Vào nội dung chính
HOA KỲ - GIÁO DỤC

Tương lai không tươi sáng của đại học Hoa Kỳ

Các trường đại học Hoa Kỳ được xem là nơi mơ ước của du học sinh thế giới. Thế nhưng đối với thế hệ người Mỹ sinh sau năm 2000, có lẽ việc tiến thân bằng con đường đại học sẽ không còn là bắt buộc nữa. Đó là nhận định của bài viết đăng trên nhật báo Le Monde với dòng tựa khá ấn tượng : « Sự xuống dốc của đại học Hoa Kỳ ».

Khu nhà Austin, trường luật Havard, đại học Havard, Cambridge, Massachusetts, Hoa Kỳ
Khu nhà Austin, trường luật Havard, đại học Havard, Cambridge, Massachusetts, Hoa Kỳ (@wikipedia.org)
Quảng cáo

Bài viết dựa trên báo cáo mang tên « Thống kê giáo dục, tầm nhìn 2020 » vừa được công bố hồi cuối tháng rồi bởi Trung tâm Dữ liệu thống kê Mỹ. Đây là bản báo cáo thứ 41 kể từ năm 1964.

Theo báo cáo, tỷ lệ người Mỹ có bằng cấp đại học hoặc cao đẳng sẽ dần sụt giảm. Trong giai đoạn 1997-2010, tỷ lệ này là 27%, trong khi từ đây đến năm 2022 sẽ giảm mất 2 điểm.

Nói về sĩ số, thì từ đây đến năm 2022, các trường công lập sẽ tăng 1%, trong khi sĩ số của các trường tư nhân sẽ giảm 29%. Ngay cả tập đoàn Ivy League, sở hữu tám trường đại học tư danh tiếng trong đó có Havard, Columbia hay Yale, cũng có nguy cơ sụt giảm số người đăng ký bởi vì theo dự báo, ở miền đông bắc Hoa Kỳ, nơi được xem là « địa bàn » của các trường này, sĩ số ở các trường tư cũng sẽ giảm 10%.

Bài viết nhấn mạnh đến một số nguyên nhân. Đó là do sự lớn mạnh của các trường đại học Châu Á, nhất là Trung Quốc. Ở Trung Quốc, ước tính mỗi tuần phải xây dựng thêm 1 trường đại học mới đủ đáp ứng nhu cầu trong nước.

Theo dự báo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OCDE), nếu vào năm 2020, có một lớp học gồm 100 sinh viên, thì trong đó Trung Quốc có đến 29 người, Ấn Độ 12, Nhật Bản 4, và Mỹ là 11.

Nguyên nhân kế đến, đó là việc ngày càng có nhiều người Mỹ chuộng việc học trên mạng để lấy kĩ năng mà không cần bằng cấp. Có nhiều người cho rằng, các bằng cấp truyền thống không còn ích lợi trong xã hội kỹ thuật số ngày nay. Bài viết nhân định, thế hệ người Mỹ sinh sau năm 2000 sẽ cảm thấy con đường đại học không phải là con đường « bắt buộc » để lập thân nữa.

Một nguyên nhân khác cũng đáng quan tâm, đó là tại Mỹ đang có một trào lưu đi làm việc kiếm tiền sớm ngay khi học xong trung học chứ không cần phải chờ đến đại học. Bởi vì đi làm sớm còn kiếm được tiền, trong khi việc học đại học ở Mỹ lâu nay rất tốn kém, và sinh viên đa phần khi lấy được tấm bằng đại học thì cũng gánh trên vai một khoản nợ khổng lồ để ăn học.

Tai nạn máy bay Malaysia : Không rút kinh nghiệm ?

Vụ mất tích bí ẩn của chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines tiếp tục thu hút quan tâm của báo Pháp hôm nay. Nhật báo Les Echos có bài « Vụ rớt máy bay của Malaysia : Không rút ra bài học từ chuyến bay Rio-Paris ».

Tờ báo cho biết, sau hơn 4 ngày xảy ra vụ việc, chiếc Boeing 777 và số phận của 239 hành khách và phi hành đoàn vẫn bật vô âm tín. Nhiều nước đã tham gia tích cực tìm kiếm, nhưng chỉ việc xác định nơi chiếc máy bay bị rớt cũng vẫn còn chưa làm được. Các thông tin tìm kiếm thì có vẻ hơi bị nhiễu vì liên tiếp có tin phát hiện rồi có tin cải chính.

