Vào nội dung chính
UKRAINA - NGA

Crimée, vùng đất thường xuyên gây căng thẳng giữa Ukraina với Nga

Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, Tổng thống Putin rõ ràng là muốn dùng giải pháp quân sự để duy trì Ukraina trong vòng ảnh hưởng của Nga, qua việc đưa quân sang chiếm đóng Crimée, một vùng đất mà cho tới nay thường xuyên gây căng thẳng giữa Kiev và Matxcơva.

Tuy không bắn một phát súng nào, nhưng quân đội Nga vẫn đang chiếm dần dần toàn bộ bán đảo Crimée - REUTERS /Baz Ratner
Tuy không bắn một phát súng nào, nhưng quân đội Nga vẫn đang chiếm dần dần toàn bộ bán đảo Crimée - REUTERS /Baz Ratner
Quảng cáo

Nguyên là một vùng lãnh thổ thuộc Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga, Crimée đã được Chủ tịch Liên Xô Nikita Khroushchyov “tặng” cho Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraina vào năm 1954, mặc dù đa số dân trên báo đảo này là người nói tiếng Nga ( khoảng 90% ).

Dưới thời Liên Xô, dù Crimée có thuộc nước Cộng hòa nào thì cũng chẳng có gì thay đổi lớn đối với người dân tại đây. Nhưng sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Crimée trở thành một bộ phận không thể tách rời khỏi nước Ukraina độc lập kể từ ngày 12/02/1991.

Đây là điều mà người dân nói tiếng Nga ở Crimée khó có thể chấp nhận và đây cũng là nguyên nhân gây nhiều căng thẳng giữa Ukraina với Nga trong hơn hai thập niên qua. Tình hình lại càng rối rắm do hạm đội Hắc Hải của Nga nay vẫn đóng tại thành phố cảng Sebastopol của Crimée.

Cho tới nay, Crimée vẫn nằm trong Ukraina như là một nước Cộng hòa tự trị. Theo quy chế này, tuy Crimée không được quyền ban hành các luật riêng, nhưng lại có Hiến pháp riêng và một Quốc hội riêng. Riêng Sebastopol thì vẫn nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Kiev, tuy đây là nơi trú đóng của Hạm đội Hắc hải của Nga. Quy chế của Sebastopol cũng như vấn đề rút hạm đội Nga ra khỏi thành phố này cho tới nay vẫn gây rắc rối trong quan hệ giữa Kiev với Matxcơva.

Sang đến đầu thiên niên kỷ thứ ba, Nga lại gây ảnh hưởng lên chuyện nội bộ của Ukraina, nhất là qua việc cấp hộ chiếu cho dân nói tiếng Nga ở vùng Crimée. Hành động như vậy, Matxcơva càng đào sâu thêm hố ngăn cách giữa người nói tiếng Nga ( thân Nga ) với người nói tiếng Ukraina ( thân phương Tây ) nói chung. Trong hai cuộc bầu cử tổng thống lần cuối, có đến 8/10 cử tri Crimée đã bỏ phiếu cho ứng cử viên thân Nga Viktor Ianukovitch.

Khủng hoảng hiện nay càng khiến xu hướng ly khai ở Crimée trỗi dậy mạnh mẽ. Sau khi Tổng thống Ianukovitch bị truất phế, phe đối lập thân phương Tây lên nắm quyền ở Kiev, cuối tháng 2 chính quyền vùng Crimée tuyên bố không công nhận Tổng thống lâm thời Tourtchinov, cũng như chính phủ lâm thời của Ukraina. Quốc hội Crimée cũng đã quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về một nền tự trị rộng rãi hơn cho vùng này. Cuộc trưng cầu dân ý ban đầu được dự trù cho ngày 25/05, nhưng sau đó họ quyết định tổ chức sớm hơn, tức là ngày 30/03. Đồng thời, tân Thủ tướng của Crimée Sergei Axionov chính thức kêu gọi Nga trợ giúp.

Theo nhận định của thông tín viên RFI Sébastien Gobert từ Simferopol, có thể nói là ở Crimée hiện đang diễn ra một cuộc chiến tranh rất kỳ lạ : chẳng cần bắn một phát đạn nào, quân đội Nga vẫn đang chiếm dần dần toàn bộ bán đảo, bằng những hành động gây áp lực, thương lượng, thậm chí mua chuộc các đơn vị Ukraina.

Hơn nữa, vừa yếu thế, vừa bị cô lập, lực lượng Ukraina dù có muốn cũng không thể nào chống trả lực lượng Nga, mà trong đó có nhiều đơn vị tinh nhuệ. Nhưng có điều hơi đặc biệt là người dân nói tiếng Nga tại Crimée lại không hồ hởi, phấn khởi đón chào quân Nga như những người giải phóng.

Như vậy rõ ràng việc bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga ở vùng Crimée chỉ là cái cớ để Tổng thống Putin can thiệp vào vùng Crimée và qua đó, dùng vũ lực để giữ Ukraina trong vòng ảnh hưởng của Nga, ngăn không cho nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này xích gần lại phương Tây.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.