Vào nội dung chính
LIÊN HIỆP QUỐC

Ukraina: Sóng gió nổi lên tại Hội Đồng Bảo An

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã họp trở lại vào hôm qua, 03/03/2014 để bàn về hồ sơ Ukraina. Phiên họp đã được đánh giá là "sóng gió", trong đó đại diện Nga, đại sứ Vitali Tchourkine, đã phải chống chọi với mọi người để bảo vệ hành động của Nga. Ông đã trương lên một bức thư của cựu Tổng thống Ukraina Ianoukovitch khẩn cầu Matxcơva can thiệp vì Ukraina "lâm nguy".

Đại sứ Nga Vitali Tchourkine trình lá thư "cầu cứu" của Viktor Ianoukovitch - REUTERS /UNTV
Đại sứ Nga Vitali Tchourkine trình lá thư "cầu cứu" của Viktor Ianoukovitch - REUTERS /UNTV
Quảng cáo

Kết quả dĩ nhiên là cuộc họp đã không đi đến đâu. Từ New York, Thông tín viên RFI, Karim Lebhour tường thuật :

"Rất ít khi nghe thấy những từ ngữ dữ dội như thế tại Hội đồng Bảo an, tưởng chừng như thế giới đã trở lại thời chiến tranh lạnh, với những đại sứ tố cáo nhau là "nói láo".

Đại diện Nga Vitali Tchourkine đã giơ cao một bức thư của nguyên Tổng thống Ukraina Ianoukovitch, mà ông cho là Tổng thống chính đáng. Trong bức thư, ông Ianoukovitch cho là Ukraina đang ở bên bờ nội chiến, đất nước bị hỗn loạn, người nói tiếng Nga bị truy bức. Ông Ianoukovitch yêu cầu Tổng thống Putin gởi quân can thiệp để cứu người dân Ukraina.

Bên kia bàn, đại diện Mỹ, bà Samantha Power, cho rằng đó chỉ là những mối đe dọa tưởng tượng của Nga, trong lúc đại diện Pháp Gérard Araud nói đến sự ngụy biện. Theo ông : "Tôi mới 15 tuổi vào năm 1968, khi lực lượng Liên Xô tiến vào Tiệp Khắc. Lúc ấy thì họ cũng đưa ra những lời biện minh tương tự, cũng đưa ra những tài liệu như thế, những viện dẫn như thế. Nói tóm lại, Nga đang đẩy lùi Châu Âu về thời kỳ 40 năm trước đây".

Phiên họp sóng gió của Hội đồng Bảo an là sự tóm lược đầy đủ cuộc khủng hoảng Ukraina hiện nay, với một nước Nga bị cô lập, một mình chống lại mọi người, và không cho thấy có dấu hiệu muốn hòa hoãn hay thỏa hiệp."

Quan điểm của Anh Quốc cũng tương tự như Pháp và Mỹ. Ngay cả Trung Quốc, dù cùng lập trường với Nga trên các hồ sơ khác như Syria hay Iran, cũng lên tiếng bảo vệ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.