Theo tờ báo, nếu như bài học của chuyến bay định mệnh Rio-Paris 2009 được chú ý, thì tình hình có thể sẽ không nghiêm trọng như vậy. Số là, hồi năm 2009, chuyến bay AF447 của hãng hàng không Air France từ Rio de Janeiro đi Paris đã rơi ngoài khơi Đại Tây Dương. Phải mất hơn 2 năm sau, người ta mới tìm được chiếc hộp đen và xác định được nguyên nhân vụ việc.

Vào tháng 7/2012, Cơ quan điều tra và phân tích an ninh hàng không Pháp (BEA) đã có báo cáo về vụ việc, đồng thời đề xuất những biện pháp tránh sự cố đáng tiếc tương tự trong tương lai. Trong các đề xuất đó có việc yêu cầu các hãng hàng không trên thế giới trang bị một hệ thống truyền tin trực tiếp về chuyến bay qua vệ tinh. Nếu như đề xuất này được áp dụng thì dù không xác định được nguyên nhân, nhưng ít ra người ta cũng biết ngay vị trí máy bay bị nạn.

Thế nhưng, giá của thiết bị nói trên quá đắt. Ước tính, một năm, mỗi hãng hàng không phải tốn đến 300 triệu đô la cho thiết bị này. Một số tiền không nhỏ trong bối cảnh kinh tế khó khăn như mấy năm qua. Vì thế, đến hiện tại, đề xuất của phía Pháp vẫn còn trên giấy.

Tờ báo kết luận : Cái giá của thiết bị đó quá cao, thế nhưng tính mạng của hành khách là vô giá.

Nga : Crimée chia rẽ phe đối lập

Đến với hồ sơ Ukraina, nhật báo Công giáo La Croix đăng bài đáng chú ý : « Số phận của Crimée chia rẽ những người chống Putin tại Nga ».

Tờ báo cho biết, nhiều người Nga trước đây chống Tổng thống Putin để đòi tự do dân chủ, thì giờ đây, trong hồ sơ Ukraina, họ lại xuống đường bày tỏ sự ủng hộ đối với lập trường của ông Putin. Tờ báo đăng ảnh biểu tình vào hôm qua tại thành phố Oulan-Oude miền đông nước Nga, ủng hộ ý định li khai Ukraina và sáp nhập vào Nga của người dân Crimée.

Tờ báo cho biết về việc một lãnh đạo đối lập Nga bị kết án tù 10 năm, vừa được Putin ân xá. Người này trước đây rất được lòng người biểu tình chống Putin tại Maxcơva và được xem là một trong những thủ lĩnh của phe chống Putin. Người này đã bày tỏ ủng hộ đối với các nước phương Tây và chính phủ lâm thời tại Kiev. Vì thế, theo tờ báo, tiếng nói của ông ta đã không còn thu hút người chống Putin nữa.

Tờ báo trích dẫn ý kiến của một số người Nga, theo đó « đa phần người Nga » đều thể hiện sự « ràng buộc về văn hóa, lịch sử » giữa Ukraina và Nga. Bởi vậy họ ủng hộ ý định của ông Putin và lên án các nước phương Tây muốn xâm chiếm Ukraina. Một thanh niên Nga nói : « Chúng tôi không tán đồng việc can thiệp quân sự vào Ukraina. Nhưng nếu Nga không can thiệp thì Mỹ sẽ làm ngay ». Một người biểu tình khác cho biết : «Người Nga và người Ukraina đã từng thuộc cùng một gia đình trong hàng trăm năm ». Một người khác khẳng định : « Tâm hồn người Ukraina là Nga ».

La Croix nhận định : Việc đó phản ánh một « sự ràng buộc văn hóa » rất mạnh giữa Ukraina và Nga, một sự ràng buộc mà các nước phương Tây đã « không hiểu hết ».

Nhật báo Les Echos chia sẻ quan điểm trên với bài chạy tựa : « Tại sao Putin không thể buông Ukraina ?». Tờ báo nhấn mạnh đến quyết tâm của Tổng thống Putin trong việc duy trì ảnh hưởng của Nga ở các nước thuộc Liên Xô cũ.

Tờ báo cũng cho biết, uy tín trong dân của Tổng thống Putin đang ở mức gần 70%, nhiều người Nga trước đây chống Putin bây giờ cũng ủng hộ lập trường của Putin trên hồ sơ Ukraina. Trong bối cảnh đó, tờ báo nhận định, Tổng thống Putin có trong tay một phương tiện hữu hiệu có thể phân hóa đối lập, làm người dân không còn chú ý đến những vấn đề kinh tế xã hội trong nước, góp phần đẩy lùi nguy cơ Mùa xuân Ả Rập tại Nga.

