Vào nội dung chính
VENEZUELA

Biểu tình ở Venezuela : Đa số các nước Mỹ Latinh ủng hộ chính quyền

Hôm nay, 07/03/2014, đối lập Venezuela một lần nữa kêu gọi dân chúng đông đảo xuống đường chống lại chính quyền Maduro, khiến đất nước lâm vào tình trạng mất an ninh, lạm phát và kiệt quệ. Các cuộc biểu tình từ đầu tháng 2/2014 thường chuyển thành bạo lực cùng đàn áp của cảnh sát khiến ít nhất 20 người chết và hàng trăm người bị thương. Cho đến nay đa số các quốc gia Mỹ Latinh ủng hộ chính phủ Venezuela được bầu lên hợp pháp. Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố ý định môi giới để tháo gỡ xung đột tại Venezuela.

Biểu tình, bạo động, một cảnh tượng diễn ra hầu như hàng ngày tại Caracas, thủ đô Venezuela, gần một tháng nay. Ảnh chụp ngày 07/03/2014.
Biểu tình, bạo động, một cảnh tượng diễn ra hầu như hàng ngày tại Caracas, thủ đô Venezuela, gần một tháng nay. Ảnh chụp ngày 07/03/2014. Reuters
Quảng cáo

Ông Alberto Pfeifer, chuyên gia về Nam Mỹ đại học Sao Paulo, nhận xét lập trường của các tổ chức Mỹ Latinh, như Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh (Celac), Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ (OEA), Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (Unasur) và Mercosur, là ủng hộ chính quyền Venezuela. Những nước ủng hộ mạnh nhất là Bolivia, Cuba, Nicaragua và Achentina, mà nguyên thủ đều là những người thân cận với cố lãnh đạo Venezuela Hugo Chavez.

Venezuela cắt quan hệ ngoại giao với Panama

Để phản đối đề nghị của Panama tổ chức một hội nghị của Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ - OEA – để bàn về vấn đề biểu tình, ngày thứ Tư 05/03, Venezuela tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Panama và đình chỉ quan hệ thương mại với nước cộng hòa tý hon ở Trung Mỹ.

Về các cuộc biểu tình và bạo lực ở Venezuela, Brazil giữ lập trường trung lập, trong khi đó một số nước lo ngại cho vấn đề nhân quyền và quyền tự do ngôn luận tại Venezuela, như Colombia, Chili, Panama và đặc biệt Uruguay lên tiếng mạnh mẽ (mặc dù Uruguay là quốc gia thân cận với Venezuela).

Mêhicô lên án các bạo lực nhưng không mạo hiểm quy kết trách nhiệm cho bên nào.

 ác nỗ lực ngoại giao tìm lối thoát cho khủng hoảng 

Hồi tuần trước, chính quyền Maduro đã cử Ngoại trưởng đến nhiều nước Mỹ Latinh để tranh thủ sự ủng hộ và huy động sự đồng thuận cho một phiên họp đặc biệt của Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (Unasur), để thảo luận về vấn đề này, mà không có sự tham gia của Hoa Kỳ và Canada, các thành viên của Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ - OEA.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo, đang nghiên cứu « với Colombia và một số nước khác » để có thể khởi sự một kế hoạch trung gian hòa giải cho Venezuela.

Cuộc hòa tấu xoong nồi rỗng/Cacerolazos

Về tình hình tại chỗ, Thống đốc bang Miranda (miền bắc Venezuela), nguyên ứng cử viên Tổng thống, kêu gọi trên Twitter, « ngày toàn quốc hành động chống lại tình trạng kiệt quệ (…) tác hại đến tất cả mọi người dân Venezuela ». Các cuộc biểu tình diễn ra với khẩu hiệu chính « hòa tấu xoong nồi rỗng »/« Cacerolazos », một truyền thống của người Nam Mỹ để bày tỏ thái độ phản đối.

Về phía chính quyền, Tổng thống Maduro cũng kêu gọi « ngày hành động quốc gia với phụ nữ », nhưng không chỉ rõ cuộc tuần hành này có diễn ra đồng thời với cuộc biểu tình của đối lập.

Lạm phát hơn 56% năm 2013 tại Venezuela là một trong những chỉ dấu cho thấy tình trạng tồi tệ đi ở quốc gia vốn sở hữu những dự trữ dầu mỏ hàng đầu thế giới. Nạn nhân của tình trạng kinh tế xã hội hiện nay trước hết là những người sống bên lề xã hội. Theo một số nhà quan sát, đa số dân chúng vẫn ủng hộ chính phủ và nếu không có sự hậu thuẫn của lực lượng lớn lao này, thì đối lập không thể nào làm lung lay được chính quyền.

LHQ yêu cầu chính quyền Maduro khẩn trương điều tra về bạo lực

Hôm 06/03, các chuyên gia Liên Hiệp Quốc – các báo cáo viên đặc biệt về tự do ngôn luận, nhân quyền… - yêu cầu Venezuela tiến hành khẩn cấp một cuộc điều tra về bạo lực chống lại các sinh viên và nhà báo trong những ngày qua, và kêu gọi Caracas trả tự do cho những người bị giam giữ không nguyên cớ.

Cho đến nay, theo Nghiệp đoàn các nhân viên nghề báo (SNTP), 89 phóng viên đã bị đánh đập, bắt giữ hay bị cướp đồ… Tổng thư ký của tổ chức nhà báo này nhận định lực lượng cận vệ quốc gia Venezuela đã tiến hành một loạt các vụ bắt bớ và tước đoạt phương tiện hành nghề của các phóng viên nhằm đàn áp tự do ngôn luận. Tổng cộng đã có 23 vụ cắp hay cướp đồ nghề, 22 vụ bắt giữ vô cớ và 68 vụ hành hung nhà báo.

Đối lập cáo buộc nhiều nhóm thường dân thân chính phủ tấn công vào các cuộc biểu tình của đối lập bằng súng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.