông qua thành phần chính phủ lâm thời, đứng đầu là ông Arseni Iatseniouk. Giữa lúc đang còn nhiều rối ren và căng thẳng, chính phủ mới phải đối mặt với những nhiệm vụ cực kỳ nặng nề và nan giải.

Ông Arseni Iatseniouk (áo đen), Thủ tướng chính phủ lâm thời Ukraina, tại quảng trường Độc Lập, Kiev, tối ngày 26/02/2014
Ông Arseni Iatseniouk (áo đen), Thủ tướng chính phủ lâm thời Ukraina, tại quảng trường Độc Lập, Kiev, tối ngày 26/02/2014 REUTERS
Quảng cáo

Tối qua, trên quảng trường Độc Lập tại Kiev, trước hàng vạn người, hội đồng phong trào Maidan đã công bố thành phần chính phủ chuyển tiếp gồm nhiều lãnh đạo của phong trào phản kháng, các tổ chức xã hội dân sự và các nhóm cự đoan.

Ông Arseni Iatseniouk, 39 tuổi, được giao lãnh đạo chính phủ đoàn kết dân tộc từ nay cho đến khi có kết quả cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn vào ngày 25/05/2014. Là người thuộc đảng của bà Ioulia Timochenko, ông Iatseniouk đã từng nắm các chức vụ Bộ trưởng Kinh tế và Ngoại giao.

Hai thách thức lớn nhất của chính phủ lâm thời Ukraina là nguy cơ sụp đổ nền kinh tế và xung hướng ly khai ở các vùng phía nam đất nước.

Trước khi được Quốc hội thông qua chính thức, tối qua, người dân trên quảng trường Độc Lập đã đón nhận thông báo thành phần chính phủ mới với nhiều hoài nghi, vì họ muốn có một chính phủ gồm những gương mặt mới hoàn toàn.

Thông tín viên Anastasia Becchio có mặt trong cuộc tập hợp tối qua tại Kiev ghi nhận những phản ứng của người dân về chính phủ chuyển tiếp: 

"Những tiếng la ó rộ lên trong đám đông khi có thông báo tên của Thủ tướng tương lai. Như vậy là ông Arseni Iatseniouk sẽ lãnh đạo chính phủ chuyển tiếp. Bà Aliona nhận định: Hiện giờ, tôi cho rằng điều duy nhất có thể đưa Ukraina thoát ra khỏi khủng hoảng, đó là một chính phủ mới được thành lập. Ngay bây giờ, họ phải bắt tay vào việc và chỉ cho chúng tôi thấy họ biết làm việc. Đúng là la ó thì rất dễ, nhưng cũng cần phải cho họ một cơ hội .Quan trọng là chính phủ phải thực sự hoạt động tốt, vì hiện nay chính phủ không còn tiền, không còn gì hết, để trả lương bổng hưu trí. 

Những người biểu tình muốn một chính phủ mới hoàn toàn, nhưng cần phải có các Bộ trưởng có kinh nghiệm để đối mặt với một loạt nhiệm vụ nặng nề. Đó là điều mà ông Pavel nhận thấy. Ông nói: Mọi người đều muốn thấy những gương mặt mới trong chính phủ. Nhưng thật đáng tiếc là không dễ gì lãnh đạo một đất nước như thế này. Cần phải đoàn kết thống nhất để đưa nền kinh tế đi đúng hướng. Mọi người vẫn còn lo sợ nạn tham nhũng, lo ngại những điều đã xảy ra với chính quyền tái diễn.  

Không để nền kinh tế Ukraina sụp đổ, nhưng đồng thời phải chống lại xu hướng ly khai ở vùng miền nam và cuối cùng là lập lại trật tự an ninh, đó sẽ là ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới, ngay sau khi chính thức nhậm chức hôm nay".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.