Giáo hoàng Phanxicô : Một năm tại vị đầy thiện cảm

Nhân dịp tròn một năm tại vị của Đức giáo hoàng Phanxicô, nhật báo Công giáo La Croix chạy tít lớn trên trang nhất : « Hiệu ứng Phanxicô ».

Ngày này năm ngoái, Đức Hồng y người Achentina Jorge Mario Bergoglio đã chính thức trở thành Đức giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo La Mã. Sau một năm tại vị, ấn tượng để lại đậm nét nhất của Ngài đó là hình ảnh của một sự « cải cách ».

Trong bài xã luận đăng trên trang nhất và một hồ sơ cho chủ đề này, La Croix nhấn mạnh đến làn gió cải cách mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mang lại. Ngài không tỏ ra uy nghi, nghiêm nghị, hay xa cách, mà ngược lại, luôn có lời nói và cử chỉ hết sức bình dị, gần gũi, thấu hiểu và chia sẻ với tất cả mọi người, nhất là người nghèo khổ, người chịu chiến tranh hay thiên tai. Đặc biệt, Ngài cũng có những động thái mang tính cởi mở với các tôn giáo khác.

« Hiệu ứng » mà tờ báo nêu trong tít bên trên, đó chính là việc Đức Giáo hoàng Phanxicô không chỉ được lòng của người Công giáo, mà còn được lòng của tín đồ Tin Lành, tín đồ Chính Thống Giáo, đặc biệt là của cả tín đồ Hồi Giáo, và người Do Thái.

La Croix trích ý kiến của một số chức sắc và nhà nghiên cứu của nhiều giáo phái khác nhau nhận định đầy thiện cảm về Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong đó nhấn mạnh đến sự gần gũi, bình dị, và thái độ hòa hợp tôn giáo của Ngài. Một nhà triết học Do Thái cho rằng : « Ngài muốn thúc đẩy sự hòa giải giữa người Do Thái và người Công giáo ». Hay như một chức sắc Hồi Giáo nhận định : « Ngài là một người hòa dịu ».

Pháp trước làn sóng thanh niên xuất ngoại

Pháp hiện xếp thứ ba thế giới trong các nước tiếp nhận nhiều thanh niên ngoại quốc đến du học. Thế nhưng, cũng ngày càng có nhiều thanh niên có bằng cấp tại Pháp xuất ngoại. Báo động cho tình trạng này, nhật báo Le Figaro đăng bài phỏng vấn : « Thanh niên xuất ngoại : Một làn sóng dữ ».

Tờ báo cho biết, Phòng thương mại và công nghiệp Paris vừa tiến hành nghiên cứu về vấn đề người Pháp sinh sống ở nước ngoài. Tờ báo phỏng vấn ông Jean-Yves Durance, một lãnh đạo của cơ quan này.

Ông Durance cho biết, kết quả nghiên cứu cho thấy, từ 10 năm nay, tỷ lệ người Pháp xuất ngoại tăng đều và hiện có khoảng 1,5 triệu đến 2 triệu người.

Nếu so với một số nước trong Liên Hiệp Châu Âu, thì con số này của Pháp còn thua xa : Anh là 4,6 triệu người, Đức là 4,2 triệu và Ý là 3,6 triệu.

Thế nhưng, vấn đề đáng báo động là ở chỗ khác. Đó là thành phần xuất ngoại của Pháp đã thay đổi.

Trong giai đoạn 2003-2013, tỷ lệ người Pháp đến sống và làm việc ở nước ngoài do được công ty hay Nhà nước cử đi, hay do đi làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, đã giảm từ 36% xuống còn 19%.

Trong khi đó, số người Pháp đi làm việc ở nước ngoài do kiếm được hợp đồng với các doanh nghiệp của nước sở tại đã tăng từ 47% lên 50%, hoặc đến mở công ty làm ăn ở nước ngoài cũng đã tăng từ 10% lên 18%.

Trong số những người Pháp xuất ngoại, 50% có bằng thạc sỹ hoặc tiến sỹ, và 57% có thu nhập trên 30 000 Euro mỗi năm. Số người kéo dài thời gian sống ở nước ngoài ngày càng tăng. Năm 2005, số người Pháp sống ở nước ngoài hơn 10 năm là 27%, trong khi đó vào năm 2013 con số này tăng lên mức 38%.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.