Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - KINH TẾ

Kinh tế vùng đồng euro khởi sắc hơn vào cuối năm 2013

Theo cơ quan thống kê Châu Âu Eurostat, tăng trưởng của toàn vùng sử dụng đồng euro đã tăng lên trong quý tư 2013, nhờ đầu tư được phục hồi. Tuy nhiên, đà khôi phục còn chậm và một số quốc gia như Pháp bị đặt trong vòng giám sát.

Ông Olli Rehn, ủy viên châu Âu đặc trách về kinh tế - REUTERS /Francois Lenoir
Ông Olli Rehn, ủy viên châu Âu đặc trách về kinh tế - REUTERS /Francois Lenoir
Quảng cáo

Trong ba tháng 10-12/2013, tăng trưởng vùng đồng euro đạt mức 0,3%, một tỷ lệ cao hơn mức của quý ba , chỉ được 0,1%.

Tuy nhiên, trong một bản báo cáo về tình hình kinh tế các nước Liên Hiệp Châu Âu, Ủy ban Châu Âu đã nêu tên một số quốc gia cần phải tăng cường giám sát, trong đó có Pháp.

Đối với Pháp, báo cáo nêu hai điểm chủ yếu : Thiếu sức cạnh tranh và nợ công cao. Tây Ban Nha và Ai Len cũng bị đặt trong vòng giám sát tăng cường như Pháp.

Điều khiến Paris khó chịu là sự kiện Pháp, một nước được xem đầu tàu kinh tế thứ hai của Châu Âu, lại bị đặt ngang hàng những nước gặp nhiều khó khăn, phải nhờ vào kế hoạch trợ giúp tài chính Châu Âu.

Về sức cạnh tranh của Pháp, báo cáo Ủy ban Châu Âu, đánh giá không mấy lạc quan : "Thiếu hụt thương mại ngày càng lớn chứng tỏ Pháp mất thị phần trong xuất khẩu. Mặc dù Pháp cố gắng đưa ra các biện pháp hầu nâng cao sức cạnh tranh, nhưng kết quả hạn chế. Chi phí lao động vẫn cao là một khó khăn đối với các doanh nghiệp.

Một yếu tố khác khiến Pháp bị đánh giá xấu là nợ công không ngớt phình lên, không chỉ ảnh hưởng đến Pháp mà còn ảnh hưởng đến Châu Âu, do "trọng lượng kinh tế của Pháp".

Trong lần đánh giá trước vào cuối tháng Hai, Ủy ban Châu Âu đã cảnh báo thâm thủng ngân sách của Pháp vẫn sẽ rất cao trong năm 2014 và 2015, cao hơn mức quy định đã thỏa thuận trong Liên Hiệp Châu Âu là 3% rất nhiều.

Ủy viên Châu Âu đặc trách kinh tế Olli Rehn cho là Pháp phải điều chỉnh trên mặt ngân sách, cơ cấu. Đây là điều không dễ, nhưng bắt buộc phải làm.

Bản báo cáo công bố hôm nay 05/03/2014 đã duyệt qua tình hình 17 quốc gia Châu Âu, trong đó có đến 14 nước bị phê phán.

Riêng Đức cũng bị chỉ trích về thặng dư thương mại cao. Thặng dư thương mại của Đức, từ năm 2007 đã chiếm hơn 6% GDP, chứng tỏ Đức lệ thuộc vào xuất khẩu vào lúc nhu cầu nội địa yếu kém.

Theo bản báo cáo, Đức nên thúc đẩy tiêu dùng nội địa và tiềm năng tăng trưởng của mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.