Vào nội dung chính
TRUNG CẬN ĐÔNG

Ai Cập hoan nghênh Ả Rập Xê Út coi Huynh đệ Hồi giáo là tổ chức khủng bố

Hôm 07/03/2014, chính quyền Ai Cập ca ngợi lập trường của Ả Rập Xê Út coi Huynh đệ Hồi giáo là một « tổ chức khủng bố », ít giờ sau khi Ryad đưa ra quyết định này. Ai Cập kêu gọi các nước Ả Rập khác cũng làm tương tự. Quyết định trên đây là sự tiếp nối chủ trương của Ryad ủng hộ tân chính quyền Ai Cập, được quân đội hậu thuẫn. Bên cạnh đó, Ả Rập Xê Út cũng lo ngại sự lớn mạnh của phong trào Huynh đệ Hồi giáo và các nhóm Hồi giáo thánh chiến đe dọa hòa bình trong khu vực.

Đông đảo người Ai Cập vẫn ủng hộ tổng thống bị truất phế Morsi và Huynh đệ Hồi giáo. Ảnh biểu tình ở Cairo ngày 07/03/2014.
Đông đảo người Ai Cập vẫn ủng hộ tổng thống bị truất phế Morsi và Huynh đệ Hồi giáo. Ảnh biểu tình ở Cairo ngày 07/03/2014. Reuters
Quảng cáo

Về ý nghĩa của quyết định coi Huynh đệ Hồi giáo là khủng bố đối với Cairo, thông tín viên Alexandre Buccianti tường trình,

Đối với chính phủ lâm thời Ai Cập, quyết định của Ả Rập Xê Út mang dư vị của thắng lợi. Quân đội Ai Cập đã tiến hành lật đổ Tổng thống Mohammed Morsi, sau cuộc nổi dậy của dân chúng hồi tháng 7 năm ngoái. Tháng 12/2013, sau một loạt vụ khủng bố, chính quyền Cairo tuyên bố Huynh đệ Hồi giáo là « tổ chức khủng bố ».

Như vậy, quyết định của quốc gia đông dân nhất trong thế giới Ả Rập giờ đây được quốc gia giầu nhất của khối này « phê chuẩn ». Chính quyền Ả Rập Xê Út đã viện trợ cho Ai Cập năm tỷ đô la, đồng thời tài trợ cho Cairo một dự án mua vũ khí Nga, ước tính trị giá hai tỷ đô la.

Quyết định của Ả Rập Xê Út càng quan trọng hơn với Ai Cập, khi quốc gia giàu nhất vùng vịnh này từng là mảnh đất tỵ nạn của nhiều thành viên phong trào Huynh đệ Hồi giáo, chạy trốn các đàn áp thời chính quyền Nasser trong những năm 1960. Ryad cũng là nguồn tài trợ chính cho phong trào Huynh đệ Hồi giáo thông qua trung gian của giới doanh nhân Ả Rập Xê Út hoặc những người lao động Ai Cập có cảm tình với phong trào chính trị tôn giáo này.

Ả Rập Xê Út nỗ lực ngăn cản các phong trào thánh chiến Hồi giáo

Quyết định của Ả Rập Xê Út đối với Huynh đệ Hồi giáo là sự tiếp nối của chính sách ngăn chặn ảnh hưởng của Huynh đệ Hồi giáo cũng như các nhóm thánh chiến. Vào tháng trước, Ryad ra tối hậu thư cho các công dân nước này đang chiến đấu ở nước ngoài (cụ thể là ở Syria) trong vòng 15 ngày phải về nước, và đe dọa phạt tù từ ba đến 20 năm những ai ủng hộ tài chính và quân sự cho một số nhóm nổi dậy tại Syria.

Hôm thứ Tư 05/03, Ryad đã triệu hồi đại sứ tại Qatar (cùng với Bahrein và các Tiểu vương quốc Ả Rập) để phản đối chính sách của Qatar hậu thuẫn các phong trào thánh chiến Hồi giáo tại các quốc gia Ả Rập.

Về phần mình, Huynh đệ Hồi giáo, phong trào chính trị - tôn giáo có mặt tại hầu hết các quốc gia Ả Rập, ra tuyên điệp bố khẳng định « ngạc nhiên » và « đau khổ » sau quyết định của Ryad. Huynh đệ Hồi giáo Ai Cập bày tỏ sự nuối tiếc trước quyết định « hoàn toàn ngược lại truyền thống quan hệ của quốc gia này » với phong trào. « Lịch sử luôn luôn cho thấy phong trào là một lãnh đạo trong việc truyền bá tư tưởng Hồi giáo thực sự, không cực đoan, và nhiều giới chức tôn giáo ở Ả Rập Xê Út có thể làm chứng cho điều này ».

Ai Cập quyết định coi Huynh đệ Hồi giáo là khủng bố, sau vụ tấn công nhắm vào một trụ sở cảnh sát ở đồng bằng sông Nil hồi tháng 12/2013. Tuy nhiên, Ansar Bait al Makdis, một nhóm thánh chiến Hồi giáo, đứng ra nhận trách nhiệm về vụ này.

Ả Rập Xê Út và các Tiểu vương quốc Ả Rập, cùng với Koweit, là các quốc gia mang lại hỗ trợ tài chính chủ yếu cho thế lực quân sự Ai Cập, vừa lật đổ Tổng thống Morsi, xuất thân từ Huynh đệ Hồi giáo.

Ba người chết trong các đụng độ với Huynh đệ Hồi giáo Ai Cập

Hôm thứ Sáu, các đụng độ giữa các thành viên Huynh đệ Hồi giáo với cảnh sát khiến ba người chết và 48 người bị thương. Bộ Y tế Ai Cập thông báo như trên, căn cứ theo các nguồn tin từ an ninh. Đụng độ xẩy ra tại một số khu vực ở thủ đô Cairo. Trong các cuộc biểu tình của Huynh đệ Hồi giáo, đã có súng nổ nhắm vào cảnh sát. Bộ Nội vụ cho biết đã bắt giữ 47 người.

Các thành viên Huynh đệ Hồi giáo, ủng hộ Tổng thống bị hạ bệ Morsi, liên tục tố cáo bị chính quyền đàn áp. Khoảng 1.000 thành viên của phong trào này đã thiệt mạng, nhiều lãnh đạo chủ chốt bị giam giữ